Bài văn phân tích tác phẩm "Cha con nghĩa nặng" số 2

Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm", chẳng biết câu thơ của nhà thơ Nam Bộ Nguyễn Đình Chiểu có ảnh hưởng trực tiếp tới quan điểm sáng tác của Hồ Biểu Chánh hay không? Nhưng xét về một mặt nào đó, có thể nói con thuyền văn chương của nhà thơ trung đại và nhà văn hiện đại này đều mang nặng một thứ hàng vốn vô tận và vô giá: đạo lí. Tôi muốn nói cảm hứng bao trùm lên sự nghiệp thơ văn của cả hai tác giả này là cảm hứng đạo lí.


Bốn năm trước khi Đồ Chiểu mất (1888), Hồ Biểu Chánh đã ra đời. Phải chăng con đường văn chương đạo lí của nhà văn họ Hồ chính là một sự kế tục nào đó tình thần đạo lí của bậc tiền bối kia? Với một sự nghiệp văn chương đồ sộ - hơn sáu mươi cuốn tiểu thuyết, Hồ Biểu Chánh xứng đáng là một tiểu thuyết gia đã góp phần dựng nên từ buổi sơ khai của thế kỉ XX cái nền móng vững chắc cho tiểu thuyết hiện đại Việt Nam.


Một thế kỉ đã qua đi, trong văn chương Hồ Biểu Chánh, dĩ nhiên có những phần, những phía không chịu được thử thách của thời gian. Song, có những giá trị đã vượt qua tình trạng sơ khai, vẫn có thể làm cảm động lòng người đọc ở thế kỉ XXI này, và hẳn nó cũng chưa chịu dừng lại ở đấy. Bởi vì, đạo lí làm người một khi đã trở thành tâm huyết lớn của cả một đời văn, đã hoá thân thành những hình tượng có sức sống lớn thì nó sẽ đem lại cho văn chương khả năng trường tồn. Ở một phạm vi hẹp hơn, chừng nào văn còn có khả năng làm cảm động con người, chừng ấy nó không cũ.

Đọc trích đoạn của Cha con nghĩa nặng người đọc đã có được ở đây một sự cảm động như thế. Đúng là văn xuôi đã tự làm giàu cho mình bằng cách vay mượn, tận dụng, kế thừa ưu thế của nhiều thể loại khác, cho nên chúng ta thấy có loại văn xuôi giàu chất thơ, có loại đậm chất sử thi, có loại đầy kịch tính, có loại lại khoác thêm cả luận lí, triết học nữa,... Đọc những tác phẩm như thế, người đọc có thể làm giàu cho thị hiếu của chính mình.

Cha con nghĩa nặng là một câu chuyện đầy kịch tính mà người ta có thể dễ dàng chuyển thể thành một tác phẩm sân khấu. Toàn bộ câu chuyện là một chuỗi kế tiếp những sự kiện có tính chất xung đột, mâu thuẫn. Gia đình Trần Văn Sửu đang êm đềm bỗng nhiên tan nát. Đầu mối là việc ngoại tình của cô vợ lăng loàn, đàng điếm. Chồng phản ứng thì vợ đã không biết điều, lại còn có thái độ hỗn hào, láo xược. Tức quá không kiểm chế được, Sửu đã xô vợ.


Thật không may, vợ ngã và chết. Vô tình, Sửu thành kẻ giết vợ. Sửu bỗng nhiên thành kẻ phạm pháp và vô đạo. Sửu phải bỏ trốn. Anh ta luôn phải đối mặt với pháp lí và đạo lí. Pháp lí thì có thể trốn khỏi sự truy nã, nhưng đạo lí thì không trốn được tình phụ tử. Muốn được yên thân, anh ta phải trốn tránh. Nhưng muốn được sống đúng đạo của người cha, anh ta phải trở về. Lẩn trốn cả đời thì lỗi đạo làm cha.


Còn trở về có thể nguy hiểm đến tính mệnh. Ấy là mâu thuẫn giằng xé trong anh ta ở phần trước. Còn đến đây thì đã qua. Anh ta đã trở về, nghĩa là tình phụ tử đã chiến thắng ý thức bảo mạng. Tình phụ tử đã khiến anh ta mạo hiểm trở về. Như vậy, cuộc đấu tranh bên trong anh ta là sự giằng co quyết liệt giữa đạo lí và phản đạo lí, giữa nhân đạo và phi nhân đạo! Mỗi lần anh ta vượt lên được những tiếng nói ngáng trở, là một lần đạo lí giành chiến thắng.

Nhưng giờ đây, anh ta đang đối mặt với một tình huống gay go mới, đang bước vào một mâu thuẫn, xung đột mới. Mấy năm nay Sửu đi biệt tích. Cả làng xóm và gia đình đều yên trí rằng Sửu đã chết. Trong thời gian đó, hai đứa con của Sửu được sự chăm sóc của ông ngoại, đã lớn lên và khá giả hơn. Hiện thời con gái sắp lấy chồng, con trai cũng đang được mai mối để cưới vợ. Nếu Sửu xuất hiên, mọi chuyên chắc sẽ đổ bể hết.

Đoạn trích nếu được ví như một màn kịch, thì màn kịch được dàn thành hai lớp kịch chính vừa kế tiếp vừa có phần chồng chéo lên nhau: Cảnh Trần Văn Sửu gặp bố vợ là hương thị Tào và cảnh Trần Văn Sửu gặp con trai là Tí. Mỗi cảnh là một mâu thuẫn nhỏ, cả hai cảnh nằm trong một xung đột lớn. Ở đâu cũng thấy toát lên cái đạo lí làm người, phụ tử tình thâm (cha con nghĩa nặng).

Phải nói ngay rằng xung đột kịch ở đây là thuộc vể hoàn cảnh chứ không phải là tính cách. Các nhân vật tham gia vào màn kịch này đều là những con người của đạo lí, một người ông chí nghĩa, người cha chí tình và một đứa con chí hiếu. Họ đấu tranh với nhau không phải chiến đấu với những tương phản trong tính cách của cá nhân, mà xét đến cùng là các cá nhân ấy đang đấu tranh với sự nghiệt ngã của hoàn cảnh, của tình huống.

Trong mối quan hệ với Trần Văn Sửu, hương thị Tào là bố vợ. Dù rằng con rể đã vô tình giết chết con gái mình, nhưng ông không phải là kẻ rối trí hẹp tâm khiến thù hận Trần Văn Sửu. Ông vẫn dành cho Sửu sự cảm thông, thương xót. Có lúc lòng ông có gợn lên thoáng hận nào đó. Ấy là khi ông mắng chửi một câu: "Mầy thiệt là khốn nạn lắmỊ". Nghĩ cho cùng đó là cái phản ứng dễ có ở một người cha bị mất con gái.


Song, nó cũng chỉ là thoáng qua. Chi tiết ấy cho thấy Hồ Biểu Chánh hiểu lòng người chứ không chạy theo nhu cầu lí tưởng hoá một chiều để hoàn toàn đơn giản hoá tình cảm vốn phức tạp của con người. Tràn ngập lòng hương thị Tào vẫn là cảm thông. Ông sẵn sàng tha thứ, và đã tha thứ từ lúc nào rồi: "Thôi, chuyện cũ bỏ đi!". Và trước tấm tình đau đớn của con rể, ông đã không cầm lòng được: "Hương thị Tào nghe mấy lời thảm thiết ấy thì cảm động quá, chịu không nổi, nên ông cũng khóc".


Tình huống đặt ra với hương thị Tào là: có nên hay không nên đáp ứng nguyên vọng tha thiết của con rể - muốn được gặp hai con của mình dù chốc lát. Có lẽ không phải là xung đột giữa một bên là sở nguyện của con rể, một bên là hạnh phúc của hai cháu ngoại, mà thực ra là xung đột giữa tình thương nhỏ và tình thương lớn. Sự giằng xé của những tình cảm ấy khiến ông đau khổ.


Ông đuổi Sửu đi không phải vì ghét bỏ Sửu mà vì thương, vì sợ Sửu xuất đầu lộ diện sẽ nguy hiểm đến tính mệnh và làm hỏng việc đại sự trăm năm của con Sửu. Cuối cùng tình thương lớn đã thắng. Cái việc đuổi Sửu đi ngay có vẻ như tàn nhẫn nhưng không phải. Nói đúng hơn là tàn nhẫn bề ngoài, vì cực chẳng đã. Còn bên trong là tình cảm sâu sắc gắn với một tầm nhìn xa của một người cha. Ông giục Sửu đi sau khi đã nói rõ điều hơn lẽ thiệt cho con rể. Và đến đấy, xung đột của cảnh thứ nhất đã được giải toả.


Sửu phải nén đau khổ để ra đi. Nhưng trong lòng anh đang dâng lên niềm hạnh phúc. Sửu ra đi, không gặp con chính là chấp thuận hi sinh: hi sinh hạnh phúc nhỏ cúa mình (gặp các con) vì hạnh phúc lớn của con cái (để chúng được yên ổn với những cuộc hôn nhân đang hứa hẹn). Tình thương nhỏ đã nhượng bộ cho tình thương lớn. Cảnh thứ nhất đã khép lại với hành vi đầy cảm kích của Sửu trước sự cảm thông và lòng độ lượng của nhạc phụ: Trần Văn Sửu chắp tay xá cha vợ rồi đội nón lên và bươn bả bước ra lộ".

Nếu dừng lại ở đó không thôi thì Cha con nghĩa nặng mới chỉ hiện ra ở một phía, ấy là cha vợ và con rể. Đấy chưa phải là phần trọng tâm của tình phụ tử mà Cha con nghĩa nặng muốn nói đến. Sau khi Trần Văn Sửu vừa đi khỏi, thằng Tí " ở trong nhà dò cửa chui ra". Điều này càng thấy rõ tính chất chuyển cảnh của sân khấu. Và cảnh thứ hai mở ra.

Trước, Trần Văn Sửu chỉ muốn sống để được gặp con, giờ anh ta chỉ muốn chết để cho con bình yên. Nếu như ở cảnh trước chỉ nghiêng về đối thoại, thì đến đây "sân khấu" mở rộng hơn, hành động của nhân vật phong phú hơn. Thằng Tí cố đuổi theo để gặp cha; cha nó lại ngỡ là người làng đuổi bắt, nên con chạy càng gấp, cha chạy càng nhanh. Tình tiết cười ra nước mắt.

Có lẽ ai cũng thấy điều này: tình cảm của các nhân vật ở đây thật phân minh. Bố vợ đã không vì mất con gái mà oán thù con rể, con không vì cha làm mẹ chết mà oán hận cha. Rồi đến chồng không vì người vợ lăng loàn mà khiến con phải khinh khi, hận thù mẹ. Người đọc rất cảm động trước sự phân minh, rành rẽ ấy. Hãy nghe Trần Văn Sửu nói với con : "Con không nên phiên trách má con. Má con có quấy là quấy với cha, chứ không quấy với con. Mà cha đã quên cái lỗi của má con rồi, sao con còn nhớ làm chi?".

Tuy nhiên, mâu thuẫn cơ bản ở cảnh thứ hai này chưa phải ở những điều đó. Thằng Tí muốn cha nó quay lại, muốn được sống cùng cha, muốn phụng dưỡng cha. Ấy là lòng hiếu nghĩa. Nhưng nếu làm được như thế thì người cha sẽ bị làng bắt, tính mệnh của cha sẽ nguy và hạnh phúc của nó chắc cũng bị đe doạ. Vậy mâu thuẫn ở đó là mâu thuẫn giữa tình thương cha và hạnh phúc của mình.


Sâu xa hơn là mâu thuẫn giữa lòng vị tha và lòng vị kỉ. Thằng Tí đã sẵn sàng hi sinh hạnh phúc của mình để chăm sóc và che chở cha nó. Về phía Trần Văn Sửu cũng sa vào một mâu thuẫn. Nếu Sửu bỏ đi biệt thì coi như từ nay mất hẳn hai con, nhưng các con lại được hạnh phúc. Còn quay lại thì được sống trong tình phụ tử ít nhiều nhưng vô tình làm tan tành hạnh phúc trăm năm của con.


Và người cha cũng quyết chọn con đường hi sinh cái nhu cầu nhỏ của mình để làm tròn cái bổn phận lớn của người cha. Sự lựa chọn đầy tính vị tha của hai cha con dẫn đến mâu thuẫn giữa hai cha con: cha thì nhất quyết đi, con thì nhất quyết không rời cha. Cha nghe theo đứa con không phải vì nghĩ đến hạnh phúc của mình. Ngược lại nghe theo con chẳng qua là dành lòng nhượng bộ con, nghĩa là cũng vì con thôi!... Cuối cùng, tình thương cao cả đã chiến thắng.

Kịch phản ánh cuộc đời thông qua các xung đột, mâu thuẫn. Cha con nghĩa nặng không phải là tác phẩm kịch, nhưng là một tác phẩm văn xuôi giàu yếu tố kịch. Kịch tính ở đây là vẻ đẹp độc đáo của thiên truyện này. Câu chuyện dựng lên một cảnh ngộ thương tâm của con người trong cuộc đời. Người ta thấy đạo lí làm người là bất diệt. Dù con người có bị đẩy vào những hoàn cảnh nghiệt ngã đến đâu, con người vẫn cứ kiêu hãnh làm người.


Với tư tưởng ấy, có thể xem Cha con nghĩa nặng là một khúc khái hoàn ca của đạo lí đã vang lên, đã vọng về từ đầu thế kỉ XX. Và có lẽ nó vẫn còn vang vọng.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |