Bài văn phân tích hình tượng người lính số 9
Quang Dũng là một nhà thơ chiến sĩ với hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu của một con người tài hoa, đa tài. Tây Tiến là bài thơ tiêu biểu cho đời thơ Quang Dũng, là kết tinh của những trải nghiệm trong cuộc đấu tranh chống Pháp cùng những người đồng đội trong binh đoàn Tây Tiến. Thành công nổi bật của của bài thơ là xây dựng được hình tượng người lính Tây Tiến vừa mang dáng dấp của những người chiến sĩ thuở trước, vừa mang những vẻ đẹp hiện đại của những người chiến sĩ chống Pháp, kiên cường nhưng cũng rất đỗi hào hoa, phong nhã.
Đọc Tây Tiến, có ý kiến cho rằng “người lính ở đây có dáng dấp của tráng sĩ thuở trước". Ý kiến khác thì nhấn mạnh “Hình tượng người lính mang đậm vẻ đẹp chiến sĩ thời kháng chiến chống Pháp”. Hai ý kiến tưởng chừng đối lập nhưng hoàn toàn thống nhất bởi nó đều là những nét đẹp đặc trưng trong hình tượng của những người lính Tây Tiến. “Dáng dấp của tráng sĩ thuở trước” là những nét đẹp lí tưởng mang tính ước lệ của văn chương trung đại, “mang đậm vẻ đẹp của người chiến sĩ thời chống Pháp” lại hướng đến những nét đẹp hiện đại của những người chiến sĩ vệ quốc quân thời kháng chiến chống Pháp.
Trước tiên, hình tượng người lính Tây Tiến hiện lên với dáng vẻ oai phong, lẫm liệt cùng tinh thần xả thân tự nguyện, tư thế ngang tàng, ngạo nghễ coi cái chết nhẹ tựa hồng mao:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
..............
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Hình tượng người lính Tây Tiến được đặt trong không gian đầy hào hùng, cổ xưa gợi cho độc giả liên tưởng đến không gian bi hùng cổ xưa, nơi những chiến binh anh hùng ra đi vào cuộc trường trinh, vào nơi lam chướng nghìn trùng. Trong bài thơ Tây Tiến, tác giả Quang Dũng đã sử dụng hàng loạt những từ ngữ Hán Việt “biên cương”, “mồ viễn xứ”, “áo bào” để làm tăng tính trang trọng, để làm cho sự ra đi của người lính giảm bớt đau thương, thiêng liêng hóa cho sự hi sinh thầm lặng đó.
Không gian chiến trường trong bài thơ Tây Tiến hiện lên là miền viễn xứ chốn biên ải, đây là nơi chiến đấu, cũng là nơi mãi mãi nằm xuống của những người lính vô danh, họ đã dâng hiến cả cuộc đời, cả tuổi xanh cho sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ tổ quốc “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Trong sự thiếu thốn của hoàn cảnh, manh áo không lành lặn trên người của những người lính ấy cũng chính là “áo bào”để “thay chiếu anh về đất”. Tuy nói về cái mất mát, hi sinh đấy nhưng nhờ sử dụng ngôn ngữ trang trọng, hình ảnh ước lệ mà sự hi sinh ấy trở nên thật thiêng liêng, cao đẹp.
Không chỉ mang vẻ đẹp của những người chiến binh xưa mà những người lính Tây Tiến còn mang trong mình vẻ đẹp của những người chiến sĩ giải phóng của thời chống Pháp, hào hùng, kiên cường nhưng rất đỗi hào hoa, lãng mạn. Những người lính trong binh đoàn Tây Tiến chiến đấu với tinh thần vệ quốc của cuộc kháng chiến chống Pháp, quyết hi sinh, dâng hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp lớn của đất nước:
“Người đi Tây Tiến không hẹn ước
.............
Hồn về Sầm Nứa, chẳng về xuôi”
Sống trong hoàn cảnh khắc nghiệt, thiếu thốn về vật chất, hiểm nguy trong chiến đấu với cái chết kề cận nhưng những người lính ấy chưa từng thoái chí, sờn lòng mà luôn lạc quan, vui vẻ thể hiện được sức sống căng tràn của những chàng trai Hà Thành lãng mạn, mộng mơ:
“Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”
Cuộc sống quân ngũ gian khổ nhưng những người lính vẫn một lòng hướng về biên giới với tinh thần đấu tranh quyết liệt, mạnh mẽ với kẻ thù. Cùng với sự kiên cường, quả cảm trong chiến đấu là những phút lãng mạn, hào hoa của những chàng trai khi nhớ về bóng dáng kiều thơm. Những người lính trong tây Tiến mang vẻ đẹp hào hùng của những người lính vệ quốc nhưng cũng thể hiện những nét đẹp tươi trẻ, nghịch ngợm của những chàng trai đôi mươi đầy lãng mạn, mộng mơ. Cũng chính tinh thần lạc quan, yêu đời cùng những cảm xúc hào hoa, lãng mạn ấy đã mang đến doanh trại – nơi vốn trang nghiêm với những kỉ luật thép trở nên thật rực rỡ, ấn tượng với “hội đuốc hoa”.
Hình tượng những người lính Tây Tiến cũng được gắn liền với sự kiện lịch sử có thật, đó chính là cuộc hành binh của những người lính Tây Tiến, những địa danh xuất hiện trong bài thơ cũng là những địa danh có thực, ngôn ngữ thơ cũng thật bình dị như lời thì thầm tâm sự của những người lính.
Như vậy, hai ý kiến nhận định về bài thơ Tây Tiến nhìn bên ngoài có vẻ đối lập nhưng hoàn toàn thống nhất vì cùng hoàn thiện cho vẻ đẹp của người lính Tây Tiến, vừa kiên cường, quả cảm vừa lãng mạn hào hoa.