Bài văn phân tích hình tượng nhân vật bé Liên trong Hai chị em của Thạch Lam (số 9)
Văn học trung đại Việt Nam khép lại ở cuối thế kỉ XIX nhường lối cho văn học hiện đại phát triển. Thời kì này thể loại văn xuôi thành công nhất được kết tinh ở tiểu thuyết và truyện ngắn. Nhắc đến truyện ngắn ta phải nhắc đến Thạch Lam_ “Cây bút có biệt tài về truyện ngắn”. Đặc trưng truyện ngắn của Thạch Lam là truyện không có chuyện song vẫn có sức lôi cuốn riêng, con người hiện thực dưới cái nhìn và ngòi bút của ông “không dữ dội như Chí Phèo, Lão Hạc của Nam Cao hay bị đày đọa như chị Dậu của Ngô Tất Tố” nhưng vẫn để lại cho người đọc ấn tượng sâu sắc. Và nhân vật Liên trong truyện ngắn “Hai đứa trẻ” là con người như thế. Một con người có một tâm hồn tinh tế và nhạy cảm được nhà văn quan sát và thể hiện qua diễn biến tâm trạng của cô từ lúc chiều tối cho đến đêm khuya với hai trạng thái cơ bản là nỗi buồn triền miên và niềm vui thoáng chốc khi đoàn tàu đến.
Liên và An hai nhân vật chính của câu chuyện đã một thời từng sống ở Hà Nội với biết bao điều vui tươi, mới mẻ kể từ khi cha cô bị mất việc cả nhà lâm vào hoàn cảnh khó khăn phải chuyển về quê_ nơi phố huyện nghèo để sinh sống. Hai chị em được mẹ giao cho việc trông nom cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu có dán giấy nhật trình. Hàng bán là mấy thứ vặt vạnh như: bánh xà phòng, bao diêm hay gói thuốc … để mong kiếm ít thu nhập phụ giúp gia đình nhưng chẳng đáng là bao.
Liên là một cô gái mới lớn luôn mang trong mình một tâm hồn nhạy cảm trước cảnh vật xung quanh và những con người nghèo khó. Trong truyện tác giả đi sâu vào khai thác thế giới nội tâm nhân vật, được thể hiện rõ nét qua diễn biến tâm trạng của cô ở tại mỗi thời điểm.
Trước tiên là nỗi buồn. Cô buồn khi nào? Ngay từ khi vào truyện tác giả đã gợi nhắc nỗi buồn của cô gái có tâm hồn tinh tế qua việc tả cảnh chiều tà. Cô buồn khi một ngày sắp qua đi được báo hiệu bằng tiếng trống thu không vang vọng rời rạc từng tiếng một. Buồn khi nghe tiếng muỗi vo ve, tiếng ếch nhái kêu ran ngoài đồng ruộng theo gió nhẹ đưa vào. Buồn khi bóng tối lan dần bởi “dãy tre làng trước mặt đen lại” trên bầu trời là ánh hoàng hôn rực rỡ ở phía Tây như lửa cháy và đám mây ánh hồng như hòn than sắp tàn điểm thời khắc của màn đêm buông xuống có mùi của ẩm mốc và hơi nóng ban ngày bốc lên hòa quện vào nhau tạo thành mùi của cát bụi, mùi của quê hương. Không chỉ vậy cô buồn khi phải chứng kiến những mảnh đời nghèo khó sống đơn điệu xung quanh mình. Đó là mẹ con chị Tí với công việc của ban ngày là mò cua bắt tép, tối thì trông chờ vào gánh nước chè. Đó là những đứa trẻ con nhà nghèo “lom khom” nhặt nhạnh thanh nứa, thanh tre hay bất cứ thứ gì còn dùng được của người bán hàng bỏ lại. Rồi cả bà cụ Thi “một bà già hơi điên” hay ra chỗ Liên mua rượu đi ra từ bóng tối và cũng trở về với bóng tối trong tiếng cười khanh khách nhỏ dần về phía làng.
Tất cả những cảnh vật ấy, con người ấy đều gợi lên cảm giác về sự tàn lụi, khơi sâu vào nỗi buồn thăm thẳm khiến cho Liên ngồi yên lặng để quan sát “đôi mắt chị bóng tối gập dần dần và cái buồn của buổi chiều quê thâm thía vào tâm hồn ngây thơ của chị. Liên không hiểu sao nhưng chị thấy lòng buồn man mác trước cái giờ khắc của ngày tàn”. Nỗi buồn man mác ấy thật khó diễn tả thành lời. Liên cảm nhận nỗi buồn xa xăm, sâu sắc đang lan tỏa khắp không gian cho thấy một tâm hồn nhạy cảm, ánh lên vẻ đẹp tình yêu quê hương đất nước và tình thương của tác giả dành cho những người nông dân nghèo khổ.
Nỗi buồn của Liên không chỉ dừng lại ở đó mà còn nhân lên gấp bội lần khi bóng đen bao phủ không gian trong đêm tối “Tối hết cả con đường thăm thẳm ra sông, con đường qua chợ về nhà, các ngõ vào làng lại càng sẫm đen hơn nữa”. Trên trời hàng ngàn ngôi sao lấp lánh. Dưới mặt đất, những con đom đóm bay là là. Không gian vắng lặng, bình yên đến tĩnh mịch, u buồn bởi “Các nhà đều đóng cửa im ỉm, trừ một vài cửa hàng còn thức chỉ hé ra một khe sáng”. Liên thu vào trong tầm mắt của mình tất cả cảnh vật nơi đây để rồi cô nhận ra những đốm sáng leo lét, yếu ớt không những không làm cho bầu trời thêm sáng mà càng trở nên tăm tối hơn cũng giống như những kiếp người sống lay lắt của cư dân nơi phố huyện. Là ánh sáng leo lét của bác phở Siêu, ngọn đèn vặn nhỏ thưa thớt từng hột sáng của chị em Liên, và “tất cả phố xá trong huyện đều thu nhỏ lại nơi hàng nước của chị Tí”. Những con người ấy cứ lặp đi lặp lại một cuộc sống đơn điệu, nhàm chán ngày qua ngày để cầm cự, chống chọi với thời gian. Đúng như Huy Cận đã từng viết: “Quẩn quanh mãi cũng vài ba dáng điệu/ Tới hay lui vẫn chừng ấy mặt người”. Vẫn là mẹ con chị Tí ngồi dưới gốc bàng với bát nước chè xanh, vẫn là chị em Liên hay những đứa trẻ con nhà nghèo không được hưởng tuổi thơ trọn vẹn, vẫn là gia đình bác Siêu trông chờ vào gánh phở ế ẩm gánh đi rồi lại gánh về như “một chấm lửa nhỏ và vàng lơ lửng đi trong đêm tối, mất đi rồi lại hiện ra” bởi món hàng của bác cũng là một thứ quà xa xỉ của những người dân cơ cực. Vẫn là gia đình bác xẩm một mảnh đời vất vả với manh chiếu rách, cái thau trắng trước mặt để chờ đợi những giọt hạnh phúc hi hữu rơi xuống. Những kiếp người lay lắt, tội nghiệp với cuộc sống tẻ nhạt không tương lai, không lối thoát. Liên ngậm ngùi cảm thương cho số phận của họ, cô cũng thương cho chính mình phải chịu cảnh buồn tẻ.
Tuy nhiên cuộc sống không chỉ toàn là nỗi buồn mà còn có những niềm vui ánh lên ước mơ, cho ta hy vọng ở một ngày mai tươi sáng. Tâm trạng của Liên được thay đổi trở nên tươi mới hơn khi đoàn tàu đến. Đoàn tàu mang một thế giới khác, một trạng thái cảm xúc khác cho chị em Liên và những cư dân phố huyện. Liên và An đợi tàu trong tâm trạng háo hức, chờ đợi mòn mỏi đêm nào cũng để ngắm nhìn đoàn tàu đi qua rồi mới ngủ. Thằng bé An dù đã buồn ngủ ríu mắt vẫn nhắc “Tàu đến chị đánh thức em dậy nhé”. Trong lòng chúng luôn mong chờ một điều gì đó chứ không phải là mong bán được hàng như lời mẹ dặn. Cũng như lũ trẻ người dân phố huyện cũng mong muốn được nhìn thấy đoàn tàu bởi nó mang một thế giới khác hẳn với ánh sáng của ngọn đèn chị Tí, ngọn lửa bác Siêu hay hột sáng thưa thớt của đèn chị em Liên. Những ánh sáng ấy rực rỡ, kiêu xa xua đi màn đêm tăm tối. Có làn khói bừng trắng lên đằng xa, các toa đèn sáng trưng, đồng và kền lấp lánh và các cửa kính sáng, rồi những đốm than đỏ bay tung trên đường sắt. Thứ ánh sáng ấy khiến cả phố huyện sáng rực, cả vũ trụ như được hồi sinh sống lại bởi những âm thanh nhộn nhịp tiếng còi từ xa vọng lại, tiếng xe rít mạnh vào ghi, tiếng tàu rầm rộ đi tới, tiếng hành khách nói chuyện… làm tan đi cái không khí ảm đạm, vắng vẻ của phố huyện. Liên cũng như bao người dân vui mừng và hạnh phúc, hi vọng cũng đưa cô mơ về một Hà Nội xa xăm, hồi tưởng lại quá khứ tươi đẹp khi gia đình cô còn dư giả ở thị thành nhộn nhịp
Chuyến tàu như một giấc mơ, một vệt sao băng sáng lóe trên bầu trời tăm tối và lặng im nơi cô đang sống. Chuyến tàu cho cô và những con người nơi đây một ước mơ, một niềm vui, một khát vọng ở tương lai tốt đẹp hơn. Chi tiết đó đã thể hiện cho tuyên ngôn của Thạch Lam về văn chương mà ông đã từng phát biểu: "Đối với tôi, văn chương không phải một cách đem đến cho người đọc sự thoát ly hay sự quên, trái lại, văn chương là một thứ khí giới thanh cao và đắc lực mà chúng ta có, để vừa tố cáo và thay đổi một cái thế giới giả dối và tàn ác, vừa làm cho lòng người đọc thêm trong sạch và phong phú hơn". Giá trị nhân đạo của truyện cũng nằm ở đây trong cái tăm tối cùng cực, bế tắc con người vẫn phải không ngừng vươn lên, không ngừng hy vọng, ước mơ để có một cuộc sống tươi sáng hơn ở tương lai.
Niềm vui trong phút chốc thoáng qua nhưng để lại biết bao dấu ấn, kỉ niệm trong tâm hồn Liên. Khi chuyến tàu qua đi tâm trạng của Liên là nuối tiếc “hai chị em còn nhìn theo cái chấm nhỏ của chiếc đèn xanh treo trên toa sau cùng, xa xa mãi rồi khuất sau rặng tre” cũng là lúc cô trở về với nỗi buồn của bóng đêm “cảm giác ban ngày lắng đi trong tâm hồn Liên và hình ảnh thế giới quanh mờ mờ đi trong mắt chị” khi đã chìm vào giấc ngủ trong đêm khuya.
Diễn biến tâm trạng nhân vật Liên được nhà văn đi sâu lột tả, khám phá thật sâu sắc tỉ mỉ qua từng thời điểm khi buồn man mác, khi ngậm ngùi chua xót, khi háo hức mong chờ, khi hạnh phúc và hy vọng. “Ông tả nội tâm nhân vật tài tình, nhuần nhị, tinh tế” với văn phong lãng mạn, giàu chất thơ những câu văn mềm mại, êm dịu mà không thoát li hiện thực. “Về bút pháp, có thể nói Thạch Lam mở đầu cho một giọng điệu riêng: trữ tình hướng nội trong truyện ngắn” nhân vật Liên với những xúc cảm mong manh đã minh chứng cho tài năng của ông.