Bài văn phát biểu cảm nghĩ về văn bản "Mẹ tôi" số 5
“Mẹ” thật thiêng liêng và cao đẹp biết bao, tiếng gọi “mẹ ơi” vẫn là tiếng gọi thân thương nhất đối với mỗi đứa con.Mẹ chính là người yêu thương con vô bờ bến, sẵn sàng hi sinh tất cả để chở che cho con.Tình mẫu tử là tình cảm tự nhiên trong sáng và cao đẹp nhất. Nhắc đến tình mẫu tử, ta không thể không nhắc đến tác phẩm “Mẹ tôi” của Ét-môn-đô dờ A-mi-xi.Tác phẩm không chỉ khẳng đinh vai trò to lớn của mẹ trong cuộc đời mỗi con người mà còn là bài học sâu sắc, thấm thía về đạo làm con.
Ngay đoạn đầu tác phẩm, En-ri-cô đã cho chúng ta biết lí do bố viết thư cho em để “cảnh cáo” vì tội em “nhỡ thốt ra một lời thiếu lễ độ” với mẹ khi cô giáo đến thăm nhà. Ở câu đầu của bức thư bố viết cho En-ri-cô, người đọc đã cảm nhận được thái độ nghiêm khắc, thẳng thắn. Việc En-ri-cô thốt ra lời nói thiếu lễ độ với mẹ đã làm người bố vừa đau đớn vừa tức giận đến nỗi “không thể nén nổi” vì bổ cho rằng đứa con đã thiếu kính trọng mẹ, xúc phạm đến danh dự của bố mẹ, trước mặt người ngoài nhất lại là cô giáo, một vị khách quý đang đến thăm gia đình. Đoạn văn rất ngắn nhưng thâu tóm được nội dung rất quan trọng: lí do viết bức thư của bố cũng như tâm trạng của En-ri-cô khi nhận được thư bố: “xúc động vô cùng”.
Trước việc làm sai trái đó của En-ri-cô, đầu tiên người bố tỏ thái độ buồn bực vì sự hỗn láo của con “ như một nhát dao đâm vào tim bố” và phút chốc đã quên công lao sinh thành, dưỡng dục. Hình ảnh so sánh có sức biểu cảm mạnh mẽ kết hợp với những câu hỏi đầy day dứt, oán trách: “Con mà lại xúc phạm đến mẹ con ư?” thể hiện tâm trạng của người bố một cách riết róng, sinh động, chân thực.
Càng về cuối bức thư, thái độ cửa bố càng quyết liệt hơn. Các cặp phạm trù tương phản được nêu lên một cách dứt khoát: Yêu và ghét, còn và mất. Tuy rất yêu con, coi con là niềm hi vọng tha thiết nhất” nhưng nếu “con bội bạc với mẹ” thì “thà rằng bố không có con”. Đặc biệt, ông thể hiện sự nghiêm khắc với đứa con khi nêu ra hình phạt. Mẹ có thể tha thứ cho con bằng cái hôn lên trán, nhưng bố thì còn phải chờ thời gian: “Thôi, trong một thời gian con đừng hôn bố”. Đối với con thời gian là thử thách cũng là cơ hội để sửa chữa lỗi lầm.
Hình ảnh người mẹ hiện lên gián tiếp qua những lời nói của bố trong thư thật sinh động và cao cả biết mấy. Bố nhắc lại kỉ niệm không bao giờ có thẻ quên về tình yêu thương mênh mông, bao la của mẹ.Chỉ cách đây mấy năm khi Em-ri-cô ốm nặng “Mẹ đã phải thức suốt đêm” để săn sóc con “cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con”. Mẹ lo âu, phiền muộn thậm chí “quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con”. Người đọc thấy đây là người mẹ thương yêu con hết mực, coi đứa con là tài sản quý giá nhất, sẵn sàng chấp nhận làm mọi việc, thậm chí hi sinh cả tính mạng vì con. “Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn ” thậm chí “mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con”. Chỉ có tình mẫu tử mới mang lại cho người mẹ nghị lực phi thường như thế.
Và cuối cùng, người cha khuyên con hãy nhớ rằng không ai có thể thay thế được người mẹ đã sinh thành và nuôi dưỡng mình nên người. Cha còn nhắc cho con nhớ: Tình thương yêu, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình cảm đó. Cuối cùng là yêu cầu con phải xin lỗi mẹ bằng thái độ thành khẩn và cầu xin mẹ hôn con để cho chiếc hôn ấy xóa đi dấu vết vong ân bội nghĩa trên trán con.
Với giọng điệu vừa chân thành, vừa ân cần, vừa nghiêm khắc, bằng tấm lòng yêu thương, bằng sự trải nghiệm của mình, người cha đã nói với con những lời thiết tha, chân tình về tình mẫu tử, về sự thiếu vắng trong tâm hồn trẻ thơ khi mất mẹ. Tác phẩm khép lại thật nhẹ nhàng nhưng lại đạt hiệu quả giáo dục cao về ý nghĩa của tình yêu thương, kính trọng cha mẹ đồng thời cũng là bài học sâu sắc về đạo làm con.