Bài văn phân tích tình huống truyện "Chiếc thuyền ngoài xa" số 10
Một trong những tác phẩm tạo nên tiếng vang của Nguyễn Minh Châu đó chính là “Chiếc thuyền ngoài xa”. Tác phẩm được in trong tập truyện ngắn “Bến quê” (1985). Thành công của Nguyễn Minh Châu trong tác phẩm này đó chính là xây dựng được tình huống truyện vô cùng độc đáo. Thông qua tình huống truyện ấy ta thấy được bức tranh hiện thực đời thường có phần éo le của những người lao động nghèo sau chiến tranh.
Để làm nên thành công của một tác phẩm truyện ngắn, ngoài khắc họa nhân vật có tính cách, có số phận rõ ràng thì tình huống truyện giữ vai trò là hạt nhân của toàn bộ câu chuyện. Dường như chính tình huống truyện mà Nguyễn Minh Châu tạo ra đã khiến người đọc phải xoáy sâu cảm nhận để rồi giác ngộ chính những chân lý mà nhân vật được trải qua. Trong “Chiếc thuyền ngoài xa”, tình huống truyện được Nguyễn Minh Châu xây dựng bởi những nghịch lý. Đó là sự đối lập giữa nghệ thuật và thực tế. Câu chuyện mở ra bằng “bức tranh mực tàu của danh họa thời cổ” dưới con mắt của người nghệ sĩ Phùng. Đó là một vẻ đẹp hiếm có khó tìm, là “cảnh đắt trời cho” trong buổi bình minh. Dường như người nghệ sĩ òa lên sung sướng vì tâm hồn mình được gột rửa, trở nên trong trẻo hơn bao giờ hết khi bắt gặp được một khung cảnh đắt giá như vậy.
Đứng trước cảnh đẹp, người nghệ sĩ như Phùng phải cảm thán “có lẽ suốt cuộc đời cầm máy ảnh chưa bao giờ tôi thấy một cảnh đắt trời cho như vậy”. Đó là khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn. Ấy thế nhưng, tác giả đã xây dựng tình huống truyện đầy nghịch lý khi chỉ vừa phút trước Phùng hạnh phúc vì được nhìn thấy cảnh đẹp mê hồn, thì phút sau đã phải chứng kiến người chồng đánh vợ ngay trên chiếc thuyền ấy.
Tiếng quát vợ của người đàn ông “Cứ ngồi nguyên đấy. Động đậy tao giết cả mày đi bây giờ”dường như làm nghệ sĩ Phùng chợt bừng tỉnh. Những thứ đẹp đẽ lúc trước anh nhìn thấy giờ đã bị phá tan bởi vợ chồng hàng chài. Tác giả đã sử dụng những từ ngữ mạnh để miêu tả sự thực nghiệt ngã ấy, “Lão đàn ông lập tức trở nên hùng hổ, mặt đỏ gay,…. quất tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn”.Sự việc xảy đến khiến nghệ sĩ Phùng kinh ngạc đến mức “trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn”.
Không dừng lại ở đó, tác giả còn đẩy lên cao trào với hình ảnh thằng con chạy vụt đến giằng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào người đàn ông để bảo vệ mẹ. Sự việc ấy không chỉ xảy ra một lần, mà hình như nó là thói quen hàng ngày của gia đình hàng chài. Nhưng điều đó lại khiến Phùng cay đắng nhận ra đằng sau những điều đẹp đẽ của thiên nhiên chính là sự thật trần trụi đến đau lòng. Đó không đơn thuần là sự nghèo đói nữa, đó là những điều trái với luân thường đạo lý. Không chỉ dừng lại ở tình huống truyện mà nghệ sĩ Phùng trải qua nơi bờ biển miền Trung, tác giả còn khiến cho Phùng và Đẩu phải thay đổi lối suy nghĩ cũ mòn của mình thông qua câu chuyện với người đàn bà hàng chài.
Người đàn bà hàng chài với vẻ ngoài vốn thô kệch nhưng lại tiềm ẩn bên trong vẻ đẹp tâm hồn sâu sắc. Những tưởng, người đàn bà bị chồng đánh đập mỗi ngày ấy sẽ chỉ chờ cơ hội để được giải thoát. Nhưng không, dù bị đánh đập, nguyền rủa bởi người chồng vũ phu, người đàn bà ấy vẫn van xin “quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt con bỏ nó” khi được tòa khuyên bỏ chồng.
Có lẽ với một người đàn bà hàng chài, không có người đàn ông bên cạnh chẳng thể nào vượt qua những lúc sóng gió ngoài biển kia. Thế rồi từ trong sâu thẳm nỗi lòng của người phụ nữ ấy ta thấy đẹp hơn bao giờ hết. Dù người chồng vũ phu, bà biết, chánh án Đẩu biết, nghệ sĩ Phùng cũng biết. Nhưng người đàn bà ấy vẫn giữ trong mình sự bao dung, bảo vệ cho người chồng “Lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi.”
Dường như người đàn bà ấy chẳng đổ lỗi cho số phận, cũng chẳng oán hận người chồng. Có chăng người đàn bà ấy nghĩ do mình đẻ nhiều quá. Nhưng giữa cuộc đời u ám như thế, người phụ nữ hàng chài lại vẫn giữ được sự vị tha và những vẻ đẹp trong tâm hồn. Niềm vui của người đàn bà ấy cũng thật đơn giản, “vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng được ăn no”.
Phân tích tình huống truyện chiếc thuyền ngoài xa ta thấy được rõ nét tư tưởng và chủ đề mà Nguyễn Minh Châu muốn nhắc đến. Đó là những phát hiện sâu sắc về cuộc đời, con người của một người nghệ sĩ. Nghệ thuật không thể tách rời với cuộc đời, để có những bức tranh đẹp đều phải bắt nguồn từ cội rễ đời sống và phản ánh đời sống một cách chân thật nhất. Tình huống truyện được tác giả khéo léo đan xen, nhờ đó cả chánh án Đẩu và nghệ sĩ Phùng vỡ ra nhiều điều. Trong đó cuộc sống hôn nhân không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ, nó không dễ dàng giải quyết một cách dứt khoát được. Bởi chỉ có những người trong cuộc mới biết họ cần làm gì. Vậy nên không nên đánh giá điều gì qua vẻ bề ngoài, tất cả phải dùng con mắt đa chiều để nhìn, dùng trái tim ấm nóng để cảm nhận và dùng lý trí để giải quyết.
Và đôi khi trong thực tế lòng tốt, thiện chí chưa chắc là điều người khác cần. Những điều ấy cần phải gắn liền với thực tế, phải thấu hiểu họ trước khi đưa ra sự giúp đỡ. Vì có thể trong mắt ta họ đang cần giúp đỡ, nhưng trong mắt họ đó là cuộc sống thường nhật, quen thuộc. Tình huống truyện mà Nguyễn Minh Châu đã xây dựng cũng như tấm gương phản chiếu chính chúng ta – những con người đang sống vì bản thân. Thông qua đó, mỗi người cần phải nhìn nhận lại bản thân để hoàn thiện nhân cách ngày càng tốt hơn.
Đặc biệt, thông qua tình huống truyện trong “chiếc thuyền ngoài xa” ta thấy được giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo sâu sắc của nhà văn. Đó là những uẩn khúc trong đời sống, là nạn bạo hành gia đình và cuộc chiến bảo vệ quyền sống của mỗi người. Là sự chia sẻ và cảm thông của tác giả với những phận đời đau khổ, tủi nhục. Thông qua đó cũng như một lời lên án của tác giả, đấu tranh với cái xấu, cái ác còn tồn tại trong mỗi gia đình.