Bài văn phát biểu cảm nghĩ bài "Một thứ quà của lúa non" số 10
Thạch Lam gây ấn tượng mạnh mẽ với người đọc bởi khả năng chụp bắt những khoảnh khắc tế vi của thiên nhiên và con người trong những lúc đang sinh thành, chuyển hóa, biến dịch, như phút giao mùa, hương hoa, làn khói, đốm lửa, tiếng còi, đến cả những rung động thầm kín của lòng người trước những lựa chọn yêu thương, thậm chí nghiệt ngã như chính-tà, thiện-ác,…Văn của ông hình thành trên những đường biên ấy, cái khoảng ranh giới mong manh như sợi tóc theo cách gọi của ông.
Không phải ngẫu nhiên ông trở thành nhà văn thân quý của tuổi mới lớn, khi ý thức về sự trở thành trong văn chương gặp gỡ với ý tưởng muốn trưởng thành trong lòng bạn đọc. Song cũng có lúc, sự thụ cảm về những khoảnh khắc ấy được ông xâu chuỗi, tụ hội trong những tác phẩm dài hơi, không lôi cuốn về cốt truyện mà hấp dẫn bởi cách thức nhà văn nhìn nhận và thể hiện cuộc đời, con người và văn hóa nghệ thuật. “Một thứ quà của lúa non: Cốm” là một tiết đoạn độc đáo trong “Hà Nội băm sáu phố phường”, thiên tùy bút hàng đầu về Hà Nội, ở cả vẻ đẹp văn chương và khả năng lột hiện vẻ đẹp thành phố kết tụ tinh hoa văn hóa Việt.
Thạch Lam viết Cốm như một nhà nhân học đô thị ghi chép một thức quà dân dã của Hà Nội. Văn chương của ông không óng ả như khi viết truyện ngắn, mà kĩ lưỡng, chi li, mạch lạc như muốn thuyết minh với người đọc về thức quà đặc biệt này. Bài viết chia làm bốn phần rõ rệt. Phần một, từ đầu đến “như chiếc thuyền rồng…” là cảm nhận của tác giả về Cốm, “một thức quà thanh nhã và tinh khiết”, từ nguồn gốc tự nhiên của Cốm, đến bàn tay tài hoa của người làm ra Cốm, tụ hội thành làng cốm Vòng nổi tiếng ở ngoại thành Hà Nội. Phần hai, tiếp theo đến “những vẻ cao quý, kín đáo và nhũn nhặn”, nhận xét về phong tục dùng Hồng, Cốm của người Việt Nam, tức cái làm nên giá trị văn hóa của Cốm. Phần ba, tiếp theo đến “tươi sáng hơn nhiều lắm”, bàn về cách thưởng thức Cốm. Phần bốn là đoạn còn lại, cung cấp thêm một số cách chế biến món ăn khác từ Cốm, song vẫn nhấn mạnh vào vị ngon tinh khiết khi thưởng thức Cốm ở nguyên dạng ban đầu.
Để tạo nên sức hấp dẫn của thuyết trình, nhằm thu hút sự chú ý của người đọc, giúp người đọc cảm nhận được rõ ràng về Cốm, Thạch Lam đã lựa chọn khéo léo các chi tiết, đưa ra các nhận định đánh giá, bình luận để nhấn mạnh ý định mà mình muốn trình bày. Nói cách khác, ở đây tư cách của nhà văn đã được phát huy trong cách ông huy động các thủ pháp nghệ thuật khác nhau để thuyết minh về Cốm. Tả Cốm nhưng Thạch Lam nhắc trước đến cái không khí chuẩn bị cho sự xuất hiện của thứ quà ấy, qua các hình ảnh liên quan như thời tiết “Cơn gió mùa hạ lướt qua”, lá gói Cốm “vừng sen”, chất liệu làm Cốm “bông lúa non”, “chất quý trong sạch của trời”. Cách tả như vậy gây ấn tượng mạnh trong lòng người đọc. Hay trong cách Thạch Lam nhấn mạnh vào tài nghệ bí truyền của người làm Cốm làng Vòng, vào dáng hình thanh tú của các cô gái làng Vòng bán Cốm dạo ở các phố phường Hà Nội.
Ở phần thứ hai, Thạch Lam làm một quy trình ngược lại, không còn thao tác quy nạp nữa, mà là diễn dịch. Sau khi đưa ra nhận định mang tính khái quát hóa: " Cốm là thức quà đặc biệt riêng đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ An Nam", Thạch Lam chuyển ngay sang cụ thể hóa nhận định đó bằng cách trình bày các tục lệ liên quan đến quà Cốm. Đến phần ba, Thạch Lam chuyển sang miêu tả kĩ lưỡng, tỉ mỉ, tinh tế cách thưởng thức quà Cốm. Sự thay đổi linh hoạt cách thức trình bày về một đề tài như thế, kiến cho bài thuyết trình trở nên sinh động, hấp dẫn, tạo được nhiều sự chú ý.
Thạch Lam đã kết hợp nhiều phương thức biểu đạt (miêu tả, thuyết minh, biểu cảm, bình luận) khi viết về Cốm. Nhưng phương thức chủ yếu vẫn là biểu cảm. Bởi ở đây tác giả dùng thể tùy bút để trình bày nhận thức có tính cá nhân về Cốm. Tùy bút vẫn sử dụng phương thức miêu tả, thuyết minh về những hình ảnh sự việc mà nhà văn quan sát, song chú trọng nhiều hơn đến việc thể hiện cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, thái độ của nhà văn trước cái hình ảnh, sự việc ấy. Hơn nữa, ngôn ngữ của tùy bút thường giàu hình ảnh và chất trữ tình cũng góp phần làm nổi bật tính chất biểu cảm của thể văn này. Lựa chọn thể tùy bút để viết về Hà Nội, trong đó có quà Cốm, có lẽ Thạch Lam đã ý thức được sự tương thích giữa năng lực biểu cảm của thể loại và tính sáng tạo của mình.
Chính sự giàu có về cảm xúc, sự tinh tế bén nhạy trong cách cảm nhận cuộc sống, đã làm lên nét đẹp và sự quyễn rũ của văn chương Thạch Lam. Có thể vì thế chăng mà ta dễ cảm và hiểu tại sao ở đoạn cuối của bài thuyết minh về Cốm này, Thạch Lam bộc trực: "Cốm để nguyên chất ăn bao giờ cũng ngon và nhiều vị. Tất cả những cách thức đem nấu khác chỉ làm cho thức quà ấy bớt mùi thơm và chất dẻo đi thôi. Tuy vậy, nhiều người ưa cái thứ cốm xào, thắng đường rất quánh. Thành ra một thứ quà ngọt sắc và dính răng. Như vậy tưởng mua bánh cốm mà ăn lại còn thú vị hơn. Ở Hà Nội, người ta còn làm một thứ chả cốm, nhưng cái thanh đạm của vị lúa không dễ ăn với cái béo tục của thịt, mỡ.
Tôi thích hơn thứ chè cốm, nấu vừa đường và không đặc. Ít ra ở đây cốm cũng còn giữ được chút ít vị thơm và chất dẻo, và chè cốm ăn cũng mát và lạnh. Nhưng cũng chắng gì hơn là một lá cốm Vòng tươi sạch trong một chiếc lá sen mới hái về". Cung cấp thêm một số cách chế biến món ăn khác từ Cốm, Thạch Lam vẫn nhấn mạnh và ưu ái vào vị ngon tinh khiết khi thưởng thức Cốm ở nguyên dạng ban đầu, có chăng một cảm giác về sự phôi pha, về sự dần mất của nét đẹp văn hóa, khi người ta thực tế hơn, thực dụng hơn, và sự phát triển hối hả của con người cũng làm cho cuộc sống bác táp, bề bộn hơn?
Viết về một thứ quà dân dã bình dị nhưng Thạch Lam đã gửi gắm vào đấy rất nhiều tình cảm chân quý của mình với một món quà của quê hương. Ông đã không chỉ yêu quý Cốm mà còn dành ra những trang viết hết sức trân trọng mà còn phê phán những hành vi làm mất đi tính chất và hương vị riêng tư có của quà Cốm ban tặng cho con người. Thái độ tự tin và trọng thị với tinh hoa văn hóa có thể làm lên những lợn cợn với người đọc, người thưởng thức quà Cốm bởi hương vị ngon vốn có của nó. Song sự toan lo và ý thức hàm dưỡng những giá trị văn hóa của dân tộc trước sự va đập trước sự chuyển đổi kinh tế và văn hóa, là một thực tế, không chỉ ở Thạch Lam, mà hầu hết các trí thức dân tộc khác, từ khi ấy đến mãi tận sau này.