Bài văn phân tích tác phẩm "Đánh nhau với cối xay gió" số 8
Hình như có một giai thoại kể rằng: có một lần nhà vua sứ Tây Ban Nha từ trên cao nhìn xuống quãng trường thấy một người đàn ông đang ôm bụng cười ngặt nghẽo một mình. Nhà vua lấy làm lạ, rồi cùng mấy viên cận thần lại gần hỏi: “này tên kia, nhà ngươi có chuyện gì mà cười lăn lóc đến vậy”. Người kia trả lời: “Dạ thưa bệ hạ, bề tôi đang đọc truyện Đôn Ki-hô-tê ạ”. Nói xong người đàn ông dâng quyển sách cho vua xem để chứng minh lời nói của mình.
Quả không ngoa, toàn bộ câu chuyện Đôn Ki-hô-tê từ đầu đến cuối là một chuỗi cười sảng khoái nhờ tài năng nghệ thuật tuyệt vời của nhà văn. Trên hành trình phiêu lưu hành nghề hiệp sĩ của lão Đôn Ki-hô-tê với nhiều sự cố thú vị, trận đánh nhau với cối xay gió là một trong những sự cố tiểu thuyết và thú vị nhất.
Nhân vật Đôn Ki-hô-tê được miêu tả một hình dáng diện mạo thật nực cười: gầy gò, cao lênh khênh, lại mang một biệt danh rất kêu “hiệp sĩ xứ Man- tra”, lão cưỡi trên lưng con ngựa còm có cái tên mĩ miều “chiến mã Rô-xi-nan- tê”. Bên cạnh lão “hiệp sĩ” lại có bác Xan-chô Pan-xa béo lùn cưỡi trên lưng con lừa theo hầu, được phong chức “giám mã”. Đã thế, đồ binh giáo của Đôn Ki-hô-tê cũng lại không ra gì: một ngọn giáo đã han gỉ của tổ tiên còn sót lại. Một hành trang như vậy xem ra có vẻ của anh hề hơn là hiệp sĩ thực thụ. Với một bộ dạng như thế, Đôn Ki-hô-tê đã lên đường. Phía trước là chiến công, chỉ cần chiến công nữa là hiệp sĩ xứ Man-tra sẽ nổi tiếng lẫy lừng thiên hạ – Đôn Ki-hô-tê mường tượng ra như vậy.
Thế nhưng thử xem chàng hiệp sĩ đã lập được những chiến công gì? Nào là cuộc “giao đấu” (thực chất là ẩu đả) với bọn lái buôn khi họ không thừa nhận cái mụ nông dân xấu xí – người tình trong mộng của Đôn Ki-hô-tê-là đẹp nhất thiên hạ; nào là việc xông vào “cứu” công chúa, mà thực chất là một phu nhân ngồi trong xe ngựa bị Đôn Ki-hô-tê lầm tưởng là công chúa bị bắt cóc; nào là việc Đôn Ki-hô-tê vác giáo xông vào “đánh tan” một đám tang,„. Chiến tích đánh nhau với cối xay gió là đỉnh cao của màn hài kịch – sản phẩm của một bộ óc ôm ấp những mộng tưởng mờ mịt, ngông cuồng, mất khả năng phân biệt đâu là thực, đâu là mộng. Lão ta tưởng tượng đám cối xây gió thành “mấy chục tên khổng lồ hung tợn”.
Theo tính toán của Đôn Ki-hô-tê nếu dẹp được đám cối xay gió “mà trong bụng vốn đinh ninh… là những tên khổng lồ” này tức là đạt được hai điều lợi: thứ nhất, lão sẽ trở nên giàu sang phú quý nhờ thu được chiến lợi phẩm; thứ hai, thực hiện được lí tưởng hiệp sĩ diệt trừ xấu xa độc ác ở đời. Bất chấp lời khuyên can của bác giám mã thật thà kia, Đôn Ki-hô-tê vào quyết tử với đám cối xay gió bằng những lời lẽ khiêu chiến rất “yêng hùng”, to tát. Ngay sau đó chàng “anh hùng rơm” đã bị cối xay gió nhờ sức bẻ gãy ngọn giáo, ngã một cái như trời giáng, cả người và ngựa lăn chổng kềnh ra đất.
Hứng chịu một hậu quả tai hại nhãn tiền ra đấy, thế nhưng Đôn Ki-hô-tê vẫn không tỉnh ngộ, vẫn tìm ra những lí do viển vông để giải thích sự thất bại của mình: nào là do sách vở bị lão pháp sư đánh cắp, nào là do lão pháp sư do thâm thù đã biến những tên khổng lồ thành cối xay gió nhằm tước mất niềm vinh quang chiến thắng của Đôn Ki-hô-tê, V.V.. Niềm ảo tưởng tự huyễn hoặc mình không những không giảm mà ngày càng tăng lên, nhất là sau khi Đôn Ki- hô-tê bị ngã đau và gãy giáo. Lão ta học đòi sách vở, định nếu gặp cây cối sẽ nhổ lên làm vũ khí thay giáo vừa bị gãy và lão cũng cắn răng chịu đau không rên la, nói những lời huyênh hoang, ảo tưởng. Khi ngủ lại dưới gốc cây, thật nực cười, lão bẻ gãy cây lắp mũi giáo vào làm ngọn giáo mới, rồi suốt đêm bắt chước hiệp sĩ không ngủ để nhớ người tình nơi xa.
Chân dung ngoại hình của Đôn Ki-hô-tê hiện lên thật nhếch nhác, thảm hại, nực cười. Những lời nói của lão toàn những từ đại ngôn, màu mè, sáo rỗng, bắt chước một cách kệch cỡm những cách nói của các nhân sĩ hiệp sĩ trong loại truyện hiệp sĩ rẻ tiền. Hơn nữa, hành động của lão toàn ngược đời, oái oăm, ảo tưởng. Nhờ vào cách đặc tả ngoại hình, hành động, ngôn ngữ, nên nhân vật Đôn Ki-hô-tê hiện ra thật sống động.
Bác giám mã Xan-chô có nguồn gốc xuất thân khác hẳn với ông chủ: một người nông dân thật thà, chất phác. Được ve vãn bởi những lời hứa khá hấp dẫn của ông chủ rằng khi công thành danh toại sẽ ban cho bác chức Thống đốc cai trị mấy hòn đảo, bác đi hầu hạ ông chủ rất tận tình. Với bản tính ưa thực tế của người nông dân lao động, tuy bị những lời hứa xa vời kia dụ dỗ, nhưng suốt hành trình phiêu lưu với chú, bác luôn là người tỉnh táo, khuyên cáo, nhắc nhở, cảnh tỉnh Đôn Ki-hô-tê kịp thời. Bác luôn tâm niệm một triết lí sống vui và giản dị. Ban đầu bác đã nhắc nhở ông chủ rằng lũ khổng lồ kia là những cối xay gió, và những cánh tay dài kia là những cánh quạt.
Nhưng lời khuyên của bác chẳng có tác dụng gì với lời nói bóng bẩy, màu mè của ông chủ, bác Xan-chô nghĩ thế nào nói vậy. Những lời nó quá ư thật thà, chất phác của bác trước cảnh tượng vốn đã nực cười của chủ lại làm cho chúng ta trở nên nực cười hơn. Chẳng hạn, khi nghe ông chủ thao thao bất tuyệt về chàng hiệp sĩ với cây sồi trong một chuyện hiệp sĩ rẻ tiền nào đó, bác giám mã bảo: “Ngài nói sao tôi cũng tin như vậy. “Nhưng kìa chàng ngồi thẳng lại một chút, vì tôi thấy hình như ngài hơi vẹo sang một bên, chắc do bị ngã lúc nãy.”
Nhất là cái cảnh bác ngồi trên lưng lừa ăn uống một cách ngon lành, vui vẻ, mặc kệ ông chủ ngồi đấy mải ôm ấp những ảo tưởng hão huyền. Khi đã no say bác cũng chẳng biết đến lời hứa hẹn của ông chủ, thậm chí là quên hẳn, trong lòng bác thanh thản một niềm vui sống, thậm chí còn cho rằng “cá/ nghề đi kiếm chuyên phiêu lưu này tuy có nguy hiểm song không đến nỗi vắt vả”. Sau khi đánh chén no nê xong, bác đánh một giấc ngon lành đến sáng. Vừa mở mắt, bác vớ ngay bầu rượu, và “hơi buồn” bởi vì rượu đã vơi mà quãng đường này khó tìm chỗ để mua thêm. Hóa ra niềm vui nỗi buồn của bác thật mộc mạc, chân chất, hồn hậu, với những thứ quan tâm rất thường ngày. Bác đối lập hoàn toàn với ông chủ, không bị những mộng tưởng viển vông, hảo huyền của ông chủ giày vò; ngay cả cái tiền đồ xa vời mà ông chủ hứa cho, bác cũng chẳng cần nghĩ tới. Bác Xan-chô là hiện thân của niềm vui sống giản dị, chân thành, khỏe khoắn của những người dân quê lao động yêu đời.
Với thủ pháp trào lộng, đoạn trích “Đánh nhau với cối xay gió tiêu biểu cho bút pháp và phong cách của nhà văn thể hiện trong truyện. Chỉ riêng với đoạn trích này, người đọc cũng hiểu có thể hình dung khá rõ về chân dung người hiệp sĩ trào lộng, nực cười tuy mang nhiều mộng tưởng hão huyền, sách vở, nhưng cũng gắn liền với phẩm chất yêu chuộng công lí, tự do, trọng danh dự và bình đẳng. Tích chuyện với nhan đề “Đánh nhau với cối xay gió” đã thành câu cửa miệng của nhân gian trên toàn thế giới dành nói về những người hão huyền, sách vở, ngông cuồng, bất chấp thực tế để rồi gánh chịu những hậu quả thích đáng.