Bài văn phân tích tác phẩm "Chiếu dời đô" của Lý Công Uẩn số 8
Trong chế độ phong kiến Việt Nam, Lí Công Uẩn được biết đến là một trong những vị minh quân có tầm nhìn xa trông rộng, lo lắng cho vận mệnh đất nước. Điều này đã được thể hiện rõ thông qua việc ông quyết định dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La (Hà Nội). Sự kiện chính trị này gắn với một tác phẩm văn học có giá trị là “Chiếu dời đô”. Bằng lập luận chặt chẽ, thuyết phục, bài chiếu chứa đựng những giá trị nhân văn sâu sắc.
Đầu tiên, trong tác phẩm này, giá trị nhân văn thể hiện qua mục đích và dời đô và nỗi lòng của tác giả. Mục đích của việc dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La là vì lo lắng cho vận mệnh đất nước. Nhận thấy những khó khăn ở nơi đóng đô hiện tại, cụ thể là địa hình núi hiểm trở gây ra nhiều khó khăn để phát triển đất nước trong thời bình.
Tác giả nêu ra những tấm gương không ngần ngại dời đô: “Xưa nhà Thương đến đời Bàn Canh năm lần dời đô, nhà Chu đến đời Thành Vương ba lần dời đô” cùng với việc khẳng định đây là việc tất yếu nếu muốn phát triển đất nước. Vì hai nhà Đinh, Lê không nhận ra điều này nên “cứ chịu yên đóng đô nơi đây, đến nỗi thế đại không dài, vận số ngắn ngủi, trăm họ tổn hao, muôn vật không hợp” khiến cho tác giả lo lắng cho vận nước.
Chứng kiến cảnh nhân dân khổ cực, lầm than, Lí Công Uẩn “vô cùng đau xót”. Lời bộc bạch chân thành đã làm nổi bật hình ảnh của một ông vua yêu nước, thương dân và luôn khắc khoải về vận mệnh dân tộc. Như vậy, giá trị nhân văn đã được thể hiện qua tấm lòng của bậc minh quân, một lòng muốn dời đô để phát triển đất nước, tạo nên thái bình cùng cuộc sống an vui của con dân.
Giá trị nhân văn của tác phẩm còn được thể hiện qua lí do chọn Đại La làm kinh đô: “ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi”.
Tác giả đã phân tích những ưu điểm về mặt địa lí, phong thủy của vùng đất Đại La. Việc nhìn nhận địa thế của Đại La không những thể hiện sự hiểu biết sâu rộng mà còn cho thấy tầm nhìn xa trông rộng của sự thấu tình đạt lí trong việc quyết định dời đô.
Tuy là một bài chiếu nhưng “Chiếu dời đô” lại thấm đẫm giá trị nhân văn bởi một lẽ, Lí Công Uẩn không hề ép buộc nhân dân phải làm theo ý mình. Chiếu vốn thuộc thể loại văn học chức năng, là lời ban bố của vua truyền xuống nhân dân nhưng xuyên suốt bài chiếu, chúng ta không hề bắt gặp bất cứ từ ngữ mang tính chất khẩu lệnh hay ép buộc nào.
Ngược lại, bài chiếu được viết nên đầy cảm xúc: “Trẫm muốn nhân địa lợi ấy mà định nơi ở, các khanh nghĩ thế nào?”. Việc dời đô giống như được đưa ra trưng cầu ý dân bằng lập luận chặt chẽ, lí lẽ và dẫn chứng thuyết phục, giọng văn ôn hòa, lời văn chân thật.
Như vậy, tuy thuộc là thể loại văn học chức năng với mục đích ban bố mệnh lệnh nhưng “Chiếu dời đô” không hề khô khan mà rất giàu cảm xúc. Với tấm lòng yêu nước thương dân, tác giả- vị vua Lí Công Uẩn đã tạo nên một tác phẩm thấm đẫm tinh thần nhân văn.
Từ mục đích dời đô, lí do chọn Đại La làm kinh đô mới hay đến những lời bộc bạch của tác giả, chúng ta đều bắt gặp trong đó những giá trị vô cùng tốt đẹp và vì con người.