Bài văn phát biểu cảm nghĩ truyện "Con Rồng cháu Tiên" số 9
Trong kho tàng truyện dân gian của nước ta có một câu chuyện mà chúng ta không ai là không biết đó chính là Truyền thuyết về "Con Rồng cháu Tiên" việc người mẹ Âu Cơ lấy cha Lạc Long Quân rồi sinh ra một bọc trứng rồng 100 cái ấp ra được một trăm người con.
Nhưng sau đó, vì sự chia cắt nên Lạc Long Quân mang năm mươi người con xuống biển sinh sống còn mẹ Âu Cơ mang năm mươi người con trai lên rừng cai quản núi non của mình. Dù ở xa nhau người trên rừng, kẻ xuống biển nhưng trong dòng máu chảy của tất cả chúng ta đều chung một huyết thống, đều có tình anh em cùng cha cùng mẹ.
Câu chuyện này là sản phẩm của trí tưởng tượng của con người. Nên trong câu chuyện có những yếu tố ly kỳ hoang tưởng không có thật. Những người xưa muốn thông qua những tình tiết ly kỳ đó để giải thích với con cháu mai sau một truyền thống đạo lý tốt đẹp đó chính là ở đâu con người với nhau cũng đều là anh em, cùng chung huyết thống. Chính vì vậy, chúng ta phải thương yêu nhau không nên tranh giành, chém giết lẫn nhau.
Đồng thời thông qua câu chuyện Con Rồng cháu Tiên người xưa muốn ca ngợi, suy tôn nguồn gốc cao quý của giống nòi người Việt Nam chúng ta. Chúng ta chính là hậu duệ của tầng lớp con Rồng cháu Tiên, phải sống sao cho xứng đáng với truyền thống hào hùng anh dũng mà cha ông để lại.
Lạc Long Quân chính là con trai của thần Long nữ ở Đông Hải vùng biển phía Đông, còn mẹ Âu Cơ chính là dòng dõi Thần Nông sống ở trên vùng núi phương Bắc. Mỗi vị thần đều có một vẻ đẹp và quyền lực riêng của mình. Trong đó, vẻ đẹp của Lạc Long Quân chính là sức mạnh và sự tài năng trong trí tuệ của người, thể hiện tinh thần dũng mãnh, anh hùng, tráng kiệt.
Thân hình của thần Lạc Long Quân được ví như một con Rồng cạn, vô cùng oai vệ, có thể sống được ở trên cạn cũng như dưới nước. Thần có sức mạnh vô song có thể trấn áp được bọn quỷ dữ, yêu tinh làm hại những người dân lương thiện. Thần Lạc Long Quân lại có lòng thương yêu con người thường dạy cho con người cách trồng trọt, chăn nuôi, cách làm nhà ăn ở, thể hiện tấm lòng khoan dung nhân hậu của người.
Nàng Âu Cơ là một nữ tiên vô cùng dịu dàng, hiền thục, nàng xinh đẹp vô cùng. Nàng Âu Cơ có tính cách cũng vô cùng cởi mở thích đi đây đi đó, nghe nói nơi nào đẹp có nhiều hoa thơm cỏ lại là nàng đi tới đó ngay lập tức. Một hôm trên đường ngao du của mình nàng Âu Cơ gặp được thần Lạc Long Quân. Hai người trai tài gái sắc gặp gỡ đã nảy sinh tình cảm, nảy nở một tình yêu lớn. Rồi hai người kết hôn, chẳng bao lâu sau Âu Cơ sinh ra một bọc trứng có một trăm quả trứng Rồng, rồi ấp ra một trăm người con trai.
Truyện con Rồng cháu Tiên hấp dẫn người nghe bởi những tình tiết ly kỳ, bởi tình yêu giữa Rồng và Tiên một người sống dưới nước và một người sống trên vùng núi non cao. Nhưng hai người lại vượt mọi khó khăn trở ngại để đi tới kết hôn. Chi tiết này chính là biểu tượng của sự đoàn kết dân tộc, giữa những vùng miền với nhau nhưng không có sự chia cắt, không có bất kỳ khoảng cách nào, khi họ thật sự có tình yêu thì mọi khó khăn chỉ là thử thách mà thôi.
Cuộc hôn nhân giữa vị thần Lạc Long Quân và tiên Âu Cơ phản ánh mối quan vệ và sự thống nhất giữa các vùng miền trên toàn bộ lãnh thổ dân tộc Việt Nam chúng ta, ở đâu cũng được coi là nhà, là anh em. Nội dung câu chuyện nhằm giải thích nguồn gốc của dân tộc Việt Nam chính là nòi giống Tiên Rồng, vẻ vang. Tổ tiên của chúng ta là hai vị thần tài năng, khỏe mạnh, xinh đẹp, hiền thục sinh ra. Chính vì vậy, con cháu người sau này con trai lớn lên phải anh dũng, tài năng, con gái thì xinh đẹp, hiền thục, đức hạnh…
Hình ảnh bọc trứng Rồng một trăm quả mà mẹ Âu Cơ sinh ra có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng cao cả. Nó nhằm khẳng định tất cả con cháu trong đất nước Việt Nam đều do cùng một cha mẹ sinh ra, nên chúng ta phải có tinh thần đoàn kết yêu thương nhau, giúp đỡ lẫn nhau trong những khó khăn, nhường cơm sẻ áo trong lúc hoạn nạn, thiên tai, xảy ra.
Ở đâu trên lãnh thổ nước ta người dân cũng đều có tình cảm keo sơn máu thịt, những người dân cùng đồng bào tổ quốc, thể hiện sự yêu thương gắn bó đoàn kết của mỗi người dân Việt Nam. Việc chia ly giữa thần Lạc Long Quan và nàng tiên Âu Cơ rồi hai người chia đôi con mang lên rừng và xuống biển sinh sống, thể hiện sự phân bố vùng miền, dù là ở đâu trên rừng hay dưới biển thì chúng ta vẫn là anh em một nhà. Chỉ do phong tục tập quán khác nhau nên không thể sống chung, nhưng chúng ta không thể phủ nhận tính huyết thống chảy trong người mình được.
Con Rồng cháu Tiên là một truyền thuyết hay vô cùng đặc sắc, hấp dẫn trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam. Nó thể hiện sự tự hào về dòng dõi nguồn gốc cao quý của người dân Việt Nam. Đồng thời thể hiện tinh thần đoàn kết như anh em một nhà của những người con sống trên cùng một đất nước hình chữ S này. Mỗi chúng ta dù sinh ra, lớn lên ở đâu nhưng vẫn luôn nhớ tới nguồn gốc của mình, để sống sao cho xứng đáng với truyền thống Tiên Rồng đó.