Bài văn phân tích tác phẩm "Ông già và biển cả" số 9
Ơ-nít Hê-minh-uê (1899 – 1961) là một nhà văn nổi tiếng người Mĩ. Trong những tác phẩm của ông, người đọc không thể không nhắc đến “ông già và biển cả”, tác phẩm không những thành công ở mặt nội dung mà còn cả phương diện nghệ thuật.
Bối cảnh của truyện là ngôi làng chài yên ả gần bến cảng La-ha-ba-na. Nhân vật chính là ông lão ngư phủ Xan-ti-a-gô với mơ ước cháy bỏng là sẽ đánh bắt được một con cá lớn nhất trong đời. Một mình trên con thuyền nhỏ bé ra khơi, ông lão quyết lập chiến công. Trải qua nhiều ngày lênh đênh trên biển cả đầy vất vả, hiểm nguy, cuối cùng ông lão đã đánh bắt dược một con cá kiếm khổng lồ, buộc nó cặp mạn thuyền rồi dong vào bờ.
Nhưng con cá kiếm đã bị đàn cá mập tấn công, ông lão dùng hết sức lực để chống chọi với lũ cá mập hung dữ. Khi đuổi được lũ cá mập ra xa thì con cá kiếm chỉ còn lại bộ xương, ông lão buồn bã trở về túp lều của mình, nhưng trong lòng ông vẫn chưa tắt những ước mơ tốt đẹp.
Nghệ thuật của truyện trước hết phải kể đến việc xây dựng nhân vật. Ông già Xantiago là một ông già đánh cá người Cu ba đã 74 tuổi. Thế nhưng, Xan-ti-a-gô hiện lên không bởi những vẻ đẹp bên ngoài nhưng hơn hết lão hiện lên bởi những nét về mặt tâm lý.
Hê-minh-uê không xây dựng hình tượng lão đánh cá bằng số lượng ngôn từ của mình nhưng bằng các mảnh rời rạc của nhân vật, là những cuộc nói chuyện ngắn với chú bé Manolin, với con gái và nhất là cuộc hiến với chú cá kiến và đàn cá mập. Chỉ một vài nét sơ sài, chủ yếu thông qua những hồi ức, những giấc mơ và chính yếu nhất là những lời độc thoại nội tâm, nhân vật tự nhiên xuất hiện với đầy đủ dáng vẻ, tính cách, cuộc đời và tài năng.
Xan-ti-a-gô hiện lên là một ông già với bàn tay nứt nẻ vì dây câu, chỉ có một người bạn duy nhất là chú bé Manolin hằng ngày thường nói chuyện với nhau bằng những câu nói vờ vĩnh, với những giấc mơ trong đó chỉ có những chiếc thuyền lớn, những chú sư tử trên bãi biển châu Phi, với một quyết tâm sắt đá giết cho bằng được con cá Kiếm và đàn cá mập.
Tác giả không cần lời lẽ để giới thiệu chi tiết, người đọc cũng thấy được cả một quãng đời và thừa hiểu đấy là một con người như thế nào. Tuy có sự xuất hiện của chú bé Manolin và một vài người khác nhưng nhân vật duy nhất được nhà văn quan tâm là lão đánh cá Xan-ti-a-gô.
Hê-minh-uê tập trung đi sâu vào phân tích tâm lý nhân vật bằng cách xây dựng những màn độc thoại nội tâm độc đáo, ngắn gọn mà chứa đựng nhiều suy nghĩ, một thủ pháp nghệ thuật đặc sắc, đa dạng của tác giả. Lão nói với con cá: “Cá ơi, mày không biết mệt thì quả mày là tay khác thường đấy”, “Cá ơi đằng nào rồi mày cũng phải chết mà thôi. Mày cũng muốn tao chết theo mày hả sao?”.
Lão nói với bàn tay trái đang tê bại của mình: “Nào tay ơi, bây giờ mày ra sao rồi. Hay vẫn còn đang chưa hoàn hồn hả mày?. Có thể xem tất cả bề dày, chiều sâu của nhân vật đã được gợi lên qua hình thức độc thoại nội tâm. Hê-minh-uê để cho nhân vật của mình tự bộc lộ tính cách, tư tưởng của bản thân.
Ngôn từ trong tác phẩm được kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối thoại với độc thoại nội tâm, giữa lời kể với văn miêu tả cảnh vật. Khuất sâu dưới những trang viết, chúng ta bất chợt tìm thấy mình đâu đó trong những triết lý rất đỗi bình thường của cuộc sống. Nhiều trang viết ẩn chứa một phong cách độc đáo, giàu triết lý và chất thơ, gợi cho người đọc những liên tưởng đến những vấn đề lớn tồn tại trong xã hội. Điểm nổi bật là sự xuất hiện của một nhân vật chính duy nhất xuyên suốt toàn bộ tác phẩm. Bản thân nó toát lên một phong cách cũng như giọng điệu linh hoạt và vững vàng kết hợp với nghệ thuật “tảng băng trôi” tạo nên hấp lực và truyền cảm rất lớn.
Với lối kể chuyện độc đáo, kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn kể và lời văn miêu tả nhân vật, miêu tả đối thoại, độc thoại nội tâm, khắc hoạ thành công chân dung nhân vật qua cảm giác, sử dụng ngôn ngữ kể và ngôn ngữ của nhân vật để khắc hoạ điều này.
Tác phẩm ông già và biển cả đã thể hiện tình cảm yêu mến, khâm phục của nhà văn đối với những con người lao động nghèo khổ. Trong cuộc đấu tranh vật lộn mưu sinh hay để lập chiến công, con người có thể chấp nhận cái chết, nhưng không bao giờ chấp nhận lùi bước.