Bài văn phân tích Nỗi niềm tương tư số 5

Truyện thơ Nôm đóng một vai trò quan trọng trong nền văn học Việt Nam, thể hiện tinh hoa của ngôn ngữ dân tộc. Bên cạnh những tác phẩm như “Truyện Kiều” (Nguyễn Du), “Truyện Lục Vân Tiên” (Nguyễn Đình Chiểu) thì “Bích Câu kì ngộ” cũng là một tác phẩm truyện thơ Nôm đặc sắc, kể về mối tình giữa chàng Tú Uyên và tiên nữ Giáng Kiều. Đoạn trích “Nỗi niềm tương tư” cho thấy tâm trạng của Tú Uyên sau khi gặp được tiên nữ ở hội chùa Ngọc Hồ.


Khác với một số truyện thơ Nôm lấy chủ đề/bối cảnh Trung Hoa, “Bích Câu kì ngộ” là một truyện thơ Nôm thuần Việt. Cái tên “Bích Câu” trong nhan đề chính là một địa chỉ văn hóa nổi tiếng ở kinh thành Thăng Long xưa. Nơi đây thường được các vua chúa ghé thăm, tập trung nhiều văn nhân sĩ tử. Đọc tác phẩm, ta có thể bắt gặp những câu thơ miêu tả thành Thăng Long đẹp như thơ như họa.


“Xanh xanh dãy liễu, ngàn thông
Cỏ đan lối mục, rêu phong dấu tiều
Một vùng non nước đìu hiu
Phất phơ gió trúc, dặt dìu mưa hoa
Triều Lê đương hội thái hòa
Có Trần công tử tên là Tú Uyên”

Khung cảnh thiên nhiên tươi đẹp bao giờ cũng là phông nền hoàn hảo để các nhân vật xuất hiện. Chàng Tú Uyên thực chất là một thư sinh nghèo, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Nhờ siêng năng đèn sách mà chàng cũng trở thành một văn nhân có tiếng ở Bích Câu. Khi đi chơi hội xuân ở chùa Ngọc Hồ, chàng gặp được người thiếu nữ đẹp tuyệt trần nhưng chưa kịp ngỏ lời làm quen thì cô gái đã biến mất. Từ đó, Tú Uyên đem lòng tương tư người đẹp. Đây là khởi nguồn cho mối tình đẹp giữa Tú Uyên - Giáng Kiều về sau.

“Lần trăng ngơ ngẩn ra về
Đèn thông khêu cạn, giấc hòe chưa nên
Nỗi nàng canh cánh nào quên
Vẫn còn quanh quẩn người tiên khéo là!”

Câu thơ đầu của đoạn trích miêu tả cảnh tượng Tú Uyên ra về khỏi hội chùa. Ánh trăng sáng chiếu rọi từng bước chân chàng thư sinh si tình. Cách nói “ngơ ngẩn ra về” cho thấy Tú Uyên vừa bước đi vừa không ngừng nhớ nhung cô gái. Chàng choáng ngợp bởi vẻ kiều diễm của nàng đến mức như thẫn thờ như một kẻ mất hồn. Ca dao dân gian xưa cũng từng dùng từ “ngơ ngẩn” để diễn tả nỗi nhớ người yêu:

“Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ,
Nhớ ai ai nhớ, bây giờ nhớ ai?”

Nỗi nhớ người yêu, người tình trong mộng bao giờ cũng là nỗi nhớ da diết, cháy bỏng nhất. Có biết bao tác phẩm văn học từ văn học dân gian đến văn học viết đã diễn tả nỗi nhớ ấy nhưng nỗi nhớ của chàng Tú Uyên vẫn mang màu sắc riêng ấn tượng. Sự nhớ nhung ấy không chỉ theo bước chàng trên đường về mà còn trở thành một nỗi ám ảnh trong tâm trí, ảnh hưởng đến những sinh hoạt thường ngày của chàng. Nếu “Truyện Kiều” có chàng Kim Trọng “Bút se ngọn thỏ, tơ trùng phím loan” thì “Bích Câu kì ngộ” cũng có một Tú Uyên “Đèn thông khêu cạn, giấc hòe chưa nên”. Tú Uyên si mê Giáng Kiều đến mức đèn dầu đã cạn mà không buồn thắp lên, trằn trọc đêm khuya không thể ngủ. Hai từ láy “canh cánh” và “quanh quẩn” gợi liên tưởng nỗi nhớ bao trùm khắp không gian, lúc nào cũng thường trực bên cạnh con người. Nỗi nhớ bỗng trở thành một vật hữu hình, khiến cõi lòng Tú Uyên nặng trĩu. Từ chỗ không thể yên giấc, Tú Uyên còn tưởng tượng ra dường như Giáng Kiều vẫn đang quanh quẩn đâu đây. Hình bóng nàng tiên vừa gần vừa xa, biết khi nào mới được gặp lại?

Câu thơ “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” của đại thi hào Nguyễn Du rất thích hợp trong hoàn cảnh của Tú Uyên. Nỗi nhớ được đẩy lên một mức độ cao hơn khi Tú Uyên nhìn đâu cũng thấy mênh mang nỗi nhớ:

“Bướm kia vương lấy sầu hoa
Đoạn tương tư ấy nghĩ mà buồn tênh”

Cánh bướm lượn, bông hoa thắm trong vườn sao mà buồn bã, u sầu đến thế? Cảnh vật nhuốm màu tâm trạng. Những hình ảnh hoa, bướm giàu tính ước lệ tượng trưng diễn tả một tình yêu, nỗi nhớ vừa đẹp đẽ, xốn xang lại vừa man mác buồn. Từ “buồn tênh” bộc lộ một cách trực tiếp tâm trạng của Tú Uyên, cho thấy sự trào dâng của niềm nhớ thương.

Dường như ý thức được sự xâm chiếm của nỗi nhớ trong tâm hồn, Tú Uyên bèn tìm đến những hoạt động khác để xua tan nỗi nhớ. Điệp từ có được lặp lại bốn lần, tạo hành điệp khúc nhớ nhung dâng lên tầng tầng lớp lớp, đồng thời diễn tả sự cố gắng, loay hoay của Tú Uyên khi đối diện với nỗi nhớ:

“Có khi gảy khúc đàn tranh
Nước non ngao ngán ra tình hoài nhân
Cầu hoàng tay lựa nên vần
Tương Như lòng ấy, Văn Quân lòng nào”

Chàng gửi gắm nỗi lòng mình vào tiếng đàn tranh tha thiết, mong ước nàng sẽ nghe thấy tiếng đàn mà hiểu được tấm chân tình. Thế nhưng, nghịch lí thay, càng chơi đàn thì Tú Uyên lại càng thấy nhung nhớ. Từ láy “ngao ngán” thể hiện rõ tâm trạng chán chường, ủ ê khi không có người đẹp kề bên. Tác giả sử dụng điển tích điển cố về khúc đàn cầu hôn của Tương Như - Văn Quân để diễn tả chân thực, sâu sắc tình cảm của Tú Uyên dành cho Giáng Kiều. Dù chỉ mới gặp nàng thoáng chốc nhưng tình yêu dành cho nàng có thể sánh với tình yêu đi vào sử sách thời Hán. Tiếng đàn của ta cũng giống như tiếng đàn Tương Như gảy thời xưa, liệu nàng có thấu tỏ lòng này như nàng Văn Quân đã làm?

Hết gảy đàn, Tú Uyên lại tìm đến men rượu cho khuây khỏa:

“Có khi chuốc chén rượu đào
Tiệc mời chưa cạn, ngọc giao đã đầy
Hơi men không nhấp mà say
Như xông mùi nhớ, lại gây giọng tình”

Động từ “chuốc” cho thấy Tú Uyên không chỉ nhấp môi một, hai chén rượu mà đã uống rất nhiều. Bữa tiệc chưa tàn mà chén rượu kết giao đã đầy. Tú Uyên muốn uống chén rượu kết giao với Giáng Kiều. Hóa ra chàng thư sinh không say rượu mà là say tình, say đắm người con gái đẹp. Câu thơ “Hơi men không nhấp mà say/Như xông mùi nhớ, lại gây giọng tình” đã biểu lộ một cách thật độc đáo niềm tương tư này. Nỗi nhớ da diết, đằm sâu, biến thành hương dâng lên ngào ngạt. Càng uống rượu chàng lại càng nhớ nhung hơn. Là chàng nghe thấy trong hơi men có cả tiếng của nàng hay chàng muốn mượn rượu để ngỏ lời tỏ tình với nàng? Dù ta hiểu theo nghĩa nào thì nỗi nhớ trong câu thơ vẫn thật nồng nàn!

“Có khi ngồi suốt năm canh
Mõ quyên điểm nguyệt, chuông kình nện sương
Lặng nghe những tiếng đoạn trường
Lửa tình dễ đốt, sông Tương khôn hàn”

Nỗi nhớ mới xuất hiện gần đây mà đã khiến toàn bộ không gian, thời gian của chàng. “năm canh” là khoảng thời gian dài đằng đẵng, Tú Uyên đã ngồi ngóng đợi tình yêu của mình lâu đến mức tiếng mõ quyên đã điểm, chuông kình đã vang lên mà chẳng hay. Trong khung cảnh ấy, chàng bỗng nghe thấy “những tiếng đoạn trường”. “tiếng đoạn trường” ở đây chính là tiếng khóc của ai đó vang lên thê thiết, tưởng như đau đến đứt từng khúc ruột. Tú Uyên nghe âm thanh ấy mà nhớ đến điển tích sông Thương. Khi Vua Thuần mất, hai người vợ Nga Hoàn và Nữ Anh cùng khóc thảm thiết trên sông Tương. Người xưa còn lấy sông Tương để đo lòng nỗi nhớ:

“Sông Tương ai gọi rằng sâu
Chẳng bằng phân nửa mạch sầu của ta
Sông Tương sâu hãy còn có đáy
Bệnh tương tư không bãi không bờ
Đầu sông chàng đợi chàng chờ
Nào hay thiếp đợi hững hờ cuối sông”

Có thể thấy, không chỉ những người phụ nữ mà cả nam nhân cũng bị nỗi nhớ dày vò. Tú Uyên đã lấy hình ảnh sông Tương - một biểu tượng của nước mắt, nỗi nhớ, sự chia ly, chờ đợi để diễn đạt tình cảm của mình dành cho Giáng Kiều. Căn bệnh tương tư chẳng chừa một ai chính là như thế! Ngọn lửa tình “dễ đốt” nhưng khi bùng lên mạnh mẽ thì khó lòng dập tắt!

“Có đêm ngắm bóng trăn tàn
Tiếng chim hót sớm, trận nhàn bay khuya”

Tú Uyên ngồi ngắm trăng, hy vọng tìm được chút tin tức của Giáng Kiều trong nỗi nhớ bủa vây, giam hãm. Trăng của chàng không phải là “Vầng trăng vằng vặc giữa trời” của lời thề nguyền chung thủy, biểu tượng cho hạnh phúc lứa đôi tròn đầy mà là “bóng trăng tàn” đơn chiếc, lẻ loi. Điệp ngữ “Có khi” kết hợp với cặp từ đối lập “sớm” - “khuya”gợi khoảng thời gian tuần hoàn, đóng kín và tâm trạng bí bách, tù túng của con người.

Cuối cùng, sau khi đã hướng ra bên ngoài cảnh vật, Tú Uyên quay trở lại đối diện với chính mình:

“Ngổn ngang cảnh nọ tình kia
Nỗi riêng, riêng biết, dã đề với ai!
Vui xuân chung cảnh một trời
Sầu xuân riêng nặng một người tương tư”

“Ngổn ngang” tức là tâm trạng bẽ bàng, buồn bã vì nhìn đâu cũng thấy nhớ thương. Nhớ nhung, yêu thương là thế nhưng hiện thực lại là “Nỗi riêng, riêng biết, dã đề với ai!”. Vì không có người để giãi bày nên nỗi nhớ thành một khối đóng lại trong tâm hồn Tú Uyên. Chàng hồi tưởng lại khung cảnh vui xuân và thấm thía tình cảnh cô đơn, sầu bi hiện tại. Câu thơ cuối vừa thể hiện tình cảm cháy bỏng vừa hư lời trách móc yêu. Cùng chung niềm vui nô nức ngày hội xuân, cớ sao giờ đây chỉ một người ôm tương tư?

Như vậy, đoạn thơ đã diễn tả nỗi nhớ đa tầng, nhiều cung bậc của chàng thư sinh Tú Uyên sau khi gặp Giáng Kiều. Nỗi nhớ ấy là biểu hiện cho khát khao hạnh phúc lứa đôi. niềm hy vọng vào tình yêu mãnh liệt. Để diễn tả chân thực, tinh tế cảm xúc thiêng liêng ấy, tác giả đã sử dụng thể thơ lục bát truyền thống của dân tộc, hệ thống các từ láy giàu tính biểu đạt, các điển tích điển cố, những hình ảnh thiên nhiên ước lệ tượng trưng.

Viết về tình yêu, nỗi nhớ giữa những các văn nhân tài tử với những bậc quốc sắc thiên hương không phải là điều hiếm trong văn học trung đại nhưng “Nỗi niềm tương tư” vẫn mang màu sắc riêng độc đáo. Quả thực, “Mối tình Tú Uyên - Giáng kiều tuy diễm tình nhưng trong sáng lại đậm tình nghĩa gia đình. Truyện tiên mà lại thực, góp phần giáo dục và làm tươi mát tâm hồn niên thiếu.”

Hình minh hoạ
Hình minh hoạ

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |