Bài văn phân tích nhân vật Xuân Tóc Đỏ số 8
Tác phẩm Số Đỏ của Vũ Trọng Phụng được coi là một trog những tác phẩm có giá trị độc đáo về cả nội dung và nghệ thuật. Những nhân vật trong truyện đã bị ngòi bút của nhà văn phê phán đến đỉnh điểm, đó là những con người chỉ biết chạy theo đồng tiền, ăn chơi xa hoa và học đòi lối sống nửa ta nửa Tây, đặc biệt là Xuân Tóc Đỏ, điển hình của loại người lừa đảo, bất tài mà có địa vị xã hội.
Bằng ngòi bút sắc sảo của Vũ Trọng Phụng, Xuân Tóc Đỏ xuất hiện là một kẻ bụi đời ở trong môi trường thành thị. Tính cách được hình thành ngay từ bé với cái lai lịch phức tạp: “Thằng Xuân lấy đầu hè, xó cửa làm nhà, lấy sấu các phố, cá hồ Hoàn Kiếm làm cơm. Nó đã bán phá xa, bán nhật trình, làm chạy hiệu rạp hát, bán cao đan hoàn tán trên xe lửa, và với ba nghề tiểu xảo khác nữa. Ánh nắng mặt trời làm cho tóc nó đỏ như tóc Tây. Cảnh ngộ đó tạo nó nên một đứa hoàn toàn vô giáo dục tuy nó tinh quái lắm, thao đời lắm”.
Bởi sống trong môi trường vô giáo dục, không ai dạy dỗ, kìm kẹp, phải lang thang kiếm sống với nhiều nghề phức tạp Xuân Tóc Đỏ trong một hoàn cảnh đặc biệt được nhập vào môi trường của những kẻ giàu có, những con người dang ôm ấp mộng Âu hóa và cải cách xã hội như bà Phó Đoan, ông bà Văn Minh, ông Típ-phờ-nờ...
Do hoàn cảnh xã hội và do vận may, Xuân được du nhập vào cuộc sống của giới thượng lưu, Xuân Tóc Đỏ gặp nhiều cơ may và với bản tính nhanh nhẹn, láu cá hắn nhanh chóng tạo cho mình một chỗ đứng trong gia đình ông bà Văn Minh. Với một số hiểu biết về bệnh tật thu được trong nghề rao thuốc hắn chữa khỏi bệnh cho cụ cố và được xem là sinh viên trường thuốc, rồi “quan đốc tờ”. Vốn nhanh miệng hắn trở thành kẻ rao hàng tốt, rồi thành nhà hùng biện. Từ đứa nhặt banh quần vợt Xuân Tóc Đỏ trở thành một danh thủ, một cây hi vọng của giới quần vợt Bắc Kì, một anh hùng cứu quốc. Con đường tiến thân của Xuân Tóc Đỏ thuận lợi. Y biết cách luồn lách, dùng mưu mẹo thủ đoạn để làm lợi cho mình. Nhiều người biết rõ bản chất của Xuân vẫn phải chấp nhận. Cái thực cái hư của con người Xuân do đó cũng khó phân biệt: “Sự ngu độn của nó được người ta cho là nhũn nhặn, là sự khiêm tốn nên nó càng được yêu mến hơn”. Bà Phó Đoan xem Xuân là người có học thức. Ông Phán mọc sừng cũng cho Xuân là người đứng đắn.
Qua từng chi tiết miê tả của nhà văn, bản chất trong con người Xuân dần dần được hiện ra. Vốn được giáo dục đào luyện trong nền văn hóa vỉa hè nên bản chất của Xuân vân giữ nguyên chất người lưu manh, của kẻ lang thang đầu đường xó chợ, vẫn dùng ở cửa miệng cái lối nói năng vô học với những từ quen thuộc như “mẹ kiếp”, “nước mẹ gì”. Xuân vẫn không chịu học hành mà thường dùng thủ thuật bắt chước, che đậy, giả dối để đối phó trong mọi tình huống. Tuy nhiên tính cách của Xuân cũng có những đổi thay nhất định. Y nhanh chóng thích hợp với hoàn cảnh mới và hoàn cảnh cũng làm cho Xuân thay đổi. Trước kia vốn là kẻ hạ lưu, Xuân thường bộc lộ sự hèn hạ, tự ti, yếu đuối trong đối xử. Nhưng khi đã có vị trí trong xã hội Xuân nhận rõ muốn tạo được thanh thế và uy tín cần phải xem thường mọi người.
Vũ Trọng Phụng viết: “Lâu dần sống mãi trong bầu không khí hỗn loạn những sự kính trọng, sợ sệt mơn trớn của những kẻ chung quanh, Xuân Tóc Đỏ đâm ra khinh người. Vì lẽ theo thói thường những kẻ nhũn nhặn hay bị coi khinh, nên Xuân Tóc Đỏ càng kiêu ngạo, làm bộ làm tịch bao nhiêu thì lại được thiên hạ càng kính trọng”, ở Xuân Tóc Đỏ có lúc như kết hợp giữa tính cách của một kẻ hạ lưu pha lẫn với lối sống thượng lưu, ngôn từ của loại người hạ đẳng với lời lẽ kiểu cách học đòi được ở môi trường giàu có. Và đến kết thúc tác phẩm, nhân vật Xuân đã tự ý thức một cách chân thành mà lố bịch về vai trò cá nhân của y và dám gọi quần chúng là mi: “Hỡi quần chúng mi không hiểu gì mi oán ta. Ta vẫn yêu quý mi mặc lòng mi chẳng rõ lòng ta. Thôi giải tán đi”. Mọi người hô to: “Xuân Tóc Đỏ vạn tuế, sự đại bại vạn tuế”.
Tác giả đã rất thành công khi tạo dựng nhân vật Xuân với một tính cách điển hình, làm tăng thêm sự hấp dẫn cho câu truyện. Tính cách được dần hình thành, phát triển và đến một lúc nào đó nó đứng vững và có sức sống nội tại. Tác giả kết hợp giữa lối miêu tả chân thực và phóng đại - chân thực đến chi tiết từ dáng dấp, hành động đến ngôn từ nhưng lại phóng đại và tạo ra nhiều tình huống không có thật. Hành động của Xuân Tóc Đỏ với Tuyết và bà Phó Đoan trong chuyện tình yêu, Xuân Tóc Đỏ đối đáp thơ với nhà thơ si tình, Xuân Tóc Đỏ chịu thua cuộc với tài tử Xiêm Lá để tránh xảy chiến sự, và đứng trên xe diễn thuyết trước quần chúng... tất cả đều là những tình huống phóng đại nhưng lại hợp lí, hợp với logic nội tại của nhân vật.
Nhà văn đã mượn hình ảnh nhân vật của mình để tố cáo cái xã hội nử phong kiến, nửa tư sản lúc bấy giờ, cái xã hội giả tạo, chạy theo đồng tiền . Trong xã hội đó những kẻ bất tài, vô học, nhưng có thể giúp kẻ khác lừa đảo, kiếm tiền sẽ được coi trọng trong xã hội.