Bài văn phân tích tác phẩm "Chiếu cầu hiền" số 8
Ngô Thì Nhậm là một người hiền tài, được vua Quang Trung hết lòng trọng dụng. Viết chiếu cầu hiền là một nét văn hóa đặc biệt của phương Đông. Trong buổi đầu dựng nước, đất nước còn gặp nhiều khó khăn, Ngô Thì Nhậm đã viết Chiếu cầu hiền dưới sự yêu cầu của vua Quang Trung. Tác phẩm vừa thể hiện chiến lược đứng đắn vừa là một áng văn xuất sắc.
Ngô Thì Nhậm viết Chiếu cầu hiền vào khoảng năm 1788 – 1789, bài chiếu được viết nhằm thuyết phục các sĩ phu Bắc Hà, tức các trí thức của triều đại cũ – nhà Lê ra giúp sức cho triều đại mới – nhà Tây Sơn. Tác phẩm có bố cục mạch lạc, liên kết chặt chẽ với nhau: phần 1 nêu lên vai trò, sứ mệnh của người hiền tài đối với vận mệnh đất nước; phần 2 đưa ra những trăn trở của vua Quang Trung nhằm kêu gọi người tài ra giúp nước; phần còn lại đưa ra hình thức, con đường để người hiền tài ra giúp đỡ đất nước. Với bố cục mạch lạc, chặt chẽ Ngô Thì Nhậm đã thực hiện thành công mục đích viết chiếu của mình.
Điều đầu tiên tác giả đề cập đến chính là vai trò to lớn của người hiền tài đối với sự hưng thịnh, suy vong của một đất nước. Ông sử dụng hình ảnh so sánh đặc sắc và hết sức chính xác: “Người hiền xuất hiện ở đời, thì như ngôi sao sáng trên trời cao” câu văn đã khẳng định vai trò, vị trí quan trọng của người hiền đối với quốc gia dân tộc, đây đồng thời cũng như sự tôn vinh, khen ngợi đối với họ.
Không dừng lại ở đó, Ngô Thì Nhậm tiếp tục khẳng định: “Sao sáng ắt chầu về ngôi Bắc Thần, người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử. Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng, thì đó không phải là ý trời sinh ra người hiền vậy”. Với cách so sánh đầy sáng tạo, tác giả khẳng định sự trân trọng người hiền tài khi so sánh họ như những vì tinh tú trên trời, họ là kết tinh của sự tinh anh và tài hoa bởi vậy phải đem tài năng của mình ra phục vụ đất nước. Với lập luận hết sức chặt chẽ, tác giả đã bước đầu thuyết phục được người hiền tài.
Nhưng để bài chiếu có sức thuyết phục cao hơn nữa, phần tiếp theo của tác phẩm, Ngô Thì Nhậm nêu lên những khó khăn trong hành trình thu phục người hiền tài ra giúp nước. “Trước đây, thời gấp vận dụng, trung châu lắm việc, người hiền ở ẩn, cố giữ tiết tháo như da bò bền, người ở triều đường không dám nói năng như hàng trượng mã. Cũng có người đánh mõ giữ cửa, ra bể vào sông, chết đuối trên cạn mà không tự biết, chỉ lo trốn tránh, hầu đến trọn đời”.
Nếu như trong buổi suy vi, những nhà Nho thường lánh đời, bỏ chỗ đục tìm về chỗ trong để giữ trọn khí tiết thanh cao của mình là điều dễ hiểu, nhưng nay đã sang một thời đại mới vì sao vẫn mãi “lẩn tránh” câu văn như một lời trách cứ vừa nhẹ nhàng vừa đanh thép với kẻ sĩ lúc bấy giờ. “Nay trẫm ghé chiếu lắng nghe, ngày đêm mong mỏi, nhưng những người học rộng tài cao chưa ai tìm đến. Hay trẫm ít đức không đáng để phò tá chăng?
Hay thời đổ nát chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng”. Câu văn vừa thể hiện sở nguyện tha thiết, chân thành, “ghé chiếu” để mời người hiền tài ra giúp nước. Nhưng đồng thời thể hiện sự phê phán nhẹ nhàng mà thâm thúy qua hai câu hỏi tu từ ở phía sau. Đánh động vào suy nghĩ, nhận thức của những kẻ hiền tài vẫn chưa chịu ra giúp đời, giúp triều đại mới.
Buổi đầu dựng nước gặp phải biết bao khó khăn: “kỉ cương nơi triều chính còn nhiều khiếm khuyết, công việc ngoài biên đương phải lo toan” không chỉ vậy, đời sống người dân chưa ổn định “dân còn nhọc mệt chưa lại sức” sau những năm dài chinh chiến. Bởi vậy, càng nhận thấy rõ hơn sự góp sức của người tài có ý nghĩa quan trọng nhường nào đối với đất nước: “Một cái cột không thể đỡ nổi một căn nhà lớn, mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình”.
Câu văn thể hiện thái độ trân thành của vua Quang Trung, ông một lòng muốn mời người hiền ra giúp nước cũng là bởi lo cho đời sống nhân dân, lo cho sự an nguy, độc lập của đất nước. Đó là những lời tâm huyết và chân thành xuất phát từ trái tim yêu nước thương dân mãnh liệt. Tấm lòng đó quả đáng trân trọng và đáng tự hào biết bao.
Đoạn văn tiếp theo cho thấy rõ tầm nhìn xa trông rộng của vua Quang Trung. Để hợp sức toàn dân, đồng lòng xây dựng triều đại mới ông ban chiếu để mời gọi người hiền ra giúp nước. Hình thức vô cùng đa dạng: “cất nhắc không kể thức bậc”, “không vì lời nói sơ suất mà vu khoát, bắt tội”, “được tiến cử” “tự tiến cử”,… cốt sao để người hiền tài có được những điều kiện thuận lợi nhất để họ có thể đem sức mình cống hiến cho sự nghiệp chung của nước nhà.
Với những lời lẽ chân thành, tha thiết ta có thể thấy tầm nhìn xa trông rộng của Quang Trung trong tiến trình tái tạo và xây dựng một triều đại mới. Triều đại đó nếu chỉ hùng cường về quân sự thôi chưa đủ mà còn phải hùng mạnh về người tài, bởi “Hiền tài là nguyên khí quốc gia”. Vua Quang Trung là một người lãnh đạo có trí tuệ, khiêm tốn, chân thành và một lòng lo lắng cho sự nghiệp dựng nước.
Trong toàn bộ bài chiếu ta không hề thấy ông một lần nhắc đến những sĩ phu Bắc Hà không cộng tác với nhà Tây Sơn. Điều đó cho thấy lối ứng xử khéo léo, khiêm nhường và chỉ duy nhất hướng đến mục đích kêu gọi sự hợp tác của người hiền tài.