Bài văn phân tích khổ 2 bài thơ Viếng lăng Bác số 7
Sinh thời Bác vẫn luôn nhớ tới miền Nam, ngày đêm thương nhớ nơi đây, Bác xem miền Nam là niềm vui, niềm hạnh phúc, cũng là nỗi đau mà không lúc nào nguôi, miền Nam luôn ở trong trái tim Bác. Niềm thiết tha mong mỏi của Bác là miền Nam nhanh được giải phóng, đất nước 2 miền sum họp để người có dịp được vào thăm miền Nam. Và miền Nam cũng thế, ngày đêm mong thương nhớ và mong Bác, muốn được gặp Bác và như nhà thơ Tố Hữu viết:
“Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà
Miền Nam nhớ Bác nỗi mong cha”
Nhưng tiếc thay khi nước non được sum họp một nhà thì Bác đã ra đi. Niềm mong nhớ và tiếc thương Bác của đồng bào cả nước và đặc biệt là người dân miền Nam được dồn nén bao nhiêu năm đã được nhà thơ Viễn Phương thể hiện một cách sâu sắc và thấm thía, thành kính và thiêng liêng trong bài thơ “Viếng lăng Bác”. Bài thơ không chỉ thể hiện dòng cảm xúc trào dâng của nhà thơ mà còn thể hiện hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh bằng hình ảnh quen thuộc vừa giàu sức khái quát vừa lung linh gợi cảm. Bằng cảm xúc chân thực và lời thơ gợi cảm ấy Viễn Phương đã nói hộ chúng ta chân lý “Bác Hồ sống mãi trong lòng nhân dân ta trong sự nghiệp của Đảng, của nhân dân.
Mạch cảm xúc của bài thơ chính là cảm xúc chung của con dân miền Nam khi ra thăm lăng Bác. Khi tác giả đứng ở ngoài nhìn cảnh vật đã thấy bồi hồi, xúc động nhưng khi càng tiến dần vào lăng Bác thì ta càng thấy tình cảm của tác giả được thể hiện rõ hơn qua khổ thơ thứ 2 đó là cảm xúc của Viễn Phương.
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ
Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.”
Ở hai câu thơ thứ đầu, ta thấy tác giả nhắc tới 2 “mặt trời”. “Mặt trời trên lăng” đó chính là vầng thái dương của vũ trụ, là mặt trời thực, còn “mặt trời trong lăng” đó là hình ảnh ẩn dụ cho Bác. Trước đây đã có nhiều tác giả ví Bác là mặt trời như Tố Hữu đã từng viết:
“Người rực rỡ như mặt trời cách mạng
Mà đế quốc là loài dơi hốt hoảng
Đêm tàn bay chập choạng dưới chân người”
Nhưng cái sáng tạo và mới lạ là đã kết hợp các hình ảnh ẩn dụ “mặt trời” với phép nhân hóa. Nếu như mặt trời thực chói lọi, bao la, rực rỡ mà vẫn phải người mộ trước vẻ đẹp nhân cách và trí tuệ Hồ Chí Minh. Bằng cách so sánh Bác với “mặt trời” thì tác giả vừa ca ngợi sự vĩ đại vừa nhấn mạnh được tư tưởng ngời sáng của Bác, vừa bộc lộ được lòng tôn kính của người đối với nhân dân, của nhà thơ đối với Bác Hồ.
“Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng
Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ”
Cảm nhận về hai câu thơ đầu của khổ 2 thì giáo sư Trần Đình Sử có viết: “ví Bác như mặt trời là hình ảnh đã quen nhưng đem so sánh với mặt trời trên lăng với mặt trời trong lăng là một sáng tạo mới, xuất thần, mà chưa hề có. Mặt trời rất đỏ làm nhớ tới trái tim nhiệt huyết, chân thành, trái tim thương nước, thương dân”
Như vậy dù dùng những hình ảnh quen thuộc nhưng với trái tim chân thành và sáng tạo của mình đã khiến hình ảnh thật đẹp và độc đáo.
Tác giả còn miêu tả lần lượt mọi người vào lăng:
“Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ
Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.”
Đối chiếu với hai câu thơ trên, tác giả sử dụng điệp từ “ngày ngày” có nghĩa là ngày tiếp ngày, tháng tiếp tháng, vòng tuần hoàn vô tận của thời gian. Trong cái vòng tuần hoàn của thời gian ấy, thì đoàn người nối nhau để vào viếng lăng Bác. Với thể thơ 8 chữ được viết xuyên mạch thì ở câu cuối của khổ 2 tác giả đã viết thành 9 chữ làm cho câu thơ dài, khiến cho nhịp thơ chậm, lại kết hợp hình ảnh ẩn dụ và sáng tạo, từ ngữ giàu sức biểu cảm miêu tả cảnh đoàn người vào lăng viếng Bác với lòng thành kính và biết ơn sâu sắc. Tình cảm nhớ thương của nhân dân sẽ không bao giờ dứt mà nó kéo dài bất tận như thời gian vậy. Một người là một bông hoa thì đoàn người là tràng hoa dâng lên Bác.