Bài văn phân tích tác phẩm "Thái sư Trần Thủ Độ" số 3
Trong triều đại nhà Trần đã có rất nhiều cái tên đã đi vào lịch sử,sẽ là một sự thiếu sót nếu ta không nhắc đến Thái sư Trần Thủ Độ. Ông là bậc khai quốc công thần,là trụ cột không thể thiếu của nhà Trần.Đã có rất nhiều các thế hệ nhà sử thi với nhiều bài nghiên cứu, khai thác và viết nhiều bài sử thi khác nhau về ông. Trong đó có lẽ không thể không nhắc đến Ngô Sĩ Liên với Đại việt sử kí toàn thư. Qua đoạn trích, hình ảnh của thái sư Trần Thủ Độ hiện lên chân thực, trên nhiều phương diện khác nhau, từ chốn quan trường đến những mối quan hệ gia đình.
Xuyên suốt bài viết, nhà sử học Ngô Sĩ Liên đã chọn ra bốn tình huống làm cho chúng ta thấy rõ được con người thật của Thái sư. Qua những tình huống đó, dù cho nhiều người không quen, không biết đến ông hay chưa từng gặp mặt ông cũng có thể hiểu rõ Trần Thủ Độ là con người như thế nào. Ở tình huống đầu tiên, nếu Trần Thủ Độ không biết cách xử lý, thì có thể mâu thuẫn của ông với vua Thái Tông sẽ không thể nào gỡ bỏ được, có thể dẫn đến những hậu quả hết sức khôn lường. Ông là một Thái sư “quyền hơn cả vua” nên người hặc đã sợ ông sẽ cướp mất thiên hạ hoặc cũng có thể lấy tay che trời để làm nhiều việc hại dân hại nước, vì lúc này vua còn quá trẻ để xử lý hết được công việc triều chính.
Vua lập tức dẫn theo người hạch tội đến nhà Trần Thủ Độ để hỏi rõ ngọn ngành. Trái với những gì vua và người hặc đó nghĩ, rằng Thái sư sẽ chối tội, sẽ nổi giận, trị tội người hặc. Nhưng thật ngạc nhiên, Trần Thủ Độ đã làm ngược lại. Khi nghe nhà vua nói xong, đầu tiên là ông nhận lỗi ngay “đúng như lời người ấy nói”. Rồi ông tiếp tục làm cho họ đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bằng cách lấy tiền lấy lụa thưởng cho anh ta. Vậy là với tình huống đầu tiên, mâu thuẫn giữa Thái sư và vua đã được giải quyết một cách nhẹ nhàng, dứt khoát.
Ông đúng là một con người khác thường, sự khác thường này không phải là dị biệt, mà chính là sự ngay thẳng, thẳng thắn thừa nhận lỗi lầm, không những không ghen ghét, thù hằn kẻ đã vạch tội mình, mà ông còn có cách khích lệ động viên cho người vạch tội và cả những người khác sau này nữa. Cho dù người làm sai có quyền cao chức trọng, có quyền uy hơn cả vua thì cũng không nên vì thế mà xum xoe nịnh nọt. Nhưng ông chỉ làm vậy với những người có ý tốt, không lợi dụng việc này để làm tổn hại đến đất nước.
Tình huống thứ hai không liên quan đến quyền lợi của sơn hà xã tắc mà chỉ là chuyện riêng trong gia đình. Phu nhân của Thái sư Trần Thủ Độ vốn là hoàng hậu của vua Lí Huệ Tông. Sau khi Lí Huệ Tông bị bức tử, bà bị giáng xuống làm Thiên Cực công chúa và ép gả cho Trần Thủ Độ. Một lần, bà ngồi trên kiệu để vào cung, người lính quân hiệu bắt bà phải xuống kiệu trước thềm cấm. Tình huống này chứa đựng mâu thuẫn giữa phu nhân của Trần Thủ Độ và người lính. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là chi tiết phu nhân cho rằng mình bị coi thường nên khóc lóc, kể tội người lính và giận dữ nói với chồng rằng: Mụ này làm vợ ông mà bọn quân hiệu khinh nhờn như thế.Lúc đầu, Thủ Độ giận, sai đi bắt Người quân hiệu kia chắc mình phải chết. Khi đến nơi, Thủ Độ vặn hỏi trước mặt. Anh ta đem sự thực trả lời. Thủ Độ nói: Ngươi ở chức thấp mà biết giữ phép như thế, ta còn trách gì nữa? Điều đó cho thấy ông không thiên vị người thân và rất tôn trọng phép nước, tôn trọng người giữ đúng phép nước, dù đó là kẻ dưới quyền.
Tình huống thứ ba là phu nhân xin ông cho một người trong họ của bà được làm câu đương, tức là một chức dịch nhỏ trong xã chuyên lo việc bắt giữ và áp giải phạm nhân. Chi tiết này tạo ra mâu thuẫn giữa tính cách liêm chính của Trần Thủ Độ với lời đề nghị của phu nhân. Tác giả gây chú ý bằng chi tiết: Thủ Độ gật đầu và biên lấy họ tên quê quán của người đó, khiến người đọc lầm tưởng là sự việc sẽ diễn ra đúng theo ý muốn của phu nhân, để rồi hoàn toàn bất ngờ trước cách xử lí của Thái sư cũng như thú vị trước cách giải quyết cao trào xung đột của tác giả. Trần Thù Độ yêu cầu hắn muốn làm câu đương thì phải chặt một ngón chân để phân biệt với những câu đương khác, khiến hắn ta sợ hãi, kêu van xin thôi, hồi lâu mới tha cho.
Tình huống cuối cùng có thể được coi là tình huống cao trào và hay nhất khi vua Thái Tông đề nghị phong tướng cho anh trai của Trần Thủ Độ là An Quốc. Ông đã không chút suy nghĩ mà nói: “An Quốc là anh thần, nếu là người hiền thì thần xin nghỉ việc, còn như cho thần là hiền hơn An Quốc thì không nên cử An Quốc. Nếu anh em cùng là tướng thì việc trong triều sẽ ra sao?”. Với tài thao lược hơn người, với sự suy tính kỹ càng, ông đã lường trước được việc để cả hai anh em cùng giữ trọng trách lớn trong triều hẳn sẽ hết sức phức tạp và sẽ có không ít lời dị nghị.
Sử gia Ngô Sĩ Liên khi viết về Thái sư Trần Thủ Độ dù cố tỏ ra rất khách quan nhưng bằng những câu văn đầy cảm xúc, tác giả đã thể hiện lòng khâm phục và ca ngợi Trần Thủ Độ. Ông là tấm gương sáng để lại nhiều bài học bổ ích, thiết thực cho hậu thế. Tên tuổi và tài năng của ông được lưu danh muôn thuở.