Bài văn phát biểu cảm nghĩ tác phẩm "Cuộc chia tay của những con búp bê" số 9
Khánh Hoài được biết đến là cây bút truyện ngắn hiện đại nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Ông được vinh dự trao tặng giải thưởng quốc tế văn học viết về “Quyền trẻ em”. Có lẽ vì thế những áng văn chương của ông viết nhiều về đề tài trẻ thơ. Tiêu biểu nhắc tới truyện ngắn : “Cuộc chia tay của những con búp bê”.Truyện ngắn là một văn bản nhật dụng tiêu biểu đề cập tới vấn đề về quyền trẻ em, và được vinh danh trên sàn đấu quốc tế với giải nhì cuộc thi viết văn quốc tế về quyền trẻ em do Rát-đa Bec nơ tổ chức.
Lấy hình ảnh ẩn dụ là những con búp bê, truyện kể lại cuộc chia tay đầy cảm động của hai anh em Thành và Thuỷ vì cha mẹ ly hôn mà phải sống xa nhau. Nhan đề câu chuyện : “Cuộc chia tay của những con búp bê” gợi lên hình ảnh thật trong sáng. Những con búp bê ẩn dụ cho tâm hồn trẻ thơ, vô tọi của những đứa trẻ. Chính từ nhan đề này khiến người đọc tò mò, gợi ra một tình huống, buộc người đọc phải theo dõi để tìm hiểu. Truyện được kể theo ngôi kể thứ nhất, nhân vật kể chuyện xưng “tôi”, nhập cuộc để kể lại một cách chân thực, chính xác ,thể hiện sâu sắc nhừng suy nghĩ tình cảm tâm trạng của các nhân vật góp phần tăng sức thuyết phục cao cho truyện.
Mở đầu truyện ngắn là tiếng gọi của nhân vật mẹ. Mở đầu bằng một âm thanh khàn đặc, như gợi cái âm hưởng buồn bã xuyên suốt tác phẩm. Những hình ảnh Thành nhớ lại ban đêm với những giọt nước mắt, với những tiếng nức nở khiến người đọc như nao lòng, và càng tò mò muốn tìm hiểu câu chuyện.Tiếp đến, tác giả vẽ lại bức tranh khung cảnh buổi sáng. Ông sử dụng nhiều láy từ gợi tả âm thanh, màu sắc của các loài chim, loài hoa : “Những bông hoa thược dược trong vườn đã thoáng hiện trong màn sương sớm và bắt đầu khoe bộ cánh rực rỡ của mình.
Lũ chim sâu nhảy nhót trên cành và chiêm chiếp kêu. Ngoài đường, tiếng xe máy, tiếng ô tô và tiếng nói chuyện của những người đi chợ mỗi lúc một ríu ran.”. Khung cảnh thiên nhiên bình dị, thân thuộc, tưởng chừng cuộc sống thật yên bình. Nhưng ngay câu văn tiếp theo: “ Cảnh vật vẫn cứ như hôm qua, hôm kia thôi mà sao tai họa giáng xuống đầu anh em tôi nặng nề thế này .” khiến cả đoạn văn như trùng xuống, người đọc dường như ngờ ngợ hình dung ra được câu chuyện xảy ra. Cảnh vật thì cứ đẹp mà lòng người thì đau khổ buồn bã. Nghệ thuật đối lập giữa cảnh và người khắc sâu sự hồn nhiên vô tư và nỗi bất hạnh của những đứa trẻ Nhân vật “tôi” nhớ lại những kỉ niệm đẹp giữa hai anh em.
Thành đi đá bóng ở sân vận động bị ngã rách áo, Thủy đã mang kim chỉ ra tận sân vận động khâu áo cho anh. Từ đó chiều nào Thành cũng đi đón Thủy, hai anh em vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ. Kỉ niệm ngây thơ hồn nhiên ấy dội về trong kí ức của Thành khắc sâu hơn nỗi đau khổ bất hạnh của hai anh em. Tình cảm ngây thơ, gần gũi của hai anh em càng đẹp bao nhiêu thì hiện thực lại càng đau khổ bấy nhiêu.Truyện dâng lên cao trào khi người mẹ nhắc hai anh em chia đồ chơi. Khi Thành mang hai con búp bê chia ra thì Thuỷ tru tréo lên giận dữ vì em không muốn hai con Vệ Sĩ và Em Nhỏ phải rời xa nhau. Thành nhớ lại kỉ niệm về hai con búp bê, đó là sự quan tâm lẫn nhau của hai anh em.
Hai con búp bê luôn ở cạnh nhau không bao giờ xa cách là biểu tượng cho tình cảm anh em bền chặt không bao giờ xa nhau của Thành và Thủy. Bởi có lẽ búp bê là hình ảnh của gia đình sum họp, sự gắn bó của hai anh em, là kỉ niệm đẹp của thời thơ ấu, là hình ảnh trung thực của hai anh em Thành và Thủy.Trong cuộc chia tay của Thủy với lớp học 4B thân yêu khi Thủy cho biết mình không được đi học nữa khiến cho không chỉ cô giáo, các bạn trong lớp xúc động mà còn khiến người đọc thật xót xa. Về quê ngoại ở xa trường học quá nên em không thể tiếp tục đến trường được. Về quê cũng đồng nghĩa với việc em không thể được vui chơi như những đứa trẻ khác mà sẽ phải đi bán hoa ngoài chợ không những khiến cả lớp mà còn khiến người đọc chúng ta cảm thấy thật bàng hoàng.
Em mới chỉ là một em bé còn rất nhỏ vậy mà cuộc đời em lại phải lặn lội kiếm sống ngoài chợ thật khiến người đọc cảm thấy nghẹn ngào xiết bao. Với một đưa trẻ, điều quan trọng nhất, đáng quý nhất chính là giáo dục. Được đi học là trách nhiệm, là niềm vui của mỗi đứa trẻ. Nhưng với Thuỷ đó là điều xa vời với em. Em sẽ không được đi học, em quá nhỏ để phải lăn lộn với cuộc đời khổ cực. Thuỷ trở thành cô bé vừa thiếu tình cảm gia đình vừa thiếu đi kiến thức.Với Thành, em là đứa trẻ ít nói, không thích bộc lộ những cảm xúc ra bên ngoài nhưng từ những suy nghĩ, hành động nhường nhịn của em với Thuỷ cũng đủ để thấy em là đứa trẻ sống tình cảm, yêu thương, nhường nhịn em gái.
Em sống rất tình cảm và có những suy nghĩ chững trạc về cuộc sống.Bằng nghệ thuật đối lập trong miêu tả ngoại cảnh và nội tâm nhân vật, Khánh Hoài đã xuất scaws kể lại câu chuyện thấm đẫm tình cảm nhân văn sâu sắc. Câu chuyện đã ca ngợi tình cảm anh em thắm thiết trong sáng để từ đó lên tiếng phê phán những cặp cha mẹ vô trách nhiệm với con cái, đẩy con cái mình vào những hoàn cảnh bế tắc, éo le.