Bài văn phân tích tác phẩm "Sống chết mặc bay" của Phạm Duy Tốn số 10
“Sống chết mặc bay” là một tác phẩm nổi tiếng, làm nên tên tuổi của tác giả Phạm Duy Tốn. Đây là một tác phẩm tiêu biểu của dòng văn học hiện thực phê phán đầu những năm 20-30 của thế kỉ XX.
Truyện được đăng trên tạp chí Nam Phong số 18 tháng 12 năm 1918, là thể truyện ngắn hiện đại gây ấn tượng mạnh với người đọc ngay từ nhan đề của tác phẩm. Nhan đề “Sống chết mặc bay” đã gợi được sự mới lạ và trí tò mò của người đọc. Tác giả Phạm Duy Tốn đã rất sáng suốt khi dùng vế đầu của câu tục ngữ “Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” để làm nhan đề cho tác phẩm này.
Ý nghĩa của câu tục ngữ này chính là để ám chỉ đến những người chỉ biết hưởng lợi cho bản thân, ăn không ngồi rồi cũng mong có được lợi lộc. Đây là những người chỉ quan tâm đến bản thân mình mà không lo đến sự sống chết của người khác. Những loại người này đáng bị toàn xã hội lên án vì thái độ sống vô trách nhiệm, ích kỷ của mình. Nhan đề này đã góp phần phần không nhỏ tạo nên thành công của tác phẩm.
Tác phẩm tái hiện lại bối cảnh Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám cũng như hoàn cảnh của nhân dân lúc bấy giờ. Cụ thể là ở vùng nông thôn Việt Nam vào những năm 20 của thế kỉ XX. Truyện kể về một đêm mưa gió bão bùng trên một khúc đê bên sông Nhị Hà, hậu quả là bị vỡ đê khiến dân chúng nơi đây rơi vào hoàn cảnh nghìn cân treo sợi tóc.
Ấy thế mà, trong đình quan phụ mẫu vẫn ngồi ung dung chơi tổ tôm cùng các tên quan khác, không hề quan tâm đến việc đê điều sắp vỡ và nỗi thống khổ của dân chúng. Những tên quan này để mặc cho dân chúng tự xoay sở, tự sinh tự diệt đúng như cái tên “Sống chết mặc bay”.
“Gần một giờ đêm, trời mưa tầm tã. Nước sông Nhị Hà lên to quá, khúc đê làng…thuộc phủ… xem chừng đúng thế lắm, hai ba đoạn đã thẩm lâu rồi, không khéo thì vỡ mất”. Bước vào đầu câu chuyện, tác giả mở ra cho người đọc không gian đêm khuya đầy tăm tối với cơn mưa bão cùng sự gấp gáp của con người cũng như cảnh vật bên sông Nhị Hà. Theo như cảm nhận của tác giả thì tình cảnh trông thật là thảm hại.
Ở một diễn biến khác, đối lập với tình cảnh ngoài đê thì “Trong phủ đèn thắp sáng trưng, nha lệ, lính tráng, kẻ hầu người hạ, đi lại rộn ràng” quan phụ mẫu cùng những tên quan khác ngồi đánh tổ tôm không quan tâm thế sự xảy ra bên ngoài. Hai hình ảnh đối lập xuất hiện trong cùng một bối cảnh nhưng diễn biến lại không hề giống nhau.
Có thể nói tác giả Phạm Duy Tốn đã vận dụng rất tốt hai hình ảnh đối lập song song trong tác phẩm của mình. Hai hình ảnh này khi tách nhau ra cũng không hề gì nhưng khi song song xuất hiện với nhau đã tạo được sự đối lập đầy thú vị. Ở bên ngoài đê, không gian tối tăm của đêm mưa bão, nhân dân là nhân vật chính đang chật vật chống chọi với sự tức giận của thiên nhiên.
Còn bên trong đình với đèn đuốc sáng trưng thì quan phụ mẫu là nhân vật chính đang ung dung, nhàn hạ hưởng thụ không quan tâm tới tình hình bên ngoài. Một bên là dân chúng, những người đang rất cần sự giúp đỡ của quan trên mà đáng lẽ ra họ – những người phải có trách nhiệm giúp đỡ người dân thì lại đang nhàn hạ hưởng thụ, ăn chơi đàn điếu.
Dân chúng thì đang khó khăn giành giật sự sống, những tên quan lại thì coi như không phải việc của mình chỉ quan tâm đến ván bài trên tay đúng thật là nực cười. Thế mới thấy tình cảnh khốn khổ của người dân và sự ung dung, vô trách nhiệm của tên quan phụ mẫu đã tái hiện lại bối cảnh lúc bấy giờ của làng quê Việt Nam.
Qua lăng kính cùng ngòi bút sắc sảo của Phạm Duy Tốn, những tên quan lại đặc biệt là quan phụ mẫu đã lộ rõ bản chất thật là những người vô nhân đạo, không quan tâm đến sự sống chết của người dân. “ Trong khi quan lớn ù ván bài to như thế, thì khắp mọi nơi miền đó, nước trào lênh láng, xoáy thành vực sâu, nhà cửa trôi băng, lúa má ngập hết, kẻ sống không chỗ ở, kẻ chết không chỗ chôn, lênh đênh mặt nước, chiếc bóng bơ vơ, tình cảnh thảm sầu, kể sao cho xiết!”. Khi quan sung sướng, cười hả hê thì cũng là lúc đê vỡ, nhân dân lầm than.
Bằng ngòi bút và lời văn sắc bén của mình tác giả đã sử dụng thành công thủ pháp nghệ thuật tương phản đối lập và xây dựng thành công tình huống truyện. Tác phẩm là lời tố cáo gay gắt đối với tầng lớp thống trị cũng như cảm thông, thương xót với tình cảnh của quần chúng nhân dân lúc bấy giờ.