Bài văn phân tích tác phẩm "Chiếc thuyền ngoài xa" số 9
Tác phẩm của Nguyễn Minh Châu được đánh giá mang tính chất tự sự và triết lí. Mỗi tác phẩm ông biêt lên luôn nhằm khám phá, phát hiện ra muôn vàn vẻ đẹp của cuộc sống. Chiếc thuyền ngoài xa là một trong những tác phẩm xuất sắc của họ, được viết năm 1983, khắc họa cái lãng mạn của nghệ thuật và sự trần trụi của hiện thực đời thường.
Nhận được yêu cầu của thủ trưởng, Phùng đã mang máy ảnh về vùng chiến trường cũ, chụp một bức tranh kiệt tác để hoàn thành bộ lịch năm nay. Và trong lần ấy người nghệ sĩ đã chiêm nghiệm được biết bao chuyện, biết bao điều trong cuộc sống đầy những lo toan, vất vả này.
Sau những ngày chật vật, quả thực hôm đó người nghệ sĩ Phùng đã gặp vận may hiếm có, cảnh đẹp trời cho hiện ngay trước mặt Phùng. Anh không chần chừ, vội vàng lôi máy ra tác nghiệp, khung cảnh trước mắt hiện ra vô cùng diệu kì: “thuyền in một nét mơ hồn lòe nhòe vào bầu sương mù màu trắng như sữa có pha đôi chút màu hồng do ánh mặt trời chiếu vào.
Và bóng người lớn lẫn trẻ con ngồi im phăng phắc như tượng trên chiếc mui khum khum, đang hướng mặt vào bờ. tất cả khung cảnh ấy nhìn qua những cái mắt lưới và tấm lưới nằm giữa hai chiếc gọng vó hiện ra dưới một hình thù y hệt cánh một con dơi…”. Đây quả là bức tranh mực tàu của danh họa thời cổ. Trái tim anh dường như bị bóp nghẹn, bối rối không nói thành lời trước cái đẹp của thiên nhiên, tạo hóa.
Lúc bấy giờ anh mới cảm thấm được “cái đẹp chính là đạo đức”. Cái đẹp và nghệ thuật đã thanh lọc tâm hồn con người, giúp tâm hồn con người ta trở nên thánh thiện hơn. Nhưng chúng ta cũng cần chú ý đến một chi tiết, đó là vị trí khi Phùng chụp ảnh vẫn còn ngổn ngang những tàn dư của chiến tranh để lại. Có phải chỉ vi đôi mắt thi vị hóa lãng mạn hóa của một người nghệ sĩ mới khiến Phùng cảm nhận được khung cảnh “trời ban kia”. Đồng thời, cũng chính bởi vậy, sau này khi phát hiện ra sự thật Phùng đã hụt hẫng biết nhường nào.
Đằng sau bức tranh toàn bích kia lại là một hiện thực làm người ta nhói lòng. Trong cảnh thanh tĩnh là tiếng gầm ghè, đầy phẫn nộ “cứ ngồi nguyên đây, động đậy tao giết cả mày đi bây giờ” rồi hình ảnh người đàn bà dần dần lộ diện, to lớn, thô kệch đi sau người đàn ông hung ác, độc dữ.
Những gì xảy ra sau đó làm cho Phùng quá đỗi bất ngờ và choáng váng. Người đàn ông rút chiếc thắt lưng, vừa quật tới tấp vào người đàn bà. Nhưng kì lạ thay người phụ nữ đó không hề kêu than lấy một tiếng, Điều đó làm Phùng “há mồm mà nhìn” vô cùng “kinh ngạc”. Sau nỗi kinh ngạc, Phùng vứt chiếc máy ảnh xuống vội vàng can ngăn. Thì chính lúc này, một cái bóng nhỏ con lao vụt đến, nhắm thằng vào ngời đàn ông.
Người mẹ tội nghiệp, gọi tên đứa con “ôm chầm lấy thằng bé, rồi lại buông ra, chắp tay vái lấy vái để rồi lại ôm chầm lấy…”, khiến người đọc không khỏi xót thương, xúc động. Tất cả những hình ảnh đó làm Phùng bàng hoàng, đau đớn. Rất nhanh gia đình nọ rời đi, khung cảnh trở về cảnh thanh tĩnh như nó vốn có.
Với Phùng đây có lẽ là một chuyến đi nhiều ý nghĩa: “chiếc thuyền nghệ thuật thì ở ngoài xa, ẩn hiện trong sương mù, còn sự thật cuộc đời thì trần trụi, ở ngay trước mắt”. Phùng đau đớn vì trước nay cái nhìn của mình quá giản đơn, xuôi chiều, mà hiện thực cuộc sống lại vô cùng đa đoan, phức tạp.
Lần tiếp theo Phùng và người đàn bà hàng chài gặp lại nhau chính là ở trụ sở tòa án huyện. Và lần này cả Phùng và Đầu đều có những chiêm nghiệm riêng cho mình về con người và cuộc đời. Người đàn bà lúc này ngồi sâu nơi góc tường, cố thu mình lại, dáng vẻ vô cùng sợ sệt.
Có lẽ đây là lần đầu tiên người đàn bà này đến cơ quan công quyền của nhà nước. Mụ phủ phục, lạy lấy lạy để vô cùng đáng thương: “con lấy quý tòa” “quý tòa bắt tội con cũng được, phạt tù con cũng được, đừng bắt bỏ nó”. Vì sao vậy? Vì sao mụ lại xin tha cho một kẻ độc ác, nhẫn tâm đánh ba ngày một trận nhẹ, bảy ngày một trận nặng. Nào Phùng và Đẩu có thể hiểu được.
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, người đàn bà có vẻ đã quen hơn, chị tâm sự về cuộc đời mình, về việc không ai lấy, tâm sự về người chồng hiện tại: “lão chồng tôi khi ấy là một anh con trai cục tính nhưng hiền lành lắm, không bao giờ đánh đập tôi”. Rồi bà lí giải nguyên nhân vì sao chồng mình lại sinh ra tính như vậy. Bởi vì cảnh nghèo, bởi vì khổ quá, nên đàn ông trên thuyền chỉ biết hoặc uống rượu, hoặc đánh vợ mỗi khi cam thấy khổ quá.
Bởi, trên vai người đàn ông đó phải gánh vác biết bao trách nhiệm, nhất là những lúc biển động: “ông trời sinh ra người đàn bà là để đẻ con, rồi nuôi con cho đến khi khôn lớn, cho nên phải gánh lấy cái khổ. Đàn bà ở thuyền chúng tôi phải sống cho con chứ không thể sống cho mình như ở trên đất được…”. Đó là lí do vì sao dù bị chồng đánh chị vẫn cam tâm tình nguyện, vẫn xin tha cho hắn. Bởi ngoài những lúc bị đánh đập qua, cuộc sống hòa thuận, nhìn đám con được ăn no chị cũng cảm thấy vô cùng vui lòng,…
Chỉ qua những lời chia sẻ hết sức ngắn gọn của chị ta có thể thấu hiểu được nỗi thống khổ, sự cam chịu, nhẫn nhục trong người phụ nữ này. Tình mẫu tử thiêng liêng đã khiến chị sẵn sàng hi sinh mọi thứ để con được sống, được ăn no. Đồng thời cũng giúp ta thêm hiểu căn nguyên của tình trạng bạo lực trong những gia đình nghèo khổ.
Quả thực qua câu chuyện của người đàn bà hàng chài ta lại càng thấy rõ hơn không chỉ thể đánh giá một con người, một sự việc qua vẻ bề ngoài của nó. Sự việc, con người vốn nông sâu khôn lường, nếu không truy nguyên, không lắng lòng để nghe thì cả đời này chúng ta chỉ là những kẻ hời hợt, đi đánh giá mọi chuyện bằng con mắt thời ơ.
Tạo nên sức hấp dẫn cho tác phẩm này phải kể đến nghệ thuật tạo dựng tình huống bất ngờ, hấp dẫn. Nhà nhiếp ảnh phát hiện khoảnh khắc trời cho, nhưng đằng sau đó lại là cảnh bạo lực tàn nhẫn. Cho người đàn bà đến để nói chuyện, để phân tích lí giải nhưng nào ngờ chính Phùng và Đẩu lại được người phụ nữ tưởng như thô kệch ấy làm cho “sáng mắt”. Giúp họ hiểu hơn những quanh co, uẩn khúc trong cuộc đời, từ đó có những nhận xét đánh giá đứng đắn trước bất cứ sự việc, hiện tượng nào.
Với tình huống truyện đặc sắc, chân thực Chiếc thuyền ngoài xa mang giá trị nhân đạo và nhân bản sâu sắc. Cuộc đời này gồm cả rồng phượng, gồm cả đúng sai, tốt xấu. Bởi vậy khi đánh giá bất cứ điều gì cũng không nên hời hợt. Cuộc sống này vô cùng phức tạp, để hiểu nó cần phải soi ngắm từ nhiều phía, nhiều góc cạnh. Bài học cho Phùng và Đầu cũng chính là những gì Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm đến các thế hệ bạn đọc.