Bài văn phân tích nhân vật bé Thu trong "Chiếc lược ngà" của Nguyễn Quang Sáng số 12
“Chiếc lược ngà” là một trong những tác phẩm đặc sắc của nhà văn Nguyễn Quang Sáng. Truyện được sáng tác năm 1966 tại chiến trường miền Đông Nam Bộ khi nhân dân miền Nam đang kiên cường chống Mĩ. Tác phẩm ca ngợi tình cha con sâu nặng, thiêng liêng trong cảnh ngộ éo le của chiến tranh. Bé Thu, nhân vật chính trong truyện, hiện lên là một cô bé gan lì, bướng bỉnh, có cá tính nhưng cũng rất yêu thương cha.
Bé Thu là con gái đầu lòng của ông Sáu và cũng là đứa con duy nhất của ông. Bé Thu chưa một lần được sống trong vòng tay yêu thương của ba bởi ông Sáu đi kháng chiến biền biệt từ khi em còn rất nhỏ. Trong suốt tám năm ròng của tuổi thơ, bé Thu luôn khao khát được gặp ba nhưng ước mơ nhỏ bé ấy lại không thực hiện được. Em chỉ có thể nhìn thấy người ba trong tấm hình chụp chung với má. Nhưng khi ông Sáu trở về, bé Thu lại không nhận ba và luôn cự tuyệt mọi tình cảm của ông.
Sau hiệp định Giơ-ne-vơ, ông Sáu được nghỉ phép ba ngày để về thăm gia đình. Bé Thu không được báo trước điều này nên khi gặp ba ở bến xuồng, với sự vồ vập xúc động của ba, Thu tỏ ra ngờ vực và hoảng sợ. Cô bé giật mình, tròn mắt khi nhìn thấy một người đàn ông với khuôn mặt đáng sợ cùng vết thẹo dài đỏ ửng tiến về phía mình, vừa nói giọng run run: “Thu, ba đây con”.
Nhưng cô bé lại chạy đi và kêu lên gọi má. Tất cả những hành động đó của bé Thu đều trái với niềm mong mỏi của ông Sáu nhưng lại phù hợp với tâm lý trẻ thơ. Bé Thu không nhận ba vì em chờ đợi một người cha khác, một người cha anh hùng, trẻ đẹp giống như trong tấm hình của má.
Tưởng như đó chỉ là những phản ứng ban đầu của em, rồi sau đấy Thu sẽ vô cùng quấn quýt bên ông Sáu ba mình. Vậy mà mấy ngày sau, bé Thu luôn nhìn ông Sáu với cặp mắt xa lạ, cảnh giác. Ông Sáu càng vỗ về thì cô bé càng đẩy ra xa. Khi má kêu mời ba vô ăn cơm thì cô bé nói trống không, thậm chí gọi ông Sáu là “người ta” với thái độ bực tức.
Khi nồi cơm sôi, cô bé tự chắt nước nồi cơm mà không cần nhờ đến sự giúp đỡ, điều đó cho thấy Thu là một cô bé thông minh, đáo để. Khi ông Sáu gắp cái trứng cá để vào chén, Thu lấy đũa xoi vào chén rồi bất thần hất cái trứng cá ra làm cơm văng tung tóe cả mâm. Bị đánh, cô bé gan lì không khóc mà bỏ sang nhà bà ngoại, khi đi còn cố khua dây xuồng kêu lên thật to như là một sự thách thức.
Những phản ứng của bé Thu ngày càng quyết liệt, từ chỗ ngấm ngầm đến rõ ràng, mạnh mẽ. Nhà văn đã thể hiện cá tính khá đặc biệt của Thu trong một tình huống bất ngờ. Thu cứng đầu nhưng rất thông minh. Sự ương ngạnh của em là hoàn toàn có lý và không đáng trách bởi em không biết vết thẹo trên gương mặt ba là do chiến tranh để lại. Tác giả đã tìm ra được nguyên nhân phù hợp với tâm lý trẻ thơ để nêu lên lý do vì sao Thu không nhận ba.
Điều cảm động ở đây là bé Thu càng phản ứng mạnh mẽ càng cho thấy tình yêu thương ba tha thiết. Em chỉ chấp nhận người ba giống như trong tấm hình với má. Chi tiết vết thẹo không chỉ có giá trị lớn trong việc xây dựng tình huống, bộc lộ tình cảm cha con mà còn có giá trị tố cáo chiến tranh phi nghĩa đã làm chia cắt từng gia đình, khiến người ta đau đớn cả về vật chất lẫn tinh thần.
Câu chuyện dường như rơi vào bế tắc, ba ngày về phép của ông Sáu tưởng như vô nghĩa vì bé Thu bỏ về nhà ngoại. Nhưng đúng lúc ông Sáu lên đường, bé Thu bất ngờ nhận ba. Đêm hôm trước, nghe bà giảng giải về vết thẹo trên mặt ba, Thu nằm im, lăn lộn, thỉnh thoảng lại thở dài như người lớn.
Sáng hôm sau, bé theo bà về nhưng chỉ dám đứng nhìn ba từ xa. Vẻ mặt sầm lại buồn rầu, cái nhìn không ngơ ngác lạ lùng mà có vẻ nghĩ ngợi sâu xa. Đến khi, ông Sáu cất tiếng nói: “Thôi ba đi nghe con” thì tình phụ tử bỗng trỗi dậy mạnh mẽ. Thu kêu thét lên: “Ba…a….a…a”. Tiếng kêu như tiếng xé, xé cả sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người. Đó là tiếng gọi mà cô bé cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng gọi ba như vỡ tung ra từ đáy lòng.
Một loạt những cử chỉ, hành động được Nguyễn Quang Sáng miêu tả cụ thể, sinh động: “Nó nhảy thót lên, ôm lất cổ ba, nó hôn tóc, hôn vai, hôn cổ, hôn cả vết thẹo dài trên mặt ba nó”. Cái vẻ ương ạnh, bướng bỉnh đã biến mất, bây giờ chỉ còn là bé Thu nhõng nhẽo, đang cố ôm chặt lấy ba vì sợ ba đi mất. Rồi cũng rất trẻ con khi Thu nghĩ hai tay không giữ được ba nên dang cả hai chân để ôm chặt lấy ông Sáu.
Đôi vai của nó rưng rưng. Những chi tiết sinh động đầy kịch tính đã diễn tả thành công sự bùng nổ mạnh mẽ, sự đột phá dữ dội của tình cảm. Bao nhiêu yêu thương, mong đợi dồn nén giờ đây vỡ òa trong những giọt nước mắt, giọt nước mắt yêu thương, nghẹn ngào xen lẫn cả sự hối hận.
Thu chỉ được gặp ba một lần duy nhất và sau đó ông Sáu đã ra đi mãi mãi. Tiếng ba mà cô bé đã cất tiếng gọi trở nên thiêng liêng hơn bao giờ hết. Nhưng khi đã hiểu, Thu càng thêm yêu, thêm tự hào về người cha anh hùng để rồi sau này em bước tiếp vào con đường giải phóng dân tộc và trở thành một cô giao liên thông minh và dũng cảm.
Cả đoạn truyện là một bài thơ cảm động về tình cha con bất diệt trong hoàn cảnh éo le của chiến tranh. Bé Thu có nét cá tính ương ngạnh nhưng vẫn là đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ, có tình yêu cha nồng thắm. Qua nhân vật bé Thu, Nguyễn Quang Sáng đã gửi một mong ước giản dị, gần gũi của trẻ thơ là được sống trong vòng tay yêu thương êm ấm của gia đình.