Bài văn phân tích "Tôi có một ước mơ" (Ngữ văn 11 - SGK Kết nối tri thức) - mẫu 9
“Tôi có một giấc mơ” là bài diễn thuyết nổi tiếng của Luther King vào ngày 28 tháng 8 năm 1963. Một “giấc mơ Mỹ” mà ngày nay người Việt Nam và người nhiều nước trên thế giới vẫn còn mong đến đó để học và để phát triển tài năng. Chúa đến Người cũng có một ước mơ: “Ta mang lửa xuống trần gian và ước mong lửa ấy bừng cháy lên” (Lc 12, 49).
Giấc mơ ngày ấy, Luther King nói về một giấc mơ dựa trên “Bản tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ 1776” trong ba ý tưởng: "Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Giấc mơ ấy không xa lạ với Thánh Kinh khi Luther King vận dụng khi hùng biện. Ông đã chia sẻ về Thánh Vịnh 30, 6: “Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.” Nước mắt của thân phận nô lệ, một thời sẽ phải đi qua, Chúa sẽ giải thoát dân Người. Ngày ấy họ sẽ vui mừng và sẽ không còn khóc than. Một giấc mơ không phải là viễn vông, một giấc mơ Chúa sẽ thực hiện. Hãy nguyện cầu, hãy sát vai cùng nhau yêu thương để xoá bỏ hận thù. Giấc mơ ông nói: “Nó đã đến như bình minh rộn rã, để kết thúc đêm dài tăm tối của kiếp nô lệ”.
Trong khát khao của giấc mơ tuôn chảy, nó làm cho ông bùng cháy, thao thao trong lời văn hùng biện khi dựa vào lời ngôn sứ Amot: “Ta chỉ muốn cho lẽ phải như nước tuôn trào, cho công lý như dòng suối không bao giờ cạn.” (Am 5, 24). Dòng sông công lý, những khát khao chân thật, những ước mong ngày cứu rỗi. Ngày ấy như nước suối tràn trề đổ đầy tràn vào tâm hồn mỗi con người, thắp lên trong từng con tim ngọn lửa yêu thương, không còn chia rẽ, không còn nô lệ. Người với người được sống bình đẳng. Nhân phẩm con người được tôn trọng, quyền sở hữu của con người được đảm bảo để sinh sống. Tự do và hạnh phúc là những ước mơ chân chính cần được tôn trọng nơi mỗi con người có quyền sống.
Giấc mơ không chỉ là giấc mơ, bởi vì mỗi người có trách nhiệm đưa ước mơ trở thành sự thật. “Mọi thung lũng sẽ được lấp đầy, mọi núi đồi sẽ phải bạt xuống, nơi lồi lõm sẽ hoá thành đồng bằng, chốn gồ ghề nên vùng đất phẳng phiu” (Is 40, 4). Giấc mơ được gào thét lên từ trong hoang địa: “Hãy dọn đường Chúa đến!”. Những nẻo đường quanh co của con người, những hố sâu ngăn cách giữa anh em đồng bào, những kiêu căng của kẻ chiến thắng hãy bạt đi. Hãy làm hoà, hãy san phẳng cùng nhau sống, cùng nhau nuôi dưỡng “tình yêu hoà bình”.
Ước mơ của Chúa, một ước mơ của lửa, của nhiệt huyết của những tâm hồn thanh khiết được tẩy rửa trong “Máu chiên con”. Lửa ấy chính là Chúa Thánh Thần, Người đến để giáo hoá nội tâm. Từng người sẽ được Thiên Chúa chỉ dạy nếu họ để tâm nghe tiếng Chúa. Chúa Thánh Thần thánh hoá họ trong hiện tại, đưa ước mơ về thực tại đang sống. Đấng làm cho giây phút hiện tại trở nên đáng sống và trở nên những giây phút vĩnh cửu. Một khát khao lửa bùng cháy lên, đốt cháy những đam mê dục vọng, đưa con người sống tươi vui, dồi dào, phong phú trong đời sống với Chúa Giêsu Kitô, Người đang sống.
Tôi có một giấc mơ: Chúng ta là những người đang tản mác khắp nơi, chúng ta đang tìm kiếm tri thức, sự khôn ngoan của nhân loại. Chúng ta cũng hãy tìm kiếm Chúa, Đấng vượt xa mọi tư tưởng, mọi tri thức. Chúng ta được quy tụ lại bên Người, học biết Chúa, ở lại với Chúa tại Giáo xứ Hàng Sanh này. Sống với Chúa cùng để sống với nhau và nuôi dưỡng tình yêu hoà bình.
Chúa có một ước mơ, từng người cũng hãy có một ước mơ như Chúa đã từng ước mơ. Những ước mơ làm cho lịch sử cứu độ được thực hiện nơi những con người đang sống. Con người được cứu độ, được tham dự vào sự sống vĩnh cửu của Thiên Chúa, đó là một trong những ước mơ của Chúa mang lửa xuống trần gian.