Bài văn phân tích nhân vật "Thạch Sanh" số 5
Thạch Sanh là một chàng trai khôi ngô, khỏe mạnh, quanh năm mình trần đóng khố. Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo khổ, cuộc đời Thạch Sanh cũng lắm gian truân.
Thạch Sanh mồ côi cha từ lúc mới sinh. Năm lên bảy tuổi thì mất luôn cả mẹ. Chàng sống lầm lũi một mình bên gốc cây đa, dông tố cuộc đời đến với chàng từ đó. Tứ cố vô thân, gia tài chỉ có mỗi chiếc rìu của cha để lại. Qua thử thách, Thạch Sanh đã bộc lộ phẩm chất quý báu của mình. Đó là tính thật thà, chất phác, cần cù lao động và tinh thần dũng cảm. Lòng cả tin của chàng đã bị mẹ con Lí Thông mưu hại.
Đầu tiên là việc nhận lời kết nghĩa anh em với Lí Thông, bị Lí Thông bóc lột sức lao động. Thạch Sanh đã lấy sức của mình làm giàu cho mẹ con họ Lí. Rồi đến việc mẹ con Lí Thông lừa đi canh miếu thờ để thế mạng. Bằng tài năng và lòng dũng cảm của mình, Thạch Sanh đã diệt được chằn tinh, trừ đi mối họa cho dân làng. Thế những cuộc đời của chàng lại gặp gian nan, trắc trở, Lí Thông cướp công, rồi đuổi đi. Thạch Sanh buồn tủi, nghĩ thân phận của mình thật hẩm hiu. Tuy hoàn cảnh như vậy nhưng Thạch Sanh vẫn giàu lòng vị tha, nhân ái. Chàng lại giúp Lí Thông đi tìm công chúa Quỳnh Nga dưới hang đại bàng.
Cứu được công chúa, Thạch Sanh lại bị Lí Thông hãm hại, bị nhốt trong hang đá. Lòng dũng cảm và tài năng phi thường đã giúp Thạch Sanh vượt qua tất cả. Thạch Sanh chiến thắng đại bàng, cứu thái tử con vua Thủy Tề và được tặng cây đàn thần. Tuy nghèo khó nhưng Thạch Sanh không nhận vàng bạc của vua Thủy Tề ban tặng, chỉ nhận cây đàn rồi về bên gốc đa, tiếp tục vào rừng đốn củi, nuôi thân. Phẩm chất của Thạch Sanh thật đẹp đẽ, cao quý, không sợ hiểm nguy, bất chấp gian khổ để để cứu người mà không cần bổng lộc, sống cuộc sống bằng sức lao động của chính mình, mặc dù cuộc đời đang gặp lắm khổ ải, gian nan. Thạch Sanh là một con người bình thường nhưng cũng rất phi thường. Sức khỏe, tài năng và nghị lực đã giúp Thạch Sanh làm nên chiến công rạng rỡ. Chàng chiến thắng trở về với mảnh đất quê hương nhưng bọn tà gian đâu chịu để yên.
Thạch Sanh lại gặp Lí Thông vì bị vu oan. Lí Thông đã làm ngơ trước oan khúc của Thạch Sanh, chẳng động lòng trắc ẩn mà còn đợi ngày đem Thạch Sanh xử tử. Bằng tiếng đàn, Thạch Sanh đã vạch tội Lí Thông ăn ở bất nhân, bất nghĩa. Tiếng đàn của Thạch Sanh là tiếng nói của người lương thiện đòi công lí. Tiếng nói ấy cũng đã thấu tai vua, Thạch Sanh được giải oan bởi tiếng nói chân chính của mình. Bộ mặt dối trá, lương tâm ác độc của Lí Thông cũng đã lộ ra trước công lí Thạch Sanh lại tha tội cho Lí Thông.
Lòng vị tha của chàng đã đáp lại sự đố kị của Lí Thông. Mẹ con Lí Thông được Thạch Sanh tha tội cho về quê làm ăn nhưng tội ác của họ quá lớn, công lí chẳng dung tha, Lí Thông đã bị thần sét đánh chết, cho hóa kiếp làm bọ hung, đời đời sông trong dơ bẩn. Tính cách và hành động của Lí Thông luôn đối lập với Thạch Sanh.
Thạch Sanh đã chiến thắng Lí Thông rồi chiến thắng quân của mười tám nước chư hầu đem lại sự thịnh trị cho đất nước, hạnh phúc cho muôn nhà. Trong chiến thắng, Thạch Sanh lại thể hiện lòng nhân đạo với kẻ chiến bại, cho cấp mười tám học lương để quân giặc ăn trên đường về nước. Giặc chê ít, Thạch Sanh lại sai đem chiếc niêu của mình thổi về. Giặc ăn mãi không hết, một lần nữa chàng đã quy phục được quân thù.
Xét về nguồn gốc thì Thạch Sanh không phải là người thường. Chàng là thái tử con của Ngọc Hoàng xuống trần gian đầu thai để cứu giúp người trần. Bởi vậy, ở Thạch Sanh có sức người kết hợp với sức thần một cách hài hòa. Đây cũng là ước mơ, niềm tin về đạo đức, công lí xã hội và lí tưởng nhân đạo, yêu hòa bình của nhân dân ta. Hình tượng Thạch Sanh là đại diện cho lớp người lao động cần cù, lương thiện, dũng cảm đấu tranh chống lại kẻ ác và chống quân xâm lược. Chúng ta cần học tập phẩm chất cao đẹp của Thạch Sanh, người dũng sĩ phi thường và giàu lòng nhân ái.