Bài văn phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao số 8
Nếu như trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố thể hiện chân dung vợ chồng Nghị Quế – bọn nhà giàu tham lam độc ác, là tay sai đắc lực cho bọn thực dân Pháp thì nhân vật Bá Kiến trong “Chí Phèo” của Nam Cao hiện lên với chân dung bản chất mang tầm khái quát và điển hình cao hơn. Nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn “Chí Phèo” điển hình cho giai cấp thống trị phong kiến dâm ô, đê tiện, gian tham, lọc lõi, ác độc.
Nam Cao là nhà văn đi theo chủ nghĩa hiện thực, dẫn đầu trong thể tài bi kịch tinh thần của người nông dân Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám. Trong tác phẩm “Chí Phèo” của Nam Cao giá trị tố cáo của tác phẩm không chỉ thể hiện ở trong hiện thực của những người nông dân bị tha hóa mà còn phản ánh qua chân dung của những thế lực bạo tàn đẩy người nông dân vào bi kịch. Nhà văn đã dựng lên chân dung nhân vật Bá Kiến – nhân vật phản diện điển hình cho hàng ngũ thống trị.
Bá Kiến là một con cáo già dâm ô, đê tiện, độc đoán. Vì thói ghen tuông vớ vẩn xuất phát từ sự dâm ô trụy lạc của hắn đã đẩy anh canh điền vô tội vào con đường tội lỗi, cướp đi quyền làm người tối thiểu của Chí Phèo. Sự bắt bớ vu vơ của hắn lại liên quan đến tính mạng của cả một đời người, một kiếp người như Chí Phèo và rồi còn biết bao người khác như Binh Chức…
Bá Kiến là kẻ độc ác, gian tham, luôn có đủ mọi thủ đoạn lọc lõi. Hắn bắt người đi tù khi người ta lương thiện và thả khi người ta thành lưu manh. Điều này được chứng minh khi Chí Phèo ra tù. Vừa ra tù, Chí Phèo đến ngay nhà Bá Kiến để đòi lại “món nợ máu”. Thế nhưng, Bá Kiến đã khôn khéo mua chuộc ngược lại Chí Phèo. Hắn coi mình như Tào Tháo mà còn lọc lõi, nham hiểm hơn cả Tào Tháo.
Với lợi ích cá nhân, hắn “vừa đấm vừa xoa” biến Chí Phèo thành tay sai đắc lực cho hắn. Bá Kiến cho Chí Phèo tiền để mua “thuốc”, cấp cho hắn 5 sào vườn vừa cướp được với túp lều rách. Hắn chẳng nhân đạo gì. Hắn chỉ đang mưu mô “bỏ con cá nhỏ để bắt con cá to”. Hắn sẽ có lợi cả đôi bên: dùng Chí Phèo để đòi nợ Đội Tảo, nếu đòi được nợ thì hắn cũng có lợi, nếu không Đội Tảo sẽ “trị” Chí Phèo.
Bá Kiến là một con quỷ mất hết tính người. Hắn đẩy Chí Phèo đến bước đường cùng thành kẻ lưu manh gớm ghiếc, rồi chính Bá Kiến là kẻ đã cướp đi quyền trở lại làm người của Chí. Chí Phèo xách dao tới nhà Bá Kiến đòi “làm người lương thiện” nhưng đồng thời Chí cũng nhận ra “không thể làm người lương thiện được nữa”, Chí tin chắc chắn rằng kẻ như Bá Kiến sẽ không bao giờ hiểu được khát vọng của Chí.
Chính vì thế Chí giết Bá Kiến. Bá Kiến chết đi như hệ quả tất yếu của quy luật “tức nước vỡ bờ”. Với nhân vật này, Nam Cao đã miêu tả một cách toàn diện xã hội Việt Nam lúc mấy giờ. Trong đó, tác giả lên án đanh thép xã hội “ăn thịt người” mà những con sâu con mọt như Bá Kiến đang ngày đêm đục khoét.
Tóm lại, với hình tượng nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn “Chí Phèo”, Nam Cao đã xây dựng chân dung điển hình cho tầng lớp thống trị đẩy người nông dân đến bước đường cùng. Với việc xây dựng nhân vật điển hình này, Nam Cao đã khắc họa được mâu thuẫn cơ bản của xã hội nông thôn Việt Nam, từ đó lên tiếng tố cáo xã hội, bênh vực và đòi quyền sống cho những người nông dân.