Bài văn phân tích nhân vật Thị Nở trong tác phẩm "Chí Phèo" của Nam Cao số 10
Nam Cao là nhà văn hiện thực xuất sắc của nền văn học Việt Nam, có lẽ vì vậy mà Nam Cao không khoác lên mình của những nhân vật của mình màu sắc lãng mạn, lí tưởng mà lại nhìn nhận họ ở những khía cạnh rất con người, ở chiều sâu bản chất và tính cách.
Trong các sáng tác của Nam Cao, độc giả có thể bắt gặp rất nhiều những nhân vật có ngoại hình xấu xí, dở hơi nhưng bên trong cái diện mạo xù xì, xấu xí ấy lại là những giá trị tốt đẹp, đáng trân trọng.Nhân vật Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo là một trong những nhân vật như vậy.
Dưới ngòi bút của Nam Cao, nhân vật Thị Nở hiện lên là một người phụ nữ xấu xí, dở hơi, nhà lại có mả hủi nên giống như Chí Phèo, Thị Nở bị cả làng Vũ Đại xa lánh, sống cô độc, lủi thủi vô cùng đáng thương. Miêu tả về Thị Nở, nhà văn Nam Cao đã viết “ cái mặt của Thị thực là một sự mỉa mai của hóa công: Nó ngắn đến nỗi mà bề ngang hơn bề dài, …cái mặt hao hao như mặt lợn, cái mũi ngắn to, đỏ vừa sần sùi như quả cam sành”.
Không những thế, Thị Nở lại dở hơi, nghèo khó và nhà có mả hủi, tất cả người dân trong làng Vũ Đại đều ghê sợ và tránh Thị như tránh một con vật “rất tởm”. Đã có không ít những đánh giá cho rằng Nam Cao đã sa vào chủ nghĩa tự nhiên khi miệt thị con người. Tuy nhiên, đó lại là dụng ý nghệ thuật đặc biệt của Nam Cao, tác giả đã miêu tả Thị với những nét xấu xí, thô kệch “ma chê quỷ hờn” như vậy nhằm làm nổi bật lên những giá trị đáng trân trọng bên trong.
Một con người xấu xí, dở hơi như Thị Nở nhưng lại là con người giàu tình thương, thấy Chí Phèo ốm đau mà không có người chăm sóc, Thị đã động lòng thương vì biết nếu mình mà bỏ hắn thì không có ai chịu giúp hắn: “ Mình mà bỏ hắn lúc này thì cũng bạc….Phải cho hắn ăn gì cũng được”. Đến đây, ai có thể ngờ được một con người bị cả làng xa lánh, ghê tởm như Thị lại là người ấm áp, biết quan tâm đến đồng loại như vậy. Hành động của Thị cao cả biết mấy, liệu mấy người tự xưng lương thiện, cho mình quyền kì thị, xa lánh người khác kia có thể làm được.
và sự quan tâm người đàn bà xấu xí ấy đã cảm hóa, làm thức tỉnh phần nhân tính bên trong con quỷ dữ của làng Vũ Đại – Chí Phèo. Tình thương của Thị Nở đã đưa Chí về với con đường lương thiện, trở về với giấc mơ bình dị khi còn trẻ “chồng cày thuê cuốc mướn, vợ dệt vải”.
Nếu Thị Nở là người đã mở ra con đường lương thiện, khát khao hạnh phúc cho Chí Phèo thì cũng Chí cũng chính là người trân trọng Thị nhất, nhờ có Chí, Thị Nở lần đầu trải nghiệm hạnh phúc như bao nhiêu người đàn bà khác. Bát cháo hành của Thị có ý nghĩa thật lớn lao, đó không chỉ là biểu hiện của sự yêu thương, giúp đỡ của Thị đối với Chí mà hơi ấm từ bát cháo hành đã lay động đến phần lương thiện sâu thẳm bên trong con người Chí.
Nó khiến Chí nhớ đến những giấc mơ thời trai trẻ và bắt đầu nhận thức được những sai lầm, tội ác mà mình đã làm. Hơn hết Chí muốn quay trở lại làm người lương thiện, Chí muốn làm hòa với mọi người và Thị sẽ là cầu nối để Chí trở về với con đường lương thiện.
Thị cũng muốn cùng Chí xây dựng lên hạnh phúc nhỏ nhưng định kiến xã hội mãi mãi vẫn không thể buông tha cho hai người. Trước những lời mắng chửi cay nghiệt của bà cô, Thị Nở đã về nhà và trút hết những bực dọc và những ganh ghét ích kỉ mà bà cô nói với mình cho Chí Phèo. Tuyệt vọng vì con đường trở về với lương thiện bị chặn đứng, Chí Phèo đã quyết định giết chết Bá Kiến và tự tử.
Hình ảnh Thị Nở chạm tay vào bụng mang đến cho người đọc liên tưởng về một Chí Phèo con có thể đã định hình trong bụng thị, là dấu hiệu của sự nối tiếp bi kịch.Cuộc đời Thị tiếp theo như thế nào không ai biết vì tác giả cố tình bỏ ngỏ nhưng ta có thể cảm nhận được con đường Thị tiếp tục đi vẫn sẽ còn lắm những khổ đau, cô độc.
Thị Nở là một trong những thành công của Nam Cao khi xây dựng hệ thống nhân vật cho truyện ngắn Chí Phèo. Thị tuy là con người xấu xí, dở hơi bị cả làng ghét bỏ nhưng bên trong con người ấy lại có những vẻ đẹp đáng quý, đáng trân trọng.