Bài văn phân tích tác phẩm "Hoàng Lê nhất thống chí" số 6
"Hoàng Lê nhất thống chí" là cuốn lịch sử chương hồi của một số tác giả trong " Ngô gia văn phái". Tác phẩm đã khái quát một gia đoạn lịch sử với bao biến cố dữ dội đẫm máu từ khi Trịnh Sâm lên ngôi Chúa đến khi Gia Long chiếm Bắc Hà ( 1868-1802) như : loạn kiêu binh, triều Lê- Trịnh sụp đổ, Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh, Gia Long lật đổ triều đại Tây Sơn.
Sự sụp đổ không thể nào cưỡng đại của triều đại Lê- Trịnh và khí thế sấm sét của phong trào nông dân Tây Sơn là hai nội dung lớn được phản ánh qua "Hoàng Lê nhất thống chí". Đặc biệt là Hồi thứ 14 đã được thể hiện một cách hào hùng sức mạnh quật khởi của dân tộc trước thù trong giặc ngoài và khắc họa hình tượng Nguyễn Huệ, người anh hùng dân tộc đã làm nên chiến công Đống Đa bất tử.
Ta như được sống lại những giờ phút lịch sử oanh liệt và hào hùng của dân tộc vào cuối năm Mậu Thân (1788), đầu năm Kỉ Dậu (1789) khi Lê Chiêu Thống đã rước 29 vạn quân Thanh do Tôn Sĩ Nghị cầm đầu, kéo sang xâm lược nước ta. Tác giả " Hoàng Lê nhất thống chí" mở đầu Hồi thứ 14 đã viết:
" Đánh Ngọc Hồi, quân Thanh bị thua trận,
Bỏ Thăng Long, Chiêu Thống trốn ra ngoài"
Vị cứu tinh của dân tộc thuở ấy là Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải đất Tây Sơn. Ngày 22 tháng 11 năm Mậu Thân, Tôn Sĩ Nghị chiếm Thăng Long. Tướng Ngô Văn Sở lui binh về án ngữ tại Tam Điệp. Ngày 24, Nguyễn Huệ được tin cấp báo, và ngày 25 lên ngôi Hoàng đế "tế cáo trời đất cùng các thần Sông, thần Núi", lấy niên hiệu là Quang Trung. Nguyễn Huệ đốc xuất đại binh ra Bắc. Ngày 29 đến Nghệ An tuyển thêm một vạn quân tinh nhuệ.
Nguyễn Huệ tổ chức duyệt binh truyền hịch đến quân Thanh, vạch trần âm mưu của bọn chúng "mưu đồ lấy nước Nam ta đặt làm quận huyện, kêu gọi tướng sĩ đồng tâm, hiệp lực, để dựng nên công lớn" ... . Nhà Vua chia quân ra làm năm doanh (tiền, hậu, tả, hữu, trung quân) rồi thần tốc ra Tam Điệp hội quân với cánh quân Ngô Văn Sở. Quang Trung chia đại quân ra làm năm đạo, cho quân ăn tết Nguyên Đán trước, "bảo kín" với các tướng soái đến tôi 30 thần tốc đánh quân Thanh, hẹn ngày mồng 7 năm mới thì vào thành Thăng Long "mở tiệc ăn mừng".
Qua đó, ta thấy rõ Quang Trung có tầm nhìn chiến lược sâu rộng, sáng suốt, giàu mưu lược, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng lũ xâm lăng. Các sự kiện như lên ngôi hoàng đế ở Phú Xuân, tuyển quân và truyền hịch ở Nghệ An, cho quân sĩ ăn tết Nguyên Đán trước; đặc biệt, nhà vua đã tạo nên yếu tố bất ngờ đánh quân Thanh vào đúng dịp tết khi chúng "chỉ chăm chú vào việc yến tiệc vui mừng, không hề lo chi đến việc bất trắc" đã thể hiện tinh thần quyết đoán của một thiên tài quân sự khi Tổ quốc lâm nguy.
Tác giả mượn lời người cung nhân cũ để làm nổi bật tính cách anh hùng phi thường của Nguyễn Huệ khi trận Ngọc Hồi chưa xảy ra: "Không biết rằng, Nguyễn Huệ là một tay anh hùng lão luyện, dũng mãnh và có tài cầm quân. Xem hắn ra Bắc vào Nam, ẩn hiện như quỷ thần, không ai có thể lường biết. Hắn bắt Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Văn Nhậm như giết con lợn không một người nào dám nhìn thẳng vào mặt hắn. Thấy hắn trỏ tay, đưa mắt là ai nấy đã phách lạc hồn xiêu, sợ hơn sấm sét."
Nguyễn Huệ là một anh hùng có tài điều binh khiển tướng, trù hoạch quân mưu như thần. Ra quân đánh thắng như chẻ tre. Bắt sống toàn bộ toán quân Thanh đi do thám tại Phú Xuyên, dùng mưu gọi loa, vây kín làng Hà Hồi, quân Thanh " rụng rời sợ hãi" phải đầu hàng. Dùng kì mưu kết ba tấm ván thành một bức bên ngoài lấy rơm dấp nước phủ kín, tất cả là 20 bức; mỗi bức có 20 dũng sĩ, lưng dắt dao ngắn thành trận chữ "nhất" xông thẳng vào đồn Ngọc Hồi.
Súng quân Thanh bắn ra đều vô hiệu. Vua Quang Trung cưỡi voi đốc chiến. Sáng mồng 5, đồn Ngọc Hồi bị tiêu diệt, Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử, hàng vạn giặc bị giết "thây nằm đầy đồng, máu chảy thành suối, quân Thanh đại bại". Vua đã đặt phục binh tại đê Yên Duyên và Đại Áng, hợp vây quân Thanh tại Quỳnh Đô, giặc trốn xuống Đầm Mực vị quây Tây Sơn " lùa voi cho giày đạp, chết đến hàng vạn người".
Thừa thắng, vua Quang Trung tiến vào giải phóng Kinh thành Thăng Long đúng trưa mồng 5 tháng Giêng năm Kỉ Dậu. trước kế hoạch hai ngày. Có tài thao lược vô song, có tin vào sức mạnh chiến đấu và tinh thần yêu nước của tướng sĩ, của nhân dân ta mới có niềm tin tất thắng ấy. Chiến thắng Đống Đa 1789 đã làm cho tên tuổi người anh hùng dân tộc Nguyễn Huệ sáng ngời mãi ngàn thu.
Các tác giả " Hoàng Lê nhất thống chí" đã từng ăn lộc của nhà Lê, vốn có cảm tình với nhà Lê nhưng trước họa xâm lăng và chiến công Đống Đa oanh liệt, học đã đứng trên lập trường dân tộc, đã viết nên những trang văn đẹp nhất, dựng nên một tượng đài kì vĩ, tráng lệ của người anh hùng Nguyễn Huệ. Chỉ mấy năm sau, trong bài " Ai tu vãn" khóc vua Quang Trung qua đời, Ngọc Hân công chúa đã viết:
" Mà nay áo vải cờ đào,
Giúp dân dựng nước biết bao công trình."
Đó là hình tượng người anh hùng Quang Trung trong văn học mà ta cảm nhận được với bao người ngưỡng mộ. Bằng biện pháp nghệ thuật tương phản đối lập, các tác giả " Hoàng Lê nhất thống chí" đã miêu tả và nêu bật sự thảm hại của quân Thanh xâm lược và số phận nhục nhã, bi đát của bọn vua phản nước hại dân.
Chỉ huy 29 vạn quân Thanh sang xâm lược nước ta là Tôn Sĩ Nghị. Sau khi chiếm được Thăng Long " không mất một mũi tên, như vào chỗ đông người", hắn vô cùng " kiêu căng buông tuồng". Bọn tướng tá chỉ biết " chơi bời tiệc tùng, không hề để ý gì đến việc quân". Chúng huênh hoang tuyên bố là đầu xuân sẽ kéo quân thẳng đến sào huyệt của Tây Sơn để "bắt sống, không một tên nào lọt lưới".
Thế nhưng, trước sự tiến công như vũ bão của Nguyễn Huệ, bao đồn giặc bị đánh tơi bời. Đồn Hà Hồi phải đầu hàng. Đồn Ngọc Hồi bị dập nát, Sầm Nghi Đống phải tự tử. Hàng vạn giặc bỏ mạng ở đầm Mực. Tôn Sĩ Nghị " sợ mất mật, ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp...nhằm hướng Bắc mà chạy". Quân tướng " hoảng hồn, tan tác bỏ chạy". Chúng tranh nhau chạy, xô đẩy nhau rơi xuống sông. Cầu phao đứt, hàng vạn giặc bị rơi xuống nước mà chết, đến nỗi nước sông Nhị Hà bị tắc nghẽn. Bọn sống sót chạy tháo thân về nước!
Bọn Việt gian bán nước cầu vinh như Lê Chiêu Thống, Lê Quýnh, Trịnh Hiến đang trên đường tháo chạy trở thành lũ ăn cướp. Chúng bạt vía kinh hồn chạy đến Nghi Tàm, " thình lình gặp được chiếc thuyền đánh cá vội cướp lấy rồi chèo sang bờ bắc". Tại cửa ải, Lê Chiêu Thống và bọn cận thần " than thở, oán giận, chảy nước mắt" trông thật bi đát, nhục nhã. Còn Tôn Sĩ Nghị " cũng lấy làm xấu hổ". Chết nhưng nết không chừa! Lê Chiêu Thống hứa "lại xin sang hầu tướng quân", nghĩa là tiếp tục rước voi về giày mả tổ ! Còn Tôn Sĩ Nghị vẫn khoác lác: "Nguyễn Quang Trung chưa diệt, việc này còn chưa thôi!"
Có thể nói, hình ảnh lũ xâm lược và bọn bán nước được miêu tả bằng nhiều chi tiết châm biếm, thể hiện một thái độ khinh bỉ sâu sắc. Đọc Hồi thứ 14 của " Hoàng Lê nhất thống chí", ta càng thấu rõ tim đen quân xâm lược phương Bắc và âm mưu của Thiên triều, và bộ mặt dơ bẩn của bọn Việt gian bán nước. Ta càng thêm tự hào về truyền thống yêu nước, anh hùng của dân tộc ta, vô cùng kính phục và biết ơn Nguyễn Huệ, nhà quân sự thiên tài của Đại Việt.
Nghệ thuật kể chuyện, bút pháp miêu tả nhân vật lịch sử ( Nguyễn Huệ, Lê Chiêu Thống, Tôn Sĩ Nghị) rất chân thực và sinh động tạo nên những trang văn hào ùng tuyệt đẹp vừa giàu giá trị văn chương, vừa mang tính lịch sử sâu sắc.