Bài văn phân tích tác phẩm "Khóc Dương Khuê" số 8

Nguyễn Khuyến (1835 – 1909) là một nhà thơ trung đại nổi tiếng của thơ ca Việt Nam. Ông để lại cho hậu thế khoảng 800 bài thơ chữ Nôm và chữ Hán trong đó có rất nhiều bài thơ viết về tình bạn. Trong số đó phải kể đến bài thơ cảm động “ Khóc Dương Khuê”.


Dương Khuê ( 1839 – 1902) là bạn đồng khóa với Nguyễn Khuyến tại khoa thi Hương năm 1864. Dương Khuê đỗ tiến sĩ, làm quan to, để lại nhiều bài thơ hát nói tuyệt bút. Từ bạn đồng khoa đã phát triển thành bạn tri âm tri kỉ của Nguyễn Khuyến. “ Khóc Dương Khuê” được sáng tác khi Dương Khuê mất.


Do đó, bài thơ là tiếng khóc bạn rất tha thiết và cảm động của Nguyễn Khuyến cũng là bài thơ khóc bạn rất nổi tiếng trong nền thơ ca dân tộc. Đây cũng có thể xem là một bài văn tế hay độc đáo trong số những bài thơ văn tế của nước ta. Mở đầu bài thơ người đọc đã xúc động bởi tiếng than, tiếng nấc đau đớn:

“Bác Dương thôi đã thôi rồi,
Nước mây man mác ngậm ngùi lòng ta”.

Câu thơ như một sự thảng thốt khi nhà thơ bất ngờ bị đánh rơi mất một điều gì vô cùng quý giá, “ bác” – cách nói thân mật, gần gũi, Dương Khuê đã mãi mãi rời xa trần thế Cái chết của Dương Khuê được nói giảm nói tránh bằng cụm từ “ thôi đã thôi rồi” giúp giảm bớt đi nỗi đau, sự mất mát.

Hai người bạn thân giờ đây như nước chảy với mây trôi, xa nhau vời vợi, nghìn trùng cách trở. Dù vậy, dòng nước chảy có đi đâu về đâu thì vẫn ôm ấp bóng mây trôi. Hình ảnh “nước mây” được liên kết với các từ láy “man mác”, “ngậm ngùi” diễn tả một trời thương xót, một không gian cách trở bao la, âm dương đôi đường, buồn đau, nặng trĩu.

Hai tư câu thơ tiếp theo, tác giả nhắc lại, nhớ lại những kỉ niệm sâu sắc với người đã quá cố. Đó là kỉ niệm khi cả hai cùng đỗ đạt, cùng làm quan, tình bạn ấy là “duyên trời” tác hợp nên, thân thiết, chung thuỷ:

“Nhớ từ thuở đăng khoa ngày trước,
Vẫn sớm hôm tôi bác cùng nhau.
Kính yêu từ trước đến sau,
Trong khi gặp gỡ khác đâu duyên trời”.

Đó là kỉ niệm về những cuộc du ngoạn, đôi bạn cùng thăm thú nơi “dặm khách” chan hoà với thiên nhiên, thảnh thơi giữa chốn lâm tuyền: “Tiếng suối nghe róc rách lưng đèo”, là những lần cùng nhau đi hát ả đào nơi lầu cao, thưởng thức cung đàn, giọng hát:

“Có khi từng gác cheo leo,
Thú vui con hát lựa chiều cầm xoang”.

Kỉ niệm ấy có những lần Nguyễn Khuyến và Dương Khuê uống rượu làm thơ:

“Cũng có lúc rượu ngon cùng nhắp,
Chén quỳnh tương ăm ắp bầu xuân.
Có khi bàn soạn câu văn,
Biết bao đông bích điển phần trước sau”.

Trong dòng kỉ niệm, gợi nhắc lại quá khứ, Nguyễn Khuyến đã sử dụng cách diễn đạt trùng điệp hai cụm từ ngữ: “Cũng có lúc” và “có khi” đan chéo vào nhau, bốn lần xuất hiện trên tám dòng thơ, vừa để liệt kê gợi nhớ, vừa tạo nên âm hưởng quấn quýt, thiết tha. Những kỉ niệm ấy vô cùng sâu sắc, đẹp đẽ về tình bạn, không bao giờ có thể quên được.

Không chỉ nhớ kỉ niệm vui, Nguyễn Khuyến còn nhớ kỉ niệm buồn giữa hai người. Khi đất nước bị xâm lăng, dân tộc chìm trong ách nửa thực dân nửa phong kiến, là kẻ sĩ, là nhà nho “cùng nhau hoạn nạn”, Khuyến đã cáo bệnh, còn Dương Khuê vẫn làm quan. Tuy cảnh ngộ khác nhau, kẻ làm quan, người từ quan, nhưng Nguyễn Khuyến vẫn bao dung bạn, “kính yêu từ trước đến sau”, không bao giờ thay lòng:

“Bác già tôi cũng già rồi,
Biết thôi, thôi thế, thì thôi, mới là”.

Giờ đây hai người đã âm – dương cách biệt. Nguyễn Khuyến khóc bạn, ân hận vì đường xa, vì tuổi già sức yếu mà không thể đến thăm bạn, lần cuối cùng gặp bạn đã là ba năm trước:

“Muốn đi lại, tuổi già thêm nhác,
Trước ba năm gặp bác một lần,
Cầm tay hỏi hết xa gần,
Mừng rằng bác vẫn tinh thần chưa can”.

Khi ấy đến thăm, “tinh thần chưa can” ý nói sức khoẻ vẫn bình thường, tinh thần vẫn sáng suốt. Thế mà bây giờ bạn đột ngột qua đời. Nhà thơ đau đớn, bàng hoàng khôn xiết khi nghe tin bạn mất, đến cả chân tay cũng rụng rời:

“Kể tuổi tôi còn hơn tuổi bác,
Tôi lại đau trước bác mấy ngày.
Làm sao bác vội về ngay?
Chợt nghe tôi bỗng chân tay rụng rời!”.

Trong lời thơ kể lể tâm tình như thấm đầy lệ. Các chữ “tôi” và “bác” xuất hiện nhiều lần trong đoạn thơ như hai linh hồn đang nương tựa vào nhau; nỗi đau buồn như được nhân lên gấp bội. Để rồi từ khóc bạn, Nguyễn Khuyến chuyển sang khóc mình trong tám câu thơ tiếp:

“Ai chẳng biết chán đời là phải,
Sao vội vàng đã mải lên tiên;
Rượu ngon không có bạn hiền,
Không mua không phải không tiền không mua”.

Chữ “không” xuất hiện liên tiếp 5 chữ gợi tả cái trống vắng, cô đơn của nhà thơ trước cảnh già. Bạn mất đột ngột, nỗi thương tiếc, đau xót làm tê tái cả cõi lòng nhà thơ. Những tháng ngày còn lại của ông càng thêm cô đơn, bơ vơ sầu tủi. Bởi cuộc đời này đã mất hết ý nghĩa: không muốn uống rượu, không thiết ngâm thơ, gian nhà và tâm hồn trở nên trống vắng, trơ trọi khi không còn bạn tri âm để thấu hiểu:

“Câu thơ nghĩ đắn đo không viết,
Viết đưa ai, ai biết mà đưa
Giường kia treo cũng hững hờ,
Đàn kia gảy cũng ngẩn ngơ tiếng đàn”.

Bốn câu cuối bài thơ như một tiếng nấc đau đớn. Tuổi già vốn ít lệ nên chỉ biết khóc ở trong lòng. Thương bạn gắn liền với bao nỗi nhớ. Khóc bạn chuyển thành nỗi niềm như cam chịu số phận bi thương. Chỉ cầu mong cho linh hồn bạn thanh thản “lên tiên”:

“Bác chẳng ở dẫu van chẳng ở,
Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương,
Tuổi già hạt lệ như sương,
Hơi đâu ép lấy hai hàng chứa chan”.

“Khóc Dương Khuê” là tiếng khóc xót xa đồng thời thể hiện một tình bạn đẹp và cảm động của các nhà nho thuở trước. Thời gian đã phủ bụi mờ lên mọi vật nhưng sau bao thế kỷ, chúng ta vẫn thấy bùi ngùi xúc động khi đọc những vần thơ này. Đây cũng chính là sức sống vượt thời gian của thơ ca Nguyễn Khuyến.


Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |