Bài văn phân tích tình huống truyện trong "Vợ nhặt" số 8
Một câu chuyện hay thường bao gồm những tình huống truyện xuất sắc. Chẳng hạn trong tác phẩm Chữ người tử tù của nhà văn Nguyễn Tuân, tình huống truyện có một không hai đó chính là sự đối lập giữa tên tử tù Huấn Cao và người quản ngục, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa chốn đề lao phong kiến và cái đẹp của con người. Hay trong tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam Cao, tình huống truyện lại độc đáo ở chỗ Chí Phèo muốn hoàn lương nhưng không thể nên đã giết Bá Kiến. Còn ở đây, trong truyện ngắn Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, tình huống truyện lại được thể hiện qua ngay nhan đề của tác phẩm: vợ nhặt.
Đầu tiên những đồ nhặt được thì thường là đồ dùng vật dụng mà người khác không dùng nữa vất đi hoặc là những thứ đồ họ chẳng may làm rơi vãi. Tiếp đến những thứ đồ được nhặt lại thường nằm ở ven đường, những nơi hẻo lánh, khuất lấp hay bờ bụi. Nhặt được đồ thì người nhặt hẳn cũng mừng vui hớn hở như bắt được vàng. Nghe đồ nhặt được trong tình huống này người ta lại nghĩ ngay đến những đồ dùng rẻ rúng nào đó. Thế nhưng trên thực tế, thứ “đồ” mà ở đây người ta nhặt được lại khá đặc biệt. Có vẻ như tình huống này đã thách thức tất cả những quy luật thường thấy ở trên.
Đầu tiên người nhặt được đồ là anh cu Tràng, quả đúng anh Tràng là người khó khăn thật, nếu không nói là đói kém quay quắt. Nhà nghèo lại là dân ngụ cư, cả anh và mẹ đều trông chờ vào những công việc cửu vạn của anh mà dạo này đó là việc xe thóc cho Liên đoàn. Tính mạng của hai mẹ con chưa chắc đã được đảm bảo bởi nó còn chịu chi phối bởi tiếng trống thúc thuế vẫn vang dồn ngoài đường, mẹ con bà thậm chí phải ăn cháo để sống qua ngày.
Trong bối cảnh như vậy, nếu anh nhặt được món đồ vật chất, giá trị nào đó thì đây quả là một món hời từ trên trời rơi xuống, cứu cánh cho cả gia đình nhà anh. Thế nhưng anh lại nhặt được … một cô vợ, một cô vợ theo đúng nghĩa. Tràng xe thóc cho Liên đoàn, thấy đám con gái ngồi đợi việc thì cũng chỉ hò trêu đùa: “Muốn ăn cơm trắng mấy giò – Lại đây mà kéo xe bò với anh”. Câu hò của anh Tràng là nửa đùa nửa thật, nó bâng quơ và cũng không đòi hỏi đáp lại. Thế nhưng người vợ nhặt lại bám víu vào đó như bám víu một cái phao giữa đại dương, thị đã chạy ngay lại để đẩy xe bò cho Tràng. Khi gặp lại lần hai, thị gần như xấn xổ vào mặt Tràng mà mắng tới tấp.
Thị ngồi xuống ngay tắp lự và ăn một chặp 4 bát bánh đúc không nói một câu, không ngẩng đầu nhìn ai. Sau đó chào hỏi bằng vài câu và Tràng lại tiếp tục rủ thị về nhà cùng mình cho vui. Người vợ nhặt ấy thế nhưng lại theo về thật, đến Tràng cũng ngạc nhiên và giật mình. Bản thân Tràng cũng nghĩ “thời buổi này biết có nuôi nổi mình không lại còn đèo bòng”. Câu nói của anh hoàn toàn có thể hiểu là một câu bông đùa, tán tỉnh người con gái. Chẳng ai lại đi cầu hôn theo cái cách của Tràng cả.
Tính cho đến lúc thị theo Tràng về nhà, họ mới chỉ gặp nhau đúng 2 lần, nói chuyện với nhau không quá vài câu. Họ thậm chí chưa biết rõ về tên tuổi, quê quán, gia đình, xuất thân của nhau, chính người vợ nhặt khi về thấy gia cảnh nhà Tràng cũng không khỏi nán một tiếng thở dài. Tràng lấy vợ không mất một món sính lễ, không cả một mâm cơm mời họ hàng, không mất thời gian làm quen, tán tỉnh, không trải qua các công đoạn thường có của mỗi cặp đôi, chỉ đơn giản là một người hỏi, một người trả lời và nên duyên vợ chồng.
Tình huống nhặt vợ của Tràng quả là một tình huống oái oăm và dở khóc dở cười. Có thể vì đèo bòng thêm một mạng người mà cả gia đình nhà Tràng sẽ chết đói. Thế nhưng sau cùng anh vẫn chặc lưỡi và thây kệ, sau cùng thì bà cụ Tứ cũng chỉ thở dài và nói “thôi thì các con đã phải cái duyên, cái kiếp… u cũng mừng lòng”.
Vậy đấy, quả là một tình huống nhặt vợ theo đúng nghĩa, một tình huống có một không hai trong văn học Việt Nam. Nhà văn Kim Lân cũng thật khéo léo, tài tình khi xây dựng được tình huống như vậy nhưng lại không khiến cho tác phẩm bị phô, lố bịch mà trái lại nó lại rất dễ hiểu, dễ cảm thông trong bối cảnh xã hội như vậy.
Tình huống truyện độc đáo đã giúp cho tác phẩm Vợ nhặt lôi cuốn người đọc trong từng phân đoạn, khiến người đọc không thể rời mắt khỏi tác phẩm. Từ đây tính cách của các nhân vật cũng được bộc lộ rõ nét hơn và làm hơn tâm hồn và nhân cách của các nhân vật.