Bài văn phân tích nhân vật Xô-cô-lốp trong "Số phận con người" số 1
Mi- khai- in A- lếch- xan- đrô- vích Sô- lô- khốp là một nhà văn lỗi lạc người Nga, ông để lại nhiều tác phẩm văn học có giá trị, làm say mê bao thế hệ độc giả, không chỉ trong phạm vi nước Nga mà còn là độc giả trên toàn thế giới. Với những đóng góp của ông cho văn học, ông được đánh giá là một nhà tiểu thuyết có tài, được vinh dự liệt vào hàng các nhà văn lớn nhất thế kỉ XX. Trong số những tác phẩm của ông, không thể không kể đến truyện ngắn “Số phận con người”, đây không chỉ là một tác phẩm phản ánh hiện thực, mang giá trị nhân văn sâu sắc, mà nó còn là tác phẩm đánh dấu cho “chân trời mới” của văn học Nga. Tác phẩm chứa đựng một dung lượng lớn những tư tưởng, nhiều người còn liệt nó vào loại tiểu anh hùng ca. Truyện ngắn xoay quanh cuộc đời và số phận của hai nhân vật Xô- cô- lốp và bé Va- ni- a. Trong đó, nhà văn Sô- lô- khốp đã rất kì công khi xây dựng nhân vật Xô- cô- lốp, đây có thể xem là nhân vật kí thác tư tưởng của nhà văn.
Truyện ngắn này chính là kết quả của cuộc gặp gỡ giữa nhà văn Sô- lô- khốp với nhân vật chính của truyện ngắn này An – đrây Xô- cô- lốp. Theo lời kể của tác giả, chân dung về con người và cuộc đời của Xô- cô- lốp cũng dần dần được hé mở. Trước hết, Xô- cô- lốp hiện lên với hình ảnh của một người lính Xô Viết thực thụ, với những khí phách anh hùng và những chiến công đầy hiển hách. Khi chiến tranh bùng nổ, Xô- cô- lốp đã tình nguyện xung phong đi lính, để lại vợ và ba người con ở hậu phương. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng khắc nghiệt, thể hiện ngay qua những vết thương của anh, chỉ một năm chiến đấu, anh bị thương hai lần, vào tay và chân, không những thế anh còn bị đày đọa trong những trại tập trung của quân đội phát xít. Dù bị quân địch đày đọa nhưng Xô- cô- lốp không chịu đầu hàng mà luôn nhen nhóm ý định phản công. Và khi thời cơ đến, anh đã anh dũng chiến đấu và lập được chiến công hiển hách.
Đó là khi cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt nhất, quân đội phát xít thua to trên mặt trận Xô – Đức, lực lượng của chúng bị tiêu hao nhiều nên phải dùng cả những tù binh để làm lái xe. Và nhân cơ hội đó, Xô- cô- lốp đã cướp xe, bắt sống tên thiếu tá phát xít, chạy về phía quân mình. Chỉ qua những hành động ấy ta có thể cảm nhận được ở An- đrây Xô- cô- lốp một ý chí kiên cường, một sức mạnh phi thường, vì có thể cướp được xe của địch và giết chết được tên thiếu tá hoàn toàn không phải việc dễ dàng. Sự khốc liệt của chiến tranh đã cướp đi mạng sống của người vợ và hai người con thân yêu của Xô- cô lốp. Người con duy nhất, cũng là niềm hi vọng còn lại của anh chỉ còn lại A- na- tô- ni.
Giống như người cha của mình, A- na- tô- ni cũng là một người chiến sĩ anh hùng, từ một học sinh giỏi toán, đi theo tiếng gọi của tổ quốc, A- na- tô ni trở thành một đại úy pháo binh. Hai cha con cùng nhau chiến đấu, vì Tổ quốc nhưng cũng đồng thời là để trả mối thù gia đình. Nhưng đau đớn thay, đến giờ phút thắng lợi của quân đội phát xít thì cũng là giây phút A- na – tô- ni bị một tên thiện xạ Đức bắn chết. Sự ra đi của A- na- tô- ni cũng làm cho người cha như Xô- cô- lốp mất đi người con trai yêu quý, niềm hi vọng cuối cùng của anh. Sau khi giải ngũ, Xô- cô- lốp làm nghề lái xe, tuy cuộc sống vẫn tiếp diễn nhưng lại nhạt nhẽo, vô vị đến đáng thương, bởi cuộc sống của anh giờ đây chỉ còn là duy trì sự sống, đâu còn mục đích, hi vọng gì?
Và số phận cũng mỉm cười với anh, đó là khi anh gặp cậu bé Va- ni- a- một đứa trẻ mồ côi, cha mẹ đều mất bởi chiến tranh, sống lang bạt, không người tựa nương. Và chính tình thương sâu sắc của Xô- cô- lốp dành cho Va- ni- a, và cũng là sự đồng cảm giữa hai con người bất hạnh, lạc lõng giữa dòng đời đã khiến Xô- cô- lốp quyết định nhận nuôi bé Va- ni- a. Trong những lần lái xe về thành phố, Xô- cô- lốp đã gặp Van- ni- a. Và cậu bé này trong ấn tượng của Xô- cô- lốp là “..một thằng bé rách bươm như xơ mướp. Mặt mũi thì bê bết nước dưa hấu, lem luốc, bụi bặm, bẩn như ma lem, đầu óc rối bù”, nhưng trái lại với vẻ tàn tạ của ngoại hình, cậu bé lại có “…cặp mắt- cứ như ngôi sao sáng ngời sau trận mưa đêm”.
Sau khi nghe câu chuyện của Van- ni a. Xô- cô- lốp đã rất xúc động và đưa ra một quyết định, đó là nhận nuôi bé Va- ni-a: “Không thể để cho mình với nó chìm nghỉm riêng rẽ được! Mình sẽ nhận nó làm con”. Quyết định này thật khiến cho người đọc cảm thấy xúc động, bởi ta cảm nhận được ở cả hai con người này sự cô độc đến đáng thương, sự lạc lõng, bơ vơ trước dòng đời. Và sự gắn bó này không chỉ gắn kết giữa hai con người xa lạ, mà trên hết đó chính là sự đồng cảm lẫn nhau, yêu thương lẫn nhau giữa những con người bất hạnh. Và ta cũng có thể cảm nhận thấy ở những con người này được kết nối bởi một sợi dây chung, đó là sợi dây của tình thương.
Tuy bất hạnh đổ ập đến cuộc sống của hai con người này, khiến họ trở nên nhỏ bé, vô vị giữa dòng đời. Nhưng tình thương, hay nói cách khác đó chính là khát khao tình thương ở hai con người này chưa một phút giây nào ngừng cháy. Cũng có lẽ vì vậy mà Xô- cô- lốp lại có thể dễ dàng đồng cảm, yêu quý và đi đến quyết định nhận nuôi Va- ni- a. Còn bé Va- ni- a cũng bởi vậy mà chấp nhận Xô- cô- lốp một cách nhanh chóng, dứt khoát đến vậy. Những lời nói của cậu bé khi nhận Xô- cô- lốp là cha thật khiến cho người đọc cảm thấy bồi hồi, xúc động: “Bố yêu của con ơi! Con biết mà! Con biết thế nào bố cũng tìm thấy con mà! Thế nào cũng tìm thấy mà! Con chờ mãi mong được gặp bố!”.
Cuộc sống của Xô- cô- lốp từ khi có bé Va- ni- a cũng thêm những phần khó khăn hơn, bởi cuộc sống mưu sinh của anh khá vất vả, hàng ngày phải chở hàng khắp nơi, mà đâu phải lúc nào cũng có thể đem theo Va- ni- a. Bởi, từng là một người lính nên cuộc sống có kham khổ đến đâu thì Xô- cô- lốp cũng có thể chịu đựng được “…Chỉ có một mình tôi thì cần gì đâu? Một mẩu bánh mì, một củ hành với một tí muối, thế là đủ no cho một ngày của đời lính”, nhưng Va- ni- a còn là một đứa bé, đâu thể bắt nó chịu khổ cùng anh như vậy. Từ trách nhiệm của một người cha, Xô-cô- lốp không cho phép mình được lơ là, qua quýt với cuộc sống của Van- ni- a. Vì khi anh quyết định nhận nuôi cậu bé cũng là lúc anh dồn hết tình cảm cũng như trách nhiệm của một người cha cho cậu bé.
Hàng ngày, Xô- cô-lốp “…phải mua sữa cho nó, khi thì luộc quả trứng, không có thức ăn nóng cho nó là không xong” nhưng công việc của Xô- cô- lốp gấp rút, bận rộn đâu thể chăm lo từng chút như vậy. Thương con nhưng công việc cũng không thể không làm, vì đó chính là mưu sinh của cả hai cha con. Vì vậy mà Xô- cô- lốp đã để Va- ni- a ở nhà cho bà chủ chăm nom, nhưng có lẽ những cực khổ khi theo xe cha đi làm không đáng sợ bằng việc không được gặp cha. Chẳng những thế mà “ … nó cứ khóc suốt từ sáng cho đến tối, chiều tối chuồn ra kho thóc để tìm”. Ta có thể thấy Va- ni- a không phải đứa trẻ quen được nuông chiều, càng không có tính nhõng nhẽo vì sớm phải sống lang bạt, không có người quan tâm. Việc cậu bé khóc tìm Xô- cô- lốp thể hiện tình cảm sâu sắc của cậu bé dành cho anh. Khóc là sợ phải xa bố, khóc là bởi lo sợ trước viễn cảnh chia li, như những gì nó đã từng trải qua.
Truyện ngắn “Số phận con người” từ đầu đến cuối đều khiến cho người đọc cảm thấy bồi hồi, xúc động. Bởi dù trong hoàn cảnh đau thương nhất, thì con người vẫn luôn dành cho nhau những tình cảm yêu thương chân thành nhất, và tình cảm ấy hàn gắn lại những vết thương, tiếp thêm cho đối phương những động lực để sống, để vươn lên. Và cũng chính tình yêu của Xô- cô- lốp dành cho bé Va- ni- a là thứ tình cảm thiêng liêng, nó tồn tại ngoài tầm hủy diệt của chiến tranh, của bom đạn. Với tất cả những nội dung sâu sắc đó, Sô- lô- khốp xứng đáng là nhà văn tiêu biểu trong số những nhà văn tiêu biểu của văn học thế kỉ XX.