Bài văn phân tích tác phẩm "Vợ nhặt" số 10

Kim Lân, nhà văn chuyên viết truyện ngắn, với biệt tài viết về người nông dân. Người nông dân trong trang viết của Kim Lân dù nghèo khổ nhưng luôn sáng ngời những phẩm chất: yêu đời, thật thà, chất phác, hóm hỉnh, tài hoa. Vợ nhặt là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông khi viết về người nông dân.


Tác phẩm là một trong những truyện ngắn xuất sắc nhất nằm trong tập truyện “Con chó xấu xí” (1962). Tác phẩm này trước vốn là tiểu thuyết “Xóm ngụ cư” – được viết ngay sau khi cách mạng tháng 8 thành công. Tuy nhiên chỉ được viết dở dang và sau đó mất bản thảo. Đến năm 1954, khi hòa bình lập lại, nhân một số báo văn nghệ kỉ niệm cách mạng tháng 8 thành công, Kim Lân đã nhớ lại tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”, dựa trên cốt truyện cũ viết lại thành truyện ngắn. Ngay từ khi ra đời, tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn trong giới sáng tác.


Tác phẩm lấy bối cảnh là nạn đói năm Ất Dậu 1945, năm diễn ra nạn đói khủng khiếp, khiến hơn hai triệu đồng bào ta chết đói. Cái đói tràn làn, khủng khiếp diễn ra ở khắp nơi khiến con người không thể nào chống cự được, tất cả những yếu tố đó đã được Kim Lân tái hiện thành công trong tác phẩm của ông.


Trước hết là màu sắc, ông đi khai thác màu xanh xám của da người, màu đen kịt của đàn quạ bay trên trời. Những màu sắc gợi lên sự chết chóc, ảm đạm, tàn lụi và héo úa. Bao quanh không gian đó là mùi ẩm thối của rác rưởi và mùi gây của xác người, mùi đốt đống dấm khét lẹt. Kết hợp với tiếng quạ kêu từng hồi, hòa lẫn với tiếng khóc hờ từ những gia đình có người chết. Để làm rõ nét hơn, Kim Lân còn cho người đọc thấy hình ảnh sáng nào cũng có ba bốn thây người nằm chết còng queo bên đường. Tình cảnh vô cùng thảm thương, bất hạnh. Kim Lân nhìn nhận hiện thực bằng cái nhìn chân thực, sắc nét, không né tránh, phơi bày tất cả trên trang văn của mình, để người đọc thấy rõ cái khủng khiếp của nạn đói năm 1945. Nhưng giá trị thật sự của tác phẩm là ở chỗ: từ trong bóng tối của cái đói, cái chết, tác giả tìm thấy ánh sáng của vẻ đẹp tâm hồn con người.


Sau khi vẽ nên khung hình chung của nạn đói, nhân vật đầu tiên trong thiên truyện xuất hiện, đồng thời cũng là nhân vật trung tâm của tác phẩm – anh cu Tràng. Tràng vốn là dân ngụ cư, sống tha phương cầu thực, những người dân ngụ cư thường bị phân biệt, kì thị, sống ở rìa làng, chứ không được sống trong trung tâm của làng như những người khác. Không chỉ vậy, họ còn không được chia ruộng đất, không được tham gia bất cứ hoạt động sinh hoạt cộng đồng nào của làng xã. Anh cu Tràng bị đặt ra ngoài lề xã hội. Không dừng lại ở đó, gia đình Tràng còn rất nghèo, cha mất, chỉ con hai mẹ con nương tựa vào nhau, vì không được chia ruộng nên Tràng phải làm công việc bấp bênh để kiếm sống: kéo xe bò thuê.


Dường như số phận càng trở nên trớ trêu hơn, khi gia cảnh nghèo nàn, là người ngụ cự, anh Tràng còn có ngoại hình hết sức xấu xí. Hai mắt nhỏ tí gà gà đắm vào bóng chiều, còn hai bên quai hàm bạnh ra, khiến khuôn mặt càng to lớn hơn. Thân hình to lớn vập vạp, như một người khổng lồ. Tràng còn vừa đi vừa lảm nhảm những điều mình nghĩ và cứ thể ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch. Anh cu Tràng hội tụ đầy đủ vẻ đẹp hấp dẫn lũ trẻ con, còn với các cô gái anh hoàn toàn không có chút hấp dẫn nào, cả về ngoại hình lẫn gia cảnh, anh cu Tràng không có khả năng để lấy được vợ.


Nhưng trong một lần hát nghêu ngao trong lúc làm việc, anh cu Tràng đã lấy được vợ một cách đầy bất ngờ và ngỡ ngàng. Trong lúc làm việc mệt nhọc, dân ta thường có những câu hò để xua tan cái mệt, tăng động lực làm việc. Và anh cu Tràng cũ vậy, anh cũng hát, lời hát hết sức bông đùa: “Muốn ăn cơm trắng với giò. Lại đây mà đẩy xe bò với anh”. Lời nói ấy đã khiến thị theo anh cu Tràng về làm vợ thật.


Trước khi đưa cô vợ về nhà, Tràng rất chu đáo, mua cho vợ một chiếc thúng con mới, dẫn thị đi ăn một bữa thật no, mua những hai hào dầu để về thắp sáng trong nhà. Anh cu Tràng từ một kẻ thô kệch, lúc nào cũng nói chuyện một mình và cười hềnh hệch, hôm nay bỗng trở nên tâm lí và tinh tế lạ thường. Trên đường đi về Tràng vui sướng, phớn phở, miệng lúc nào cũng tủm tỉm cười. Khuôn mặt vừa hạnh phúc, rạng rỡ vừa vênh vênh tự đắc với chính mình. Cảnh sống cực khổ ê chề hàng ngày, Tràng đã quên hẳn, mà chỉ sống trong niềm vui, niềm hạnh phúc khi lấy được vợ. Bước chân đến nhà Tràng bỗng ngượng nghịu, xấu hổ, đứng tây ngây giữa nhà, chợt thấy sờ sợ nhưng lại vừa hạnh phúc sung sướng khi việc mình lấy vợ đã trở thành hiện thực. Điều Tràng mong ngóng nhất là đợi mẹ mình về nhà, để ra mắt nàng dâu mới. Lời giới thiệu thị với mẹ cũng rất trân trọng, để nàng dâu bớt đi phần ngượng ngùng, xấu hổ. Tràng đã thay đổi là một con người khác hẳn, tâm lí, nhạy bén và rất khéo léo trong cách ăn nói. Dường như hạnh phúc mới này đã đem đến sự thay đổi lớn trong tâm lí, suy nghĩ của anh cu Tràng.


Hạnh phúc đã khơi dậy ý thức bổn phận của người đàn ông trong gia đình. Sáng hôm sau, Tràng tỉnh dậy muộn, cảm thấy trong người dễ chịu, êm ái, như người đi ra từ trong giấc mơ, anh ngỡ ngàng trước hạnh phúc mình đang nắm giữ. Tràng quan sát khung cảnh đang bày ra trước mắt mình, nhận thấy cảnh tượng thay đổi mới mẻ, khác lạ, nhà cửa không bừa bộn mà được dọn dẹp sạch sẽ, không khí gia đình trở nên ấm áp, vui vẻ, mẹ và vợ chung tay dọn dẹp, vun vén nhà cửa. Trành thấy thấm thía, cảm động và bỗng thấy yêu thương những người xung quanh, đồng thời nhận thấy trách nhiệm của bản thân, phải biết lo lắng cho gia đình, vợ con.


Và sự ý thức đó đã được hiện thực hóa bằng hành động xăm xăm chạy ra sân, muốn chung tay tu sửa căn nhà. Tràng muốn chung tay để nghênh đón tương lai tươi sáng đến với gia đình. Đồng thời trong Tràng cũng bừng lên khát vọng đổi đời mãnh liệt, anh biết quan tâm đến những chuyện ngoài xã hội: mạn Thái Nguyên Bắc Giang không đóng thuế mà còn phá kho thóc Nhật cha cho người đói. Hình ảnh đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới lẩn khuất, ẩn hiện trong trí óc Tràng. Hình ảnh lá cờ chính là tín hiệu cho tương lai tươi sáng. Người đọc tin tưởng Tràng sẽ đi theo Việt Minh, theo cách mạng.


Xây dựng nhân vật Tràng, Kim Lên trước hết phơi bày cuộc sống khổ cực của nhân dân ta trong nạn đói 1945. Nhưng đằng sau đó còn là sự cảm thương cho số phận họ. Trân trọng, phát hiện và ngợi ca vẻ đẹp của người dân Việt Nam trong tình cảnh khốn cùng: tấm lòng nhân hậu, khát khao hạnh phúc, tin tưởng vào tương lai.


Bên cạnh nhân vật Tràng, ta cũng không thể không nhắc đến nhân vật người vợ nhặt. Người vợ nhặt không có lai lịch rõ ràng, không rõ tên tuổi, quê quán, nghề nghiệp và cũng không hề có tài sản gì khi lần đầu gặp Tràng. Có thể thấy rằng, trong nạn đói khủng khiếp, thân phận con người trở nên hết sức vô nghĩa. Lần thứ hai gặp Tràng, quần áo thị rác rưới, tả tơi như tổ đỉa, người gầy sọp đi vì đói, mặt lưỡi cày xám ngoét,... Ngoại hình thị vô cùng thảm hại, do cái đói đã gây ra cho con người. Ngôn ngữ của thị cũng hết sức chao chat, chỏng lỏn: “Điêu! Người thế mà điêu!”, “Ăn thật nhá”, “Hà, ngon. Về chi ấy thấy hụt tiền thì bỏ bố”; rồi thì “Ton ton chạy lại”, “liếc mắt cười tít”, “sầm sập chạy đến”, “xưng xỉa nói”, “cong cớn”, “cắm đầu ăn”, “ăn xong lấy đũa quẹt một cái”. Thị tỏ ra là con người hết sức vô duyên, dường như cái đói, cái chết có thể mài mòn nhân cách con người ta ghê gớm đến như vậy.


Nhưng đằng sau sự chỏng lỏn đến vô duyên ấy lại là một con người có khát vọng sống vô cùng mãnh liệt. Khi nhìn dưới góc độ nhân bản thì tất cả hành động, cử chỉ trơ trẽn, vô duyên của thị lại là biểu hiện của khát vọng sống mãnh liệt. Bên cạnh đó, thị còn hiện lên với vẻ đẹp nữ tính, trên đường về nhà, thị rón rén, e thẹn: “Thị cắp cái thúng con, cái đầu hơi cúi xuống; cái nón rách tả tơi nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt”. Khi về đến nhà chồng, thấy quang cảnh nhà chồng thị nén tiếng thở dài, ngồi mớn ở mép giường và vô cùng lễ phép khi gặp mẹ chồng. Sáng hôm sau cô dậy sớm cùng mẹ dọn dẹp, vun vén nhà cửa. Nhân vật thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của tác giả.


Cuối cùng là nhân vật bà cụ Tứ, dù chỉ thấp thoáng trong tác phẩm, nhưng cũng có vai trò, ý nghĩa quan trọng. Bà là người phụ nữ nghèo khổ, cơ cực: dân ngụ cư tha phương cầu thực; chồng và con gái mất sớm. Cả đời lận đận, chỉ có tâm nguyện lớn nhất là lấy vợ cho con nhưng mãi không giành dụm được tiền, trong lúc nghèo đói đến cùng cực người con trai lại nhặt được vợ. Nhìn thấy con đưa vợ về, bà nín lặng cúi đầu, băn khoăn, nhưng vẫn rất vui mừng cho đôi trẻ, bà dặn dò hai vợ chồng mới. Nói những chuyện tương lai tốt đẹp, đem đến niềm tin, sự lạc quan cho chúng. Bà là một người mẹ nhân hậu và hết sức yêu thương con.


Vợ nhặt của Kim Lân là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của văn học hiện thực. Tác phẩm vừa cho thấy hiện thực cuộc sống nghèo khổ của nhân dân, đồng thời ánh lên giá trị nhân đạo sâu sắc. Tác phẩm thể hiện sự trân trọng, nâng niu những ước mơ đổi đời của con người. Không chỉ vậy, tác phẩm cũng cho thấy nghệ thuật phân tích phân tâm lí và miêu tả bậc thầy của nhà văn Kim Lân.

Bài văn phân tích tác phẩm
Bài văn phân tích tác phẩm "Vợ nhặt" số 10
Bài văn phân tích tác phẩm
Bài văn phân tích tác phẩm "Vợ nhặt" số 10

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |