Bài văn phân tích tác phẩm "Uy-lít-xơ trở về" số 10
Chúng ta rồi sẽ nhắc mãi về những thời kì hào hùng của lịch sử dân tộc khi mà âm vang của nó nằm trọn trong những khúc sử thi. Có lẽ, chỉ có ở sử thi, con người mới hiện lên một cách khí thế và oai hùng như vậy, bởi một nhân vật thôi nhưng đại diện cho cả thời đại mà nó ra đời. Uy-lít-xơ là một nhân vật như vậy. Trong con người chàng có trí tuệ và trái tim của cả đất nước Hy Lạp thời cổ đại. Tìm hiểu về “Ô-đi-xê” cũng như Uy-lít-xơ, ta mới thấy được một Hô-me-rơ tài năng và tâm huyết với bộ sử thi của dân tộc.
“Ô-đi-xê” ra đời tại một đất nước có nền văn minh rực rỡ, khi con người đã thoát khỏi chế độ công xã thị tộc nhiều dã man. Đó là vào khoảng thế kỉ VIII TCN, nhân dân Hy Lạp chuyển mình sang chế độ nhà nước chiếm hữu nô lệ. Con người giờ đây sống với những khát vọng lớn lao, những ước mơ về hạnh phúc, trí tuệ. Người hát rong Hô-me-rơ đã gom lại tinh thần ấy của dân tộc trong những khúc sử thi của mình. Từ Iliade đến Odyssey, đều là hiện thân của những người anh hùng với sức mạnh, trí tuệ và tâm hồn cao đẹp. Với 12110 câu thơ chia thành 24 khúc ca, sử thi Odyssey ấy thực sự là những khúc khải hoàn để ngàn đời sau còn hướng về.
Uy-lit-xơ là nhân vật xuyên suốt trong cả hai bộ sử thi của Ho-me-rơ. Nếu ở Iliade là hành trình người dũng sĩ chiến đấu tại thành Troy, thì “Ô-đi-xê” lại là con đường trở về. Uy-lit-xơ vẫn giữ cho mình bản lĩnh và trí tuệ như lúc chàng chiến đấu. Có điều ở khúc sử thi này, ta thấy nhiều hơn là khát vọng về cuộc sống hạnh phúc, khát vọng được đoàn tụ trở về. Sau khi chiến thắng ở Troy, Uy-lit-xơ cùng đoàn quân của mình trở về xứ sở. Nhưng hành trình chưa dừng ở đó. Đoàn quân ấy vượt qua cửa ải của tên khổng lồ “một mắt” Polyphemus, mụ phù thuỷ Circe, hai con quái vật Charybdis và Scylla và cả nàng tiên Calypso xinh đẹp. Không dừng ở đó, Uy-lit-xơ còn phải đối mặt với thử thách của lòng người, là người vợ thân yêu của chàng nơi quê nhà nghi ngờ sự xuất hiện của chàng. Qua hàng loạt thử thách ấy, Uy-lit-xơ đã trở lại được cuộc sống với gia đình hạnh phúc sau hai mươi năm lưu lạc. Phải được đặt trong hoàn cảnh khắc nghiệt ấy, trí tuệ, ý chí, bản lĩnh của Uy-lít-xơ mới hiện lên một cách rõ ràng.
Với Uy-lit-xơ, trước hết ta phải nhắc đến trí tuệ hơn người của chàng. Trí tuệ ấy từng được Hô-me-rơ gọi là sánh ngang với thần Zues bởi chàng là người kế tục của Achile. Hô-me-rơ đã để nhân vật của mình đối diện với những thử thách mà không thể dùng sức lực vượt qua. Tiêu biểu là kế sách “chẳng có ai” khi muốn vượt qua tên khổng lồ một mắt Polyphemus. Giá sử không có mưu mẹo ấy của chàng, có lẽ cũng sẽ chẳng có sự trở về của Uy-lit-xơ. Cũng nhờ trí tuệ hơn người mà Uy-lit-xơ cùng con trai tiêu diệt được những tên cầu hôn vợ nàng và trừng trị đám giai nhân phản bội. Pê-nê-lốp vì nghi ngờ người trước mặt nên đã nghĩ ra kế sách dùng chiếc giường bí mật để thử lòng chồng, Uy-lit-xơ cũng nhanh chóng vượt qua. Trí thông minh chính là vũ khí đắc lực giúp cho chàng vượt qua các ải gian nan. Viết về trí tuệ siêm phàm ấy, Hô-me-rơ muốn hướng về ca ngợi con người trong công cuộc chinh phục vũ trụ, phải cần nhất là trí tuệ. Đó là phẩm chất mà con người Hy Lạp cổ đại đề cao và trân trọng nhất.
Đến với “Ô-đi’xê”, người ta không còn thấy những khát vọng chinh phục, những ước mơ chiến thắng. Con người ta quay trở về với những tình cảm tốt đẹp từ tận trái tim. Trong con người con Uy-lit-xơ chính là những ánh sáng của tình cảm cao đẹp ấy. Thiêng liêng nhất trước hết là tình cảm dành cho quê hương xứ sở. Sau những chiến công lừng lẫy mà gian khổ, chàng cùng bạn bè trở về quê hương mang theo nỗi nhớ mong về xứ Ithaque ruột thịt, cũng là động lực chàng vượt qua khó khăn thử thách. Bằng chứng là khi đến xứ sở của người Lotobophagio, chàng đã nhất quyết không ăn một thức ăn nào, bởi nó sẽ làm chàng quên đi mảnh đất yêu thương của mình. Chàng muốn giữ trọn tình yêu ấy trong tim cho đến tận cùng hơi thở. Cũng bởi vậy mà đứng trước hòn đảo của nàng Calypso, lòng chàng lại đau đáu về quê hương hơn bao giờ hết. Bởi nơi đất khách này thật đẹp quá, lại làm chàng nhớ về quê cha đất tổ cũng êm ấm tình thương. Và quan trọng hơn cả, sau hai mươi năm xa quê trở về, nàng đã hôn lên mảnh đất Ithaque một cách trân trọng và hạnh phúc nhất. Là một người con của xứ sở, chưa bao giờ lòng chàng vơi bớt tình yêu cho mảnh đất này.
Không chỉ có một tình yêu tràn ngập cho chốn quê nhà, tình cảm gia đình cũng là thứ mà Uy-lit-xơ trân trọng nhất. Có thể nói, suốt chặng đường trở về của Uy-lit-xo luôn có hình bóng giai nhân say đắm chàng. Là mụ phù thủy Circe, là nữ thần Calypso xinh đẹp sẵn sàng cho chàng sự bất tử hay nàng công chúa Nausicaa quyến rũ. Nhưng không ai có thể thay thế cho nàng Pê-nê-lốp trong trái tim của chàng. Không hề có một phút rung động, chàng vượt qua mọi thử thách để trở về cùng người vợ thân yêu. Tình cảm gia đình ấy tạo nên sự chung thủy trong trái tim người dũng sĩ, để chàng hiểu được tấm lòng người vợ, vượt qua được thử thách của nàng mà hướng tới hạnh phúc.
Trong con người Uy-lit-xơ ấy, không chỉ có những tình cảm bình dị đời thường, mà vẫn ẩn chứa cả khát vọng cao đẹp, đi liền với ý chí và sức mạnh. Hành trình tuy là trở về nhưng lại không thiếu những thử thách gian nan. Phải là một Uy-lit-xơ có khát vọng mạnh mẽ, có ý chí hơn người mới có thể vượt qua. Trong trái tim và trí óc của chàng là ngọn lửa của khát vọng trở về, khát vọng được chinh phục thiên nhiên và chinh phục chính mình. Con người sử thi vẫn ôm trong mình nỗi khát vọng lớn lao không bao giờ thay đổi.
Thiên sử thi khép lại, Uy-lit-xơ đến với chúng ta bằng trí tuệ siêu phàm, bằng tình cảm cao đẹp và ý chí ngút trời. Hành trình trở về của Uy-lit-xơ phải chăng cũng là hành trình con người về với bản chất của chính mình. Hô-me-rơ viết “Ô-đi-xê’, chính là viết nên những khát vọng chân chính nhất của người dân Hy Lạp cổ đại thời bấy giờ. Những phảm chất ấy là điều thiết yếu để con người xây dựng nên một nền văn minh mới.
Bằng cách đặt nhân vật vào những khó khăn thử thách, xây dựng nhân vật qua lời nói và hành động, Hô-me-rơ đã khắc nên một tượng đài Uy-lit-xơ còn sừng sững đến ngày hôm nay.