Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Sơn Tinh, Thủy Tinh" số 2
Truyện cổ tích, truyện truyền thuyết, thần thoại là một phần không thể thiếu trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam. Những câu chuyện này được sáng tác nhằm giải thích những sự vật sự việc xảy ra xung quanh con người chúng ta. Hoặc thể hiện mong muốn ước mơ nguyện vọng của người xưa trong cuộc chiến đấu giữa cái thiện và cái ác, giữa con người và lực lượng siêu nhiên.
Truyện truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh mượn hình ảnh những vị thần để nói lên sự khắc nghiệt tàn bạo của những thiên tai, lũ lụt, mưa bão xảy ra hàng năm trên đất nước ta, làm cho người dân của ta phải khốn đốn chống trả. Đồng thời qua truyện này ca ngợi tinh thần dựng nước và giữ nước của các vị vua hùng ở nước ta. Thể hiện ý chí của con người trong việc xây dựng và bảo vệ những thành quả mà mình có được.
Truyện truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh thể hiện cuộc đấu trí của hai người anh hùng Sơn Tinh được mệnh danh là chúa tể của vùng núi non, sơn cước, và Thủy Tinh được mệnh danh là chúa tể vùng nước biển vực sâu. Sơn Tinh vô cùng thần thông quảng đại khi anh vẫy tay về phía đông thì phía đó lập tức nổi lên những cồn bãi, khi anh vẫy tay về phía tây thì phía đó mọc lên những núi đồi xanh tươi. Còn Thủy Tinh thì có tài hô mưa gọi gió.
Vua Hùng chỉ có một người con gái xinh đẹp tên Mỵ Nương nhà vua cũng muốn chọn một người hiền tài làm rể của mình. Nhưng nay lại có tới hai người vô cùng tài giỏi nên nhà vua không biết làm như thế nào đành bảo: Hai anh về tìm voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao tới đây. Ai đến trước thì nhà vua gả con gái cho người đó. Dường như trong cuộc đấu trí này nhà vua có ý nghiêng về Sơn Tinh thì phải bởi những thứ vua Hùng thách cưới đều là món quà của núi rừng, nơi sinh ra và lớn lên của Sơn Tinh. Chính vì vậy, Sơn Tinh nhanh chóng tìm được lễ vật tới cưới công chúa Mỵ Nương về làm vợ.
Thủy Tinh tới muộn không cưới được vợ nên ôm hận, cứ hàng năm anh ta lại hô mưa gọi gió, dâng nước lên cao nhằm nhấn chìm giang sơn của Sơn Tinh. Nhưng Sơn Tinh cũng tài giỏi không kém nước dâng lên bao nhiêu thì núi cao lên bấy nhiêu, không bao giờ Thủy Tinh có thể nhấn chìm được Sơn Tinh. Cuộc chiến giữa hai vụ thần gây ra rất nhiều lầm than, tai ương cho nhân dân, là cho người dân hàng năm lại rơi vào cảnh màn trời chiếu đất khi nhà cửa bị nước lũ cuốn trôi, hoa màu, trâu bò, lợn gà đều bị cuốn sạch. Những khó khăn đó đều khiến người dân phải hứng chịu.
Người xưa muốn giải thích cho những hiện tượng thiên nhiên, cho nạn lũ lụt xảy ra hàng năm ở nước ta nên mới nghĩ ra câu chuyện mang tính chất hư cấu, kỳ ảo với những yếu tố hoang tưởng này để làm cho cuộc sống trở nên thi vị hơn. Đồng thời cũng nhằm khẳng định tinh thần chiến đấu của người dân trước thiên tai, lũ lụt, dù thiên nhiên có mạnh mẽ quyền lực tới đâu, thì cũng phải thua trước sức mạnh ý chí của con người mà thôi. Chính vì vậy dù Thủy Tinh có dâng nước cao bao nhiêu thì Sơn Tinh cũng cho đá đất lấp đầy bấy nhiêu. Nói lên tinh thần chiến đấu quả cảm quật cường của những người nông dân lao động.
Thông qua những tình tiết trong câu chuyện này nhằm thể hiện một ẩn ý vô cùng sâu sắc rằng con người chúng ta không bao giờ khuất phục trước thiên nhiên. Dù khó khăn thử thách tới đâu thì con người cũng vẫn luôn chiến thắng thiên tai, làm chủ vận mệnh của mình không bao giờ lùi bước. Cuộc chiến đấu giữa hai vị thần Sơn Tinh và Thủy Tinh là cuộc chiến đấu không có thật nhưng lại nhằm lý giải cho những hiện tượng thiên nhiên xảy ra hàng năm. Người xưa đã vô cùng tinh tế khi lựa chọn giữa những thứ đã có thật như vua Hùng, công chúa Mỵ Nương, với những điều không có thật như thần núi Sơn Tinh hay thần nước Thủy Tinh để làm cho câu chuyện trở nên hấp dẫn, hư hư thực thực kích thích người đọc.
Qua truyện truyền thuyết Sơn Tinh Thủy Tinh ta thấy rằng hàng năm nhân dân nước ta phải gánh chịu rất nhiều tai ương, lũ lụt, bão tố nhưng người dân chưa bao giờ nao núng sợ hãi trước những thiên tai này mà họ vẫn kiên cường chống chọi tới cùng, thể hiện tinh thần chiến đấu dũng cảm của những người nông dân.