Bài văn phân tích tác phẩm "Sau phút chia li" số 1
"Sau phút chia ly" trích Chinh phụ ngâm khúc của Đặng Trần Côn là khúc ngâm cứa sâu vào lòng người đọc nhiều nỗi niềm xót xa. Có người cho rằng đoạn trích này là của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, nhưng có người lại nói của Phan Huy Ích. Tuy nhiên của nhà thơ nào thì nó vẫn là những áng thơ phản ánh chân thực, sâu sắc nhất tình cảnh lẻ loi, đơn độc của người phụ nữ khi có chồng ra trận. Đoạn trích này thực sự đã lột tả được tình cảnh thê lương của những cặp vợ chồng trẻ trong năm tháng chiến tranh ác liệt.
Thời kì phong kiến, có nhiều cuộc chiến tranh phi nghĩa diễn ra đã lôi kéo rất nhiều người vào vòng xoáy này. Cuộc sống cơ cực, nỗi chia ly, tan tác cứ triền miên không có lối thoát. Khúc ngâm này chính là tiếng khóc ai oán của người chinh phụ khi có chồng ra trận mà không hẹn ngày về. Với những đặc trưng của thể ngâm cũng như của thơ Nôm, tác giả đã lột tả được diễn biến tâm lí một cách sâu sắc nhất.
Ngay từ những câu thơ đầu đã nói lên tình cảnh chia ly đầy đau đớn và xót xa của đôi vợ chồng trẻ. Tác giả đã diễn tả một cách chân thực, sâu sắc tâm trạng u sầu này:
Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngàn núi xanh
Chỉ với 4 câu thơ nhưng đã khắc họa rõ nét tâm trạng của người vợ trẻ sau khi tiễn chân chồng ra trận. Một tình cảnh đối lập, khắc nghiệt đến tái tê được gợi lên trong không gian dài và rộng, sâu và xa. Chàng và thiếp, mỗi người một ngả, mỗi người một nơi. Biện pháp tương phản được tác giả sử dụng một cách khéo léo. Là vợ chồng trẻ, gắn bó mặn nồng với nhau nhưng lại chia ly đau lòng nhưng chỉ biết câm nín.
Cụm từ "cõi xa mưa gió" giàu sức gợi tả, không chỉ là mưa gió của thiên nhiên khắc nghiệt mà có lẽ còn để diễn tả sự khốc liệt của chiến trang ngoài kia. Đối lập với "cõi xa mưa gió" là "buồng cũ chiếu chăn" người vợ trở về. Một bên khốc liệt, một bên cô đơn, lẻ bóng đến tái tê lòng. Tình cảnh đối lập, không gian đối lập đó cứa vào lòng người nỗi thương xót tộ cùng.
Người vợ trẻ còn "đoái trông theo" nhưng không gian mênh mông, chỉ thấy cách biệt, không thấy tương phùng. Chữ "đoái" như nặng nề và da diết khi phải chứng kiến cảnh biệt li như vậy.
Ở câu thơ cuối, tác giả dùng từ "tuôn" như tạo điểm nhấn cho đoạn trích. Nó vừa diễn tả chiều dài, vừa diễn tả chiều rộng. Màu xanh của đất trời bao phủ lấy không gian chia ly tan tác này. Màu xanh khiến cho lòng người thêm nặng nề và u sâu hơn. Nỗi nhớ thương đau đáu được diễn tả ở cấp bậc cao hơn ở những câu thơ tiếp theo:
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Dương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
Nghệ thuật đối lập tiếp tục được tác giả sử dụng triệt để: Chốn Hàm Dương>< Chốn Hàm Dương, Chàng còn ngoảnh lai><thiếp hãy trông sang. Cùng với biện pháp đảo trật tự cú pháp thì biện pháp tương phản càng gợi lên sự chia li, cách trở đến não nề. Hơn nữa, việc mượn các địa danh phần nào nói lên cuộc chiến tranh phi nghĩa đã gây bao li tán, loạn lạc. Sự xa xôi, cách trở về mặt địa lý đã khiến cho nỗi nhớ cứ chồng chất muôn trùng,...hạnh phúc trở nên mong manh và xa xôi quá. Ở khổ thơ này, tác giả đã gián tiếp lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa đã gây ra bao ai oán, bao tiếng khóc, bao đau xót đáng nhẽ không xảy ra.