Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Sơn Tinh, Thủy Tinh" số 10
Mỗi câu chuyện của ông cha ta để lại dù ngắn hay dài đều là cả quá trình tích lũy kinh nghiệm và sáng tạo. Trong các câu truyện ông cha ta để lại em thích và nhớ nhất là truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh. Câu chuyện ca ngợi công lao dựng nước của vua Hùng. Ông cha ta mượn cuộc chiến của Sơn Tinh, Thủy Tinh để giải thích hiện tượng lũ lụt xảy ra hàng năm và ước mơ muốn chế ngự thiên tai.
Bằng khả năng sáng tạo của mình ông cha ta đã sáng tạo truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh lịch sử hóa thần thoại về núi Tản Viên thành truyện truyền Thuyết. Câu chuyện được khéo léo gắn vào thời đại vua Hùng thứ mười tám, đây là một trong những truyện nằm trong kho tàng những câu chuyện về Hùng Vương. Ở nước ta từ xưa đến nay luôn luôn phải đối mặt với các trận lũ lụt gây hậu quả và người và tài sản. Người Việt cổ luôn giải thích các sự vật, hiện tượng tự nhiên đều liên quan đến các vị thần như thần núi, thần nước, thần gió,…. Nên có thể khi phải đối mặt với các trận lũ lụt thì người Việt cổ nghĩ đến có việc khiến thủy thần hàng năm nổi giận. Họ đã sáng tạo ra truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh để giải thích nguyên nhân dẫn đến các trận luc lụt hằng năm và qua truyện hộ thể hiện ước muốn chế ngự thiên tai.
Câu chuyện được bắt đầu rất độc đáo, đó chính là việc vua Hùng thứ mười tám muốn kén rể cho con gái. Con gái của vua Hùng tên là Mị Nương là cô gái đẹp người, đẹp nết được vua Hùng yêu thương hết mực nên muốn tìm cho con một người chồng tài giỏi, xứng đáng.
Khởi đầu là cuộc tranh tài bất phân thắng bại của Sơn Tinh và Thủy Tinh. Người Việt cổ dựa vào kinh nghiệm và hiểu biết của mình để sáng tạo nên hình tượng vĩ đại của hai chàng trai đến cầu hôn. Phần giới thiệu rất ngắn gọn những thể hiện tài năng hơn người và ngang tài ngang sức của hai chàng trai. Một người thì “vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn cát; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên tường dãy núi đồi. Người ta gọi chàng là Sơn Tinh.” Người còn lại thì “tài năng cũng không kém: gọi gió, gió đến: gọi mưa, mưa về. Người ta gọi chàng là Thủy Tinh.” Một người trên núi, một người dưới biển mà ngang sức ngang tài kiến cho vua Hùng không biến chọn ai bèn cho mời các lạc hầu bàn bạc đưa ra quyết định nếu ai mang đầy đủ lễ vật đến trước thì người đó sẽ đón được Mị Nương về làm vợ.
Khi đọc đến phần lễ vật em cảm thấy vua Hùng hình như nghiêng về bên Sơn Tinh có thể lễ vật chỉ là cách mà vua Hùng nghĩ ra. Lễ vật gồm “Một trăm ván cơm nếp, hai trăm nệp bánh chưng, voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi.” Voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao là chỉ sống ở vùng núi. Còn cơm nếp và bánh chưng dều là các sản phẩm nông nghiệp nơi vùng đất Sơn Tinh cai quản. Người Việt cổ dùng trí tưởng tượng ra những món lễ vật phi thường voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao bên cạnh đó là những sản vật gần gũi và quan trọng đối với họ là các món ăn từ lúa gạo. Vì vậy, có lẽ đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến chiến thắng của Sơn Tinh đến sớm đón được Mị Nương.
Có thể các lễ vật ở vùng núi nên Thủy Tinh mất nhiều thời gian đi tìm hơn nên mang lễ vật đến muộn hơn Sơn Tinh. Vì vậy, khi Thủy Tinh đến nơi thì Mị Nương đã được Sơn Tinh đón về núi khiến Thủy Tinh tức giận đuổi đanh Sơn Tinh muốn cướp lại Mị Nương. Thủy tinh thể hiện hết khả năng “ Thần hô mưa, gọi gió làm thành giông bão rung chuyển cả trời đất, dâng nước sông lên cuồn cuộn đánh Sơn Tinh.” Thủy Tinh không để ý đến sự tức giận của mình khiến “nước ngập ruộng đồng, nước ngập nhà cửa, nước dâng lên lưng đồi, sườn núi, thành Phong Châu như nổi lềnh bềnh trên một biển nước.”
Sự tức giận của Thủy Tinh khiến cho muôn dân lầm than, những cánh đồng lúa làm ra ván cơm nếp, nệp bánh chưng bị dòng nước nuốt chửng. Người dân vì dòng nước mất đi ruộng vườn nơi ở, mất đi cả người thân. Đứng trước sự tức giận của Thủy Tinh, Sơn Tinh không hề nao núng “bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành lũy đất ngăn chặn dòng nước lũ. Nước sông cao lên bao nhiêu, đồi núi cao lên bấy nhiêu.” Trận chiến ác liệt kéo dài mấy tháng trời, cuối cùng Thủy Tinh cũng thua buộc phải rút quân. Trận đấu nhờ những chi tiết kì ảo, tưởng tượng của người Việt cố hiện lên thật vĩ đại, đây là cuộc chiến của các vị thần mang sức mạng vĩ đại. Với chiến thắng cuối cùng, Sơn Tinh như vị anh hùng đại diện cho dân tộc bảo vệ và đứng ra trị thủy bảo vệ ruộng vườn, nhà của và cuộc sống của người dân.
Năm nào cũng vậy, từ xưa đến nay, Vì lòng ghen muốn đoạt lại Mị Nương mà Thủy Tinh không tiếc gây ra thiệt hại cho người dân dâng nước đánh Sơn Tinh. Nhưng nhờ sức mạnh, sự đoàn kết và trí thông minh dùng núi, đồi,đất ngăn nước Sơn Tinh luôn chiến thắng Thủy tinh, buộc Thủy Tinh phải rút quân. Phải chăng tài năng của Sơn tinh phải chăng chính là sáng tạo của nhân dân chống lại lũ lụt hằng năm bằng các đắp đê ngăn lũ như ngày nay được truyền lại. Nhân dân ta luôn đứng lên nghĩ cách chế ngự thiên tai và còn sáng tạo ra câu chuyện thú vị giải thích cho con cháu về nguyên nhân gây ra lũ lụt hằng năm cùng với biện pháp chống lại lũ lụt.
Đáp lại công ơn các vua Hùng dựng nước và các bài học của người Việt cổ để lại, chúng ta ngày nay đã xây dựng được các bờ đê vững chắc đặc biệt là chúng ta đã chinh phục được dòng nước để xây dựng đập thủy điện phục vụ cho cuộc sống. Tuy nhiên, chúng ta lại tự phá hủy đi tuyến phòng ngự của thấn núi là các cánh rừng phòng hộ ngăn lũ lụt. Vậy nên, dù có kế thừa và phát huy sáng tạo của người Việt cổ mà chúng ta không giữ gìn và bảo vệ rừng cùng chung sức với thần núi thì sẽ có lúc Thủy Tinh sẽ giành chiến thắng.