Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài "Sóng" số 8

Xuân Quỳnh là một trong những gương mặt thơ tiêu biểu thời chống Mỹ cứu nước. Thơ nữ sĩ là tiếng lòng của một người phụ nữ giàu tình cảm yêu thương, vừa hồn nhiên tươi tắn, vừa chân thành đằm thắm, vừa mãnh liệt đầy khao khát trong tình yêu, vừa luôn âu lo về sự phai tàn, đổ vỡ cùng những dự cảm bất trắc. “Sóng” là bài thơ tiêu biểu cho phong cách thơ Xuân Quỳnh, là một minh chứng cho câu nói nổi tiếng của M.Gorki: “Thơ chính là tâm hồn”.


“Sóng” là bài thơ được viết năm 1967 nhân chuyến đi thực tế ở biển Diêm Điền. Khi đó Xuân Quỳnh đã nếm đủ ngọt ngào và cay đắng trong tình yêu, đã vun đắp và trải nghiệm sự tan vỡ. Thế nhưng tình yêu trong sáng ấy vẫn tràn đầy khao khát và khát vọng. Bài thơ được trích ở tập “Hoa dọc chiến hào” và được mệnh danh là một trong những vần thơ tươi xanh viết về thời kì lửa cháy của cuộc chiến tranh cách mạng. Đọc “Sóng”, có lẽ ấn tượng nhất trong lòng bạn đọc là ba khổ thơ về những sắc thái của sóng và cũng là những sắc thái đa dạng của tâm hồn người con gái trong tình yêu. Tương tư là tâm bệnh của đôi lứa muôn đời. “Một trái tim đang nhớ là trái tim đang yêu”. Ca dao xưa có nỗi nhớ tha thiết giữa chàng với nàng:


“Nhớ ai bổi hổi bồi hồi

Như đứng đống lửa, như ngồi đống than

Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ

Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai?”


Thơ ca suy cho cùng hấp dẫn ở những nét riêng. Nỗi nhớ da diết của người con gái trong tình yêu trở nên hấp dẫn suy cho cùng cũng ở nét riêng của nữ sĩ Xuân Quỳnh:


“Con sóng dưới lòng sâu

Con sóng trên mặt nước

Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được

Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”


Thể thơ năm chữ, câu thơ ngắn, nhịp nhanh khiến âm hưởng thơ dào dạt, tựa âm hưởng nhịp sóng. Xuân Quỳnh khéo léo sử dụng phép nhân hóa để biến những con sóng trở thành chủ thể của một trái tim yêu nồng nàn. Điệp từ “sóng” xuất hiện liên tiếp trong ba dòng thơ vừa gợi hình những con sóng thương nhớ dâng lên dào dạt hết lớp này đến lớp khác trong trái tim yêu của người phụ nữ vừa gợi ra cái miên man sâu lắng của nỗi nhớ thương. Nỗi nhớ hiện diện trong sự tương phản của hình ảnh, không gian “lòng sâu - mặt nước”, của thời gian “ngày - đêm”. Đó là nỗi nhớ thăm thẳm lòng sâu, mênh mang mặt nước, dằng dặc đêm ngày.


Nữ sĩ mượn sóng để nói lời tình yêu nhưng sóng cũng không nói hết được chiều sâu và sự mãnh liệt của nỗi nhớ nên nhân vật trữ tình đã xuất hiện trực tiếp để bày tỏ lòng mình:


“Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”


“Thức” là thao thức, có một nỗi nhớ không bao giờ ngủ yên trong trái tim thao thức Xuân Quỳnh. “Thức” còn là tiềm thức bao la, là nỗi nhớ vượt qua cả cõi thực và mộng. Như vậy, nỗi nhớ không chỉ xuyên qua ở tầng ý thức mà còn ăn sâu vào tiềm thức để ẩn hiện trong mỗi giấc mơ. Cái dào dạt sôi trào, cái da diết sâu lắng của nỗi nhớ thương đã khiến cảm xúc tràn bờ, tăng dung lượng từ bốn lên sáu dòng thơ, làm bật lên cái tận cùng của nỗi nhớ. Với những dòng thơ này, Xuân Quỳnh đã phá vỡ các giới hạn, dẫn đọc giả vào cõi vô biên của tâm hồn con người đang yêu.


Tình yêu luôn luôn phải đối diện với bao thử thách, trong đó có sự cách trở về thời gian và không gian. Vì thế, lứa đôi ngày xưa, với sức mạnh của tình yêu đã đinh ninh lời thề nguyền “trăm năm một chữ đồng đến xương”, lại quyết tâm vượt qua thử thách “tam tứ núi cũng trèo, ngũ lục sông cũng lội, thất bát nghèo cũng qua” để được hạnh phúc đời đời bên nhau. Còn các nhân vật trữ tình “em” trong thơ Xuân Quỳnh thì:


“Dẫu xuôi về phương Bắc

Dẫu ngược về phương Nam

Nơi nào em cũng nghĩ

Hướng về anh - một phương”


Nhà thơ đã đặt khái niệm phương anh cạnh phương Bắc, phương Nam để phân biệt hai không gian địa lý và tình yêu. Nếu trong địa lý có bốn phương tám hướng thì không gian tình yêu trong “em” chỉ có biết một phương duy nhất là “phương anh” mà thôi. Hai chữ rất đỗi yêu thương ấy đã khẳng định bản chất của tình yêu chân chính. Phép đối lập “ngược - xuôi” vừa gợi sự tất bật, lo toan, vừa thể hiện một tình yêu bền vững được thể hiện qua hành trình lên thác xuống ghềnh, xuôi Bắc ngược Nam. Đâu đó thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ lấy điểm tựa là tình yêu để lo toan xuôi ngược trên những hành trình khác nhau của cuộc đời. Xuân Quỳnh đã viết lên những vần thơ ngũ ngôn có nhạc điệu ngân vang tha thiết, có hình tượng “sóng” và “em” rất đẹp cùng những ẩn dụ đầy tính nhân văn. Cấu trúc song hành kết hợp với các điệp ngữ đã tạo nên âm điệu triền miên, liên hồi như tiếng sóng vỗ xôn xao, bồi hồi trong lòng “em”. Một nét độc đáo của bài thơ “sóng” là luôn có sự sóng đôi, song hành giữa hình tượng “sóng” và “em”. Song hành như thế để cộng hưởng, để ngân vang:


“Ở ngoài kia đại dương

Trăm ngàn con sóng đó

Con nào chẳng tới bờ

Dù muôn vàn cách trở”


Ở bất cứ nơi nào, dù xa cách bao nhiêu, dẫu cuộc đời đảo điên đến đâu em cũng hướng duy nhất về phương anh mà thôi. Trở về bờ là quy luật tự nhiên của muôn ngàn con sóng, mãi hướng về anh là lẽ sống của trái tim em. Những từ “trăm ngàn”, “chẳng”, “dù” cùng với kết cấu quan hệ trái ngược giữa điều kiện và sự việc, Xuân Quỳnh đã bộc lộ niềm tin về bến đỗ của tình yêu đích thực, của hạnh phúc sau những trắc trở đắng cay. Trở về bờ, sóng ru mình trong yên ả, êm ả. Về bên anh, “em” đắm mình trong hạnh phúc ngọt ngào. Mặc dù, khi viết bài thơ này, Xuân Quỳnh đã nếm trải vị đắng trong tình yêu nhưng trái tim khao khát của nữ sĩ vẫn luôn dào dạt một niềm tin tưởng vào tình yêu chân chính.


Nỗi nhớ, sự thủy chung và niềm tin lớn lao của người con gái trong tình yêu ấy đã thể hiện cá tính đậm nét của Xuân Quỳnh trong thơ cũng như trong đời sống, mãnh liệt mà đằm thắm, táo bạo nhưng vẫn giàu nữ tính. Xuân Quỳnh bao giờ cũng dám sống thật với mình, sống thật với cá tính của mình. Vì vậy, tình yêu trong “Sóng” trở thành tiếng nói nhân bản của con người lúc bấy giờ.


Được viết bởi những tình cảm và tâm tư chân thật nhất của tác giả Xuân Quỳnh, khi đọc “Sóng” người trẻ như tìm được tiếng nói chung, như tìm được nơi để dốc bầu tâm sự. Hơn nửa thế thế kỷ trôi qua, bài thơ “Sóng” cùng những giá trị nhân văn cao cả của nó vẫn ghi một dấu ấn khó phai mờ trong lòng độc giả.

Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài
Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài "Sóng" số 8
Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài
Bài văn phân tích khổ thơ 5,6,7 bài "Sóng" số 8

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |