Bài văn phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn "Chí Phèo" của Nam Cao số 6
Bá Kiến là đại diện tiêu biểu cho giai cấp thống trị, trong truyện ngắn Chí Phèo, bằng sự xảo quyệt, tàn bạo, gian hùng mà Bá Kiến đã đẩy bao người vào cảnh tan cửa nát nhà, thậm chí còn khiến cho những người vốn có bản chất lương thiện như Chí Phèo trở nên lưu manh hóa, trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.
Truyện ngắn Chí Phèo là bản cáo trạng chân thực nhất về thực trạng đau khổ của người nông dân Việt Nam trong xã hội phong kiến xưa, mà đại diện cho giai cấp thống trị bạo tàn chà đạp, bóc lột con người chính là Bá Kiến. Bá Kiến là người có địa vị trong làng, với gia thế bốn đời làm tổng lí, bản thân Bá Kiến làm chánh tổng, nghĩa là người đứng đầu của một làng.
Phân tích nhân vật Bá Kiến trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam CaoTrước hết, nhân vật Bá Kiến được tác giả Nam Cao tập trung bút lực xây dựng với nét gian hùng nham hiểm của lão tổng lí mưu mô. Ta có thể thấy được nét tính cách này của Bá Kiến thông qua thủ đoạn mà hắn dùng người.
Trong quan niệm của Bá Kiến, trên đời này chỉ có hai hạng người khiến hắn phải sợ, đó là anh hùng và kẻ cố cùng “thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân”. Vì vậy mà Bá Kiến đã sử dụng những người liều lĩnh lại chẳng có gì để mất như Chí Phèo để trừ khử những kẻ đối đầu với phe cánh của mình. Cũng chỉ qua chi tiết dùng người này thôi cũng cho thấy Bá Kiến là kẻ khôn ngoan róc đời.
Bá Kiến là con người vô cùng xảo quyệt, ném đá giấu tay. Để thực hiện được mục đích của mình hắn ta không ngại sử dụng mọi thủ đoạn, thậm chí là sử dụng những kẻ liều lĩnh như Chí Phèo để thực hiện tội ác cho mình. Hắn ta có thể ngấm ngầm đẩy người ta xuống sông nhưng sẽ không để cho họ chết mà buộc họ phải đền ơn mình.
Hắn cũng có thể đập bàn đập ghế để đòi cho được năm đồng nhưng sau khi đòi được hắn lại vứt xuống năm hào vì thương anh túng quá. Bản chất xảo quyệt, róc đời của Bá Kiến đã từng bước củng cố địa vị của hắn trong làng Vũ Đại, người dân trong làng Vũ Đại không ai không căm ghét cha con Bá Kiến nhưng luôn thường trực nỗi lo sợ vô hình trước quyền lực của hắn.
Bá Kiến là đại diện tiêu biểu nhất của giai cấp thống trị trong xã hội xưa. Bản chất bạo tàn, vô tình của Bá Kiến đã khiến bao người lâm vào cảnh cùng khổ. Hơn nữa, không chỉ gây ra những nỗi khổ về vật chất mà hắn ta còn chà đạp tinh thần, khiến cho những người lương thiện như: Năm Thọ, Binh Chức, Chí Phèo trở nên lưu manh hóa. Chỉ cần thực hiện được mục đích của mình hắn ta cũng không ngại hi sinh những con tốt thế thân như Chí Phèo.
Chỉ vì ghen tuông vớ vẩn mà hắn ta có thể nhẫn tâm mưu mô đẩy một con người vào con đường tù tội. Chí Phèo cũng là nạn nhân của tính ghen tuông, ích kỉ đấy của hắn. Bá Kiến cũng là con người vô cùng khôn khéo, am hiểu lẽ đời, hiểu tâm lí con người, chính vì vậy mà hắn ta có thể dễ dàng điều khiển người khác.
Chí Phèo sau khi ra tù đã đến nhà Bá Kiến với mục đích trả thù, nếu như thói ăn vạ, chửi bới của Chí Phèo có thể khiến cho Lí Cường, con trai Bá KIến tức điên lên và không làm gì được thì cục diện lại thay đổi khi Bá Kiến về nhà. Để trấn áp cơn tức giận của Chí Phèo, Bá Kiến đã nói với giọng thân tình, nhận họ hàng và cho Chí tiền mua rượu. Bằng những mưu mô lọc lừa Bá Kiến đã biến một CHí Phèo hung hăng phải bình tĩnh trở lại, biến ý định trả thù của Chí Phèo thành sự biết ơn của một kẻ không có gì trong tay với người đã giúp đỡ mình.
Chỉ đến lần cuối cùng khi Chí Phèo đến nhà Bá Kiến để trả thù, vì đang trong cơn ghen tuông, bực tức nên Bá Kiến đã không hề nhận ra sự thay đổi trong con người Chí Phèo. Khi nghe Chí Phèo đòi lương thiện hắn ta lại nghĩ đó chỉ là cách Chí đòi tiền như mọi lần. Lưỡi dao của Chí Phèo vung lên, Bá Kiến đã phải trả giá cho mọi tội ác kinh khủng mà hắn đã tạo ra.
Có thể nói tác giả Nam Cao đã rất thành công khi xây dựng nhân vật Bá Kiến, đây là con người gian hùng, độc ác khôn lỏi lẽ đời nhưng cũng là người có bản lĩnh ngoan cường. Thông qua nhân vật Bá Kiến, Nam Cao cũng đã tái hiện chân thực chế độ phong kiến thối nát đã chà đạp lên quyền sống lương thiện của con người.