Bài văn phân tích ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo số 5

Nam Cao là một trong số những nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam hiện đại với những sáng tác xuất sắc về đề tài người trí thức và người nông dân nghèo. Trong những sáng tác của mình, Nam Cao luôn sáng tạo ra nhiều chi tiết độc đáo và chi tiết tiếng chửi của Chí Phèo trong đoạn mở đầu của truyện ngắn cùng tên là một trong số những chi tiết nghệ thuật như thế.


Tiếng chửi của Chí Phèo xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm và để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về hình ảnh một kẻ say rượu, đang “vừa đi vừa chửi”. Lẽ thường chúng ta vẫn thường thấy, người ta vẫn thường chửi khi có ai đó làm mình tức giận, thế nhưng ở đây thì lại hoàn toàn khác, cả làng Vũ Đại có ai làm gì Chí đâu mà hắn giận, hắn bực mình rồi chửi. Đó là tiếng chửi của một kẻ đang say, không còn tỉnh táo nhưng nếu nghe tiếng chửi ấy của Chí Phèo người đọc sẽ thấy nó chẳng “say” chút nào mà ngược lại còn đầy tỉnh táo. Tiếng chửi ấy có sự tăng cấp dần về đối tượng của tiếng chửi, Chí Phèo đã chửi tất cả mọi thứ, từ cái lớn, cái chung, cái không đích danh đến cái cụ thể, cái đích danh.


Thoạt đầu, Chí cất tiếng chửi trời thế nhưng “trời có của riêng nhà nào”. Đối tượng đầu tiên Chí Phèo chửi chính là “trời’. Bầu trời kia những tưởng là vô tội nhưng nào đâu phải thế, bởi lẽ bầu trời rộng lớn ấy đã chứa, đã ôm ấp trong mình cả những người lương thiện lẫn những người tàn ác, đã ôm ấp Chí - một người nông dân hiền lành và lương thiện lại còn chứa cả Bá Kiến - một người gian xảo và độc ác. Có lẽ, cũng chính vì thế mà cuộc đời của Chí ngày càng trở nên tối tăm, Chí mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác và đến cuối cùng hắn trở thành “con quỷ dữ” của làng Vũ Đại. “Trời” dường như đã trở thành một câu cửa miệng, để con người mỗi khi bất lực, có bi kịch hay gặp phải bất cứ vấn đề gì đều cất tiếng kêu ca.


Sau “trời”, Chí cất tiếng chửi “đời” nhưng khổ nỗi “đời là tất cả nhưng có của riêng ai”. Mỗi con người ai cũng có cuộc đời, có số phận của chính mình. Chí chửi “đời’ của người khác hay hắn đang chửi chính “đời” của mình - một cuộc đời với bao khổ đau, bao cám dỗ và bao sai lầm. Rồi hắn chửi “cả làng Vũ Đại” nhưng “cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: Chắc nó trừ mình ra”. Làng Vũ Đại chính là nơi mà những người dân đã “chuyền tay” nhau nuôi Chí, cho hắn từng bữa cơm, cho hắn hình hài của một con người. Thế nhưng, làng Vũ Đại lại quên mất không dạy hắn cách làm người một cách đúng nghĩa, để rồi hắn cứ chạy dài trên con đường với đầy rẫy những sai lầm và cũng chính những con người nơi đây đã cướp đi quyền làm người của Chí, họ xem Chí là “con quỷ dữ” mà ai cũng phải khiếp sợ, phải tránh xa, phải cự tuyệt, để rồi, khi Chí chửi hết thảy cả làng Vũ Đại ai cũng bỏ ngoài tai, xem như không liên quan đến mình.


Và rồi, Chí lại cất tiếng chửi, “chửi đứa chết mịa nào không chửi nhau với hắn”. Nhưng một lần nữa, thứ Chí nhận lại được chỉ là sự im lặng, sự thờ ơ đến rợn người. Chí chửi người có lẽ chỉ là cách để hắn thu hút sự chú ý, để được “làm hòa”, được giao tiếp, trò chuyện cùng mọi người. Đối tượng cuối cùng trong tiếng chửi của Chí chính là “đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo”. Có lẽ nếu có cha, có mẹ, nếu không bị bỏ rơi nơi cái lò gạch cũ thì Chí đã là một con người khác, không phải là một Chí Phèo khiến người ta khiếp sợ như hiện tại. Tiếng chửi ấy của Chí không phải là tiếng chửi của một người con bất hiếu mà nó là lời của một con người với số phận bất hạnh, ngay từ lúc sinh ra đã không nhận được tình yêu thương, sự quan tâm, che chở của gia đình. Và có lẽ, nó đáng thương nhiều hơn là đáng trách.


Như vậy, có thể thấy, mỗi đối tượng xuất hiện trong tiếng chửi của Chí Phèo đều có những lí do riêng. Điều đáng chú ý chính là ở chỗ, dẫu Chí chửi rất nhiều, nhưng đáp lại chính là sự im lặng, “không ai ra điều”, không ai đáp lại. Tiếng chửi ấy của Chí Phèo xét đến cùng không phải là sự mắng nhiếc hay tức giận của Chí mà chính là phương tiện để Chí giao tiếp với mọi người, Chí muốn người khác chửi lại mình có nghĩa là Chí muốn được người khác lắng nghe, được người khác trò chuyện cùng. Đồng thời, tiếng chửi còn là sự thể hiện nỗi đau đớn, dằn vặt của Chí Phèo. Nỗi đau đớn ấy của Chí được thể hiện rõ nét qua việc trong tiếng chửi của Chí sử dụng hàng loạt các từ ngữ thể hiện cảm xúc như “Tức mình”, “Tức thật”, “Tức chết đi được mất”. Nam Cao đã sử dụng những từ ngữ gần gũi, bình dị, mang tính khẩu ngữ để thể hiện rõ nét, chân thực cảm xúc của Chí Phèo.


Đặc biệt, tiếng chửi của Chí Phèo còn cho người đọc thấy được bi kịch mà Chí Phèo đang phải gánh chịu. Chí Phèo đang phải sống trong sự cô đơn, cô độc, bị cả xã hội gạt ra khỏi thế giới của loài người. Chí đang phải chịu đựng bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người bởi lẽ dẫu Chí có chửi thật nhiều, chửi bao nhiêu thứ, bao nhiêu người đi chăng nữa thì cũng không một ai lên tiếng, không một ai nói lại với Chí. Điều đó cho thấy Chí Phèo không được mọi người trong xã hội xem là con người, để có thể lắng nghe, có thể giao tiếp cùng nhau. Dường như tất cả mọi thứ, từ trời, đời, đến người dân làng Vũ Đại đang đứng về một phía còn riêng Chí đang đứng về một phía bên lề của xã hội loài người mà cất lên tiếng chửi. Đó có lẽ là nỗi đau, là thất bại lớn nhất của Chí Phèo.


Tóm lại, với ngôn ngữ trần thuật nửa gián tiếp và sự đa giọng điệu, tiếng chửi trong đoạn mở đầu của truyện ngắn “Chí Phèo” không những làm cho tác phẩm thêm phần thú vị, hấp dẫn mà hơn hết, nó gợi lên trong lòng người đọc nhiều suy ngẫm về số phận, cuộc đời của nhân vật Chí Phèo. Đồng thời, qua đó cũng cho chúng ta thấy được bút pháp hiện thực lạnh lùng, sắc sảo của nhà văn Nam Cao.

Bài văn phân tích ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo số 5
Bài văn phân tích ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo số 5
Bài văn phân tích ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo số 5
Bài văn phân tích ý nghĩa tiếng chửi của Chí Phèo số 5

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |