Bài văn phân tích tác phẩm "Trao duyên" số 4

“Truyện Kiều” của Nguyễn Du không còn là tác phẩm xa lạ đối với các thế hệ bạn đọc. “Trao duyên” là một trong những đoạn trích tiêu biểu của thiên kiệt tác này. Nhận xét về “Trao duyên”, Tản Đà từng viết: “Trong cả quyển Kiều, văn tả tình không mấy đoạn dài hơn như vậy. Đoạn này thật lâm ly, mà như thế mới biết hết tình sự”.


“Trao duyên” là đoạn thơ bắt đầu từ câu 723 đến câu 756 của “Truyện Kiều”. Đoạn trích đã khắc họa những tâm trạng đớn đau, giằng xé của Thúy Kiều khi nhờ Thúy Vân thay mình kết duyên với Kim Trọng để làm trọn chữ “tình”. Ngay từ nhan đề, đoạn trích đã gây nên sự tò mò cho bạn đọc. Chúng ta thường trao lại cho người khác vàng bạc, châu báu hay những thứ vật chất dễ nhìn thấy, dễ cầm nắm chứ mấy ai lại trao cho người khác thứ khó xác định, khó hình dung như trao duyên? “Duyên” là thứ con người khó có thể lí giải một cách thỏa đáng và nó rất khó để định hình. Vậy mà Thúy Kiều lại có hành động trao duyên, phải chăng có điều gì khó nói, uẩn khúc ở đây?


Phải từ bỏ tình yêu của mình là điều không ai mong muốn nhưng trong trường hợp này, Thúy Kiều không thể làm khác. Nàng buộc phải hi sinh tình cảm, hạnh phúc riêng tư của bản thân để chuộc cha và em trai. Đêm cuối cùng ở nhà trước khi theo Mã Giám Sinh ra đi, Thúy Kiều đã nhờ cậy Thúy Vân trả nghĩa cho Kim Trọng:


“Cậy em em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”


“Cậy” và “nhờ” là hai từ đồng nghĩa nhưng tại sao trong trường hợp này, Thúy Kiều lại nhờ từ “cậy”? Ngoài ý nghĩa nhờ vả, mong muốn người khác giúp đỡ mình thì từ “cậy” còn hàm chứa cả lòng tin tưởng, sự hi vọng vào người được nhờ vả của chủ thể. Thúy Kiều và Thúy Vân là hai chị em ruột, vì thế nàng Kiều đã dốc hết lòng tin để gửi gắm mối duyên tình. Thanh trắc ở từ “cậy” khiến âm hưởng câu thơ trở nên nặng nề hơn, đồng thời cũng thể hiện mức độ quan trọng của việc nhờ vả. Người được nhờ có thể nhận lời hoặc từ chối giúp đỡ nhưng trong trường hợp này, Thúy Kiều đã đặt Thúy Vân vào hoàn cảnh mà nàng chỉ có thể “chịu lời”.


“Chịu lời” là một sự chấp nhận bắt buộc, không còn sự lựa chọn nào khác. Biết mình đã khiến Thúy Vân rơi vào hoàn cảnh khó xử và có lẽ sẽ khiến Thúy Vân phải chịu nhiều thiệt thòi nên nàng đã dùng lễ nghi trang trọng để bày tỏ nỗi lòng của mình với em. “Lạy”, “thưa” là những lễ nghi trang trọng thường dùng đối với các bậc bề trên trong xã hội phong kiến, đồng thời hành động ấy cũng được dành cho những bậc ân nhân, những người có ơn đối với mình. Trong trường hợp này, Thúy Vân là người mà Thúy Kiều sẽ mang ơn suốt cả cuộc đời nên hành động mời em gái “ngồi lên” để mình “lạy”, “thưa” cũng là điều dễ hiểu. Chuyện tình yêu của nàng đang tốt đẹp thì bỗng nhiên tai ương xảy đến:


“Giữa đường đứt gánh tương tư

Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em”


“Gánh tương tư” bị “đứt” giữa đường thật đột ngột, đây là điều mà Thúy Kiều không ngờ tới. Hình ảnh “gánh tương tư” chính là ẩn dụ cho mối tình thắm thiết đó. Chỉ còn đêm nay là đêm cuối cùng ở nhà bởi ngày mai nàng đã trở thành vợ lẽ của người khác, tình yêu với Kim Trọng chỉ còn trong kí ức chứ không thể nào tiếp tục được nữa. Nhưng Thúy Kiều không phải là kẻ bạc tình, bạc nghĩa, nàng đã nhờ cậy Thúy Vân “chắp mối tơ thừa”. Tình yêu ấy đối với Thúy Kiều có thể là một tình yêu đẹp nhưng đối với Thúy Vân thì đó có thể là “tơ thừa” vì nàng không hề có tình cảm với Kim Trọng cũng như không liên quan đến mối tình Kim - Kiều.


Vậy mà giờ đây, nàng phải thay chị kết duyên với một người mà mình không hề yêu, hoàn cảnh ấy thật khó xử. Dân gian có câu “Ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên”, duyên là thứ con người không nên ép buộc nhưng Thúy Vân là người mà Thúy Kiều tin tưởng nhất, ngoài Thúy Vân ra thì không ai có thể giúp nàng chuyện này. Chỉ có Thúy Vân mới có thể thay Kiều kết duyên cùng chàng Kim và cũng chỉ có Thúy Vân mới khiến nàng yên tâm gửi gắm mối duyên tình. Thúy Kiều để “mặc em” quyết định nhưng thực chất là phó thác, ép buộc Thúy Vân phải đồng ý giúp đỡ. Nàng muốn Thúy Vân hãy dùng thứ keo gắn chắc được chế từ máu của loài chim loan để nối tiếp mối duyên với Kim Trọng. Không chỉ bằng lời nói, lễ nghi trang trọng mà Thúy Kiều còn kể cho Vân nghe chi tiết chuyện tình yêu của mình để thuyết phục em:


“Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước khi đêm chén thề

Sự đâu sóng gió bất kì

Hiếu tình hai lẽ khôn bề vẹn hai”


Những đôi trai gái yêu nhau thường hay tặng nhau chiếc quạt vì chiếc quạt có hai mặt giấy hoặc lụa được dán áp sát vào nhau tượng trưng cho sự gắn kết, hòa hợp, Thúy Kiều và Kim Trong cũng như vậy. Thúy Kiều đã tặng Kim Trọng chiếc quạt trong đêm thề nguyền, ước hẹn. Điệp từ “khi” được lặp lại ba lần đã cho thấy tình cảm của họ thật khăng khít, sâu nặng. “Quạt ước”, “chén thề” gợi nhắc nàng nhớ đến đêm thề nguyền thiêng liêng ấy:


“Tiên thề cùng thảo một chương

Tóc mây một món dao vàng chia đôi”


Lời thề “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương” đến nay đã không thể thực hiện bởi “sóng gió bất kì”. Trong hoàn cảnh éo le như vậy, giữa chữ “hiếu” và chữ “tình”, nàng bắt buộc chỉ được chọn một. Và với sự hiếu thảo của một người con, nàng đã chọn chữ “hiếu” còn chữ “tình” nàng trông cậy Thúy Vân nhận lời giúp mình. Trong xã hội phong kiến, có mấy ai làm trọn vẹn được cả “tình” cả “hiếu” và Thúy Kiều cũng vậy, nàng thật vị tha khi luôn nghĩ cho người khác mà quên đi bản thân mình. Sự lựa chọn chữ “hiếu” của nàng cũng là điều hợp tình hợp lí bởi cha mẹ đã dành cả cuộc đời để chăm lo cho mỗi chúng ta, công ơn ấy chúng ta không thể nào đền đáp hết. Nàng thực sự là “người thục nữ đủ đường hiếu nghĩa” (Chu Mạnh Trinh). Tha thiết mong muốn Thúy Vân chấp nhận lời khẩn cầu của mình, Thúy Kiều đã dùng những lí lẽ xác đáng:


“Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ thay lời nước non

Chị dù thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây”


So sánh với Thúy Kiều thì những ngày xuân của Thúy Vân vẫn còn dài, Thúy Vân hoàn toàn có thể giúp được việc mà Thúy Kiều nhờ vả. Hơn nữa, Thúy Kiều còn nhắc tới cả “tình máu mủ”, tình chị em ruột thịt thì làm sao Vân có thể từ chối. Ở một thế giới khác, Kiều vẫn vui vẻ, mãn nguyện vì em đã “chắp mối tơ thừa” giúp mình. Tâm trạng ấy đã được Nguyễn Du thể hiện qua thành ngữ “thịt nát xương mòn”, “ngậm cười chín suối”. Dù nàng ở chốn âm phủ, cửu tuyền thì cũng được “thơm lây” với hạnh phúc của Thúy Vân và Kim Trọng. Nhắc đến cái chết của chính mình, Thúy Kiều đau đớn biết nhường nào. Dù không muốn thì nàng cũng trao lại những kỉ vật tình yêu của mình để em gìn giữ, trân trọng mối tơ duyên đó:


“Chiếc vành với bức tờ mây

Duyên này thì giữ, vật này của chung.

Dù em nên vợ nên chồng

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên.

Mất người còn chút của tin,

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa”.


Người ta thường nói mối tình đầu là mối tình đẹp nhất nhưng cũng là mối tình gây cho ta nhiều đau khổ nhất, điều ấy quả không sai. Mối tình đầu với Kim Trọng đẹp đẽ, thắm thiết là thế mà bây giờ lỡ dở, làm sao Thúy Kiều không khỏi xót xa, dằn vặt? Chiếc vòng xuyến đeo tay và tờ giấy ghi lời thề ước của hai người giờ đây đã trở thành kỉ vật chung của cả Thúy Kiều, Kim Trọng và Thúy Vân. Đó vốn là những kỉ vật gắn với những kỉ niệm riêng tư của chuyện tình Kim - Kiều nhưng vì hoàn cảnh trớ trêu mà nó trở thành “của chung”. Nỗi đau đớn của nàng dường như đã bật thành tiếng nấc nghẹn ngào. Nàng đâu muốn trao duyên lại cho một người khác, nàng đâu muốn phụ bạc chàng Kim nhưng hoàn cảnh nghiệt ngã đã buộc nàng phải làm như vậy.


Mảnh trầm hương đốt trong buổi thề nguyền và những giây phút Kiều gảy đàn bên Kim Trọng giờ đây đã trở thành quá khứ - một quá khứ gợi bao nỗi xót xa, tiếc nuối. Lí trí và tình cảm đã có sự mâu thuẫn khi nàng muốn giữ lại chữ “duyên” cho bản thân mình làm của riêng. Nàng đã hi sinh tình cảm cá nhân vì gia đình, nàng đã trao duyên lại cho Thúy Vân để mong Kim Trọng được hạnh phúc vậy thì một chút “duyên” nàng xin được giữ lại cũng là điều dễ thấu hiểu. Lại thêm một lần nữa, Thúy Kiều nghĩ về cái chết. Phải chăng nàng đã dự đoán được số phận nổi trôi, vô định, hẩm hiu của mình? Nàng hình dung ra viễn cảnh Thúy Vân và Kim Trọng “nên vợ nên chồng”, chung sống hạnh phúc còn mình là “người mệnh bạc”, số phận bạc bẽo, không may mắn.


Tuy kỉ vật đã trao nhưng dường như Thúy Kiều không thoát khỏi được sự ám ảnh về cái chết, nàng vẫn chưa thể yên lòng:

“Mai sau dù có bao giờ, Đốt lò hương ấy, so tơ phím này. Trông ra ngọn cỏ gió cây, Thấy hiu hiu gió, thì hay chị về. Hồn còn mang nặng lời thề, Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai. Dạ đài cách mặt, khuất lời, Rảy xin chén nước cho người thác oan”.

Kiều nhắc em mai sau có đốt lò hương hay đánh đàn thì hãy nhớ đến mình, lúc ấy nàng mong Vân hãy “trông ra ngọn cỏ lá cây” để thấy được linh hồn oan khuất của mình. Lời nhắn nhủ ấy tức tưởi và đau xót biết bao. Nàng đã mường tượng ra thảm cảnh của mình nhưng ngay cả khi trở thành một linh hồn thì nàng vẫn mang theo lời thề nguyền cùng Kim Trọng.


Đó là lời thề “Trăm năm tạc một chữ đồng đến xương” mà cho dù Thúy Kiều có phải “nát thân bồ liễu” cũng mong trả được nghĩa cho chàng Kim, dù tấm thân nữ nhi yếu đuối, mỏng manh không còn sống trên cõi đời thì nàng vẫn muốn mình giữ trọn lời thề của tình yêu đôi lứa. Do trần gian và cõi âm phủ “cách mặt”, “khuất lời” nên Thúy Kiều cũng chỉ xin em “rảy” giọt nước cho linh hồn oan khuất, đáng thương của mình. Thông thường, người ta thường “rảy” cả một chén nước nhưng nàng chỉ xin một giọt nước ít ỏi để rửa oan. Tình yêu tan vỡ, Thúy Kiều đau đớn tự độc thoại với chính mình:


“Bây giờ trâm gãy gương tan,

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân.

Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi!

Phận sao phận bạc như vôi

Đã đành nước chảy, hoa trôi lỡ làng

Ơi Kim lang! Hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”.


Hơn ai hết, nàng ý thức rất rõ về thực tại của mình. “Trâm gãy gương tan” là biểu hiện cho sự tan vỡ của tình yêu. Mọi việc xảy đến bất ngờ, đột ngột quá nên “muôn vàn ái ân” với Kim Trọng làm sao nàng có thể kể xiết. Ân tình với chàng Kim càng lớn thì nàng cảm thấy có lỗi bởi đã phụ lòng chàng. Tơ duyên chỉ ngắn ngủi có ngần ấy, số phận thì bạc bẽo như vôi, tình yêu thì dở dang, lỡ làng đã khiến Thúy Kiều có những dằn vặt, giằng xé trong nội tâm. Nàng chỉ có thể gửi đến người yêu của mình trăm nghìn cái lạy. Đó là cái lạy từ biệt nhưng cũng là cái lạy tạ lỗi với người “tình quân” vì nàng đã tự coi mình là kẻ phụ bạc đã phá đi lời thề nguyền trước đây. Nàng Kiều đâu có lỗi gì trong chuyện này, có trách thì hãy trách xã hội đồng tiền đầy rẫy những bất công, đẩy con người rơi vào bi bịch. Tiếng gọi “Kim lang” vang lên hai lần nghe mới tha thiết làm sao. Nàng là người nặng tình nghĩa đã nhận hết lỗi lầm về mình và luôn mong cho người mình yêu được hạnh phúc. Đức hi sinh của nàng thật đáng quý!


Sau khi phân tích bài Trao duyên, chúng ta có thể thấy được nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật đạt đến đỉnh cao của Nguyễn Du. Ông đã sử dụng những hình ảnh ẩn dụ, những thành ngữ dân gian cùng sự kết hợp ngôn ngữ bác học trang trọng và ngôn ngữ dân gian để diễn tả những tâm trạng đau khổ, xót xa của Thúy Kiều khi trao duyên lại cho Thúy Vân. Ngôn ngữ đối thoại và ngôn ngữ độc thoại được sử dụng một cách linh hoạt. Bên cạnh đó, thể thơ lục bát uyển chuyển, nhịp nhàng cũng góp một phần không nhỏ vào sự thành công của đoạn trích. “Trao duyên” đã thể hiện tấm lòng nhân đạo, thể hiện sự đồng cảm sâu sắc của nhà thơ đối với số phận những người phụ nữ. Chẳng vậy mà ông đã viết:


“Thương thay cũng một kiếp người

Hại thay mang lấy sắc tài làm chi

Những là oan khổ lưu li

Chờ cho hết kiếp còn gì là thân”.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |