Bài văn phân tích hình tượng người lính số 8
Đề tài người lính trong chiến đấu luôn là một đề tài bất tận của thơ ca kháng chiến. Hình ảnh người lính trong cảm nhận của mỗi nhà thơ có sự khác nhau. Với Chính Hữu, người lính hiện lên hết sức giản dị, mộc mạc nhưng có một tâm hồn cao đẹp, họ có chung một tình dân tộc, cùng lí tưởng chiến đấu. Hình ảnh đấy được thể hiện hết sức sâu sắc và cảm động trong bài thơ “Đồng chí” sáng tác năm 1948.
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
Hình ảnh người lính hiện lên hết sức chân thực. Họ là những người lính xuất phát từ những người nông dân tảo tần, quanh năm vất vả trên ruộng đồng. HÌnh ảnh “nước mặn đồng chua” và “đất cày sỏi đá” được tác giả sử dụng để chỉ những vùng đất khó khăn, khô cằn. Việc sử dụng biện pháp lặp cấu trúc trong hai câu thơ trên để diễn tả sự tương đồng về hoàn cảnh xuất thân. Họ đều đến từ những miền quê gian khổ ấy, là những người nông dân cần cù, lam lũ, chân lấm tay bùn, vậy nên cách mà họ thổ lộ tâm sự, nói chuyện với nhau đều hết sức dân dã và mộc mạc đúng như cái chất của người nông dân. Những miền quê xa xôi của Tổ quốc lại hội tụ về đây trong một hoàn cảnh đặc biệt: chiến tranh nổ ra, họ đành gác lại cuộc sống cơm áo để lên đường bảo vệ quê hương dân tộc, vì vậy mà:
Anh với tôi đôi người xa lạ
Tự phương trời không hẹn mà quen nhau.
Họ cùng chung mục đích, lí tưởng chiến đấu, chính những điều đó đã mang họ lại nơi đây, họ trở thành những người bạn, người đồng đội, đồng chí cùng nhau chia sẻ ngọt bùi và gian khổ.
Súng bên súng đầu sát bên đầu
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ
Tri kỉ là những người cùng bên nhau chia ngọt sẻ bùi, cùng bước qua những ngày tháng khốn khó và trong hoàn cảnh chiến đấu này, họ gọi nhau bằng hai tiếng thiêng liêng: Đồng chí. Dòng thơ thứ bảy như một nhịp ngắt, một nốt trầm tĩnh lặng, một không khí thiêng liêng cho những người lính. Họ về đây theo tiếng gọi của non sông dân tộc, từ nay họ cùng nhau chiến đấu cho một lí tưởng cao cả. Bỏ lại sau lưng là quê hương, gia đình, là những mảnh ruộng nương dâu chờ ngươi chăm bón, họ cùng nhau chung sức chung lòng để giữ đất nước trước mối họa xâm lăng, tình yêu dân tộc đã lớn hơn tất cả.
Không chỉ có vậy, hình ảnh người lính hiện lên với những vẻ đẹp của đời sống tâm hồn, tình cảm, là sự thấu hiểu những tâm tư, nỗi lòng của nhau, cùng chia sẻ những gian lao, thiếu thốn. Trong những tháng ngày chiến đấu nguy nan, họ cùng nhau vượt qua những cơn sốt rét giữa rừng thiêng nước độc, cuộc sống đầy thiếu thốn, gian khổ nơi chiến trường:
Áo anh rách vai
Quần tôi có vài mảnh vá
Miệng cười buốt giá
Chân không giày
Nhờ tinh thần kiên cường chiến đấu, họ vẫn toát lên tinh thần lạc quan, mỉm cười để cùng nhau vượt quan thử thách, khó khăn trùng điệp. Trong khó khăn, tình người càng thêm ấm áp và tỏa sáng “thương nhau tay nắm lấy bàn tay. Cái nắm tay để truyền thêm hơi ấm, để động viên nhau cùng vượt qua gian khó, thiếu thốn. HÌnh ảnh đẹp ấy thật cảm động và ấm áp, cái nắm tay tuy không đủ để sưởi ấm cho cơ thể của người lính nhưng cũng đủ để sưởi ấm trái tim, để xua đi những nối nhớ quê hương, gia đình.
Đáng trân quý ở những người lính bộ đội cụ Hồ còn là sự yêu thương, đoàn kết, kề vai bên nhau cùng chiến đấu. Giữa rừng hoang sương muối, cái giá lạnh trong đêm như thấm từng thớ thịt, họ cùng đứng bên nhau để làm nhiệm vụ, canh giữ sự bình yên cho đất nước. Hình ảnh cuối bài “Đầu súng trăng treo” là một hình ảnh đẹp, là nhãn tự cho cả bài thơ, một sự kết hợp hài hòa giữa súng và trăng. Súng tượng trưng cho hiện thực cho cuộc chiến tranh khốc liệt và gian khổ, trăng là thơ mộng, là bình yên, là ánh sáng soi đường cho người lính trong đêm khuya. Trăng cũng gợi nỗi nhớ quê hương các anh – nơi có những người thân yêu đang ngày đêm mong ngóng. “Đầu súng trăng treo” tượng trưng cho sự giao hòa về tâm hồn của người lính giữa chiến sĩ và thi sĩ, giữa hiện tại và mộng mơ. Tâm hồn người lính vẫn rất đẹp, luôn yêu đời, tin tưởng về một ngày mai hòa bình.
Bài thơ Đồng chía đã xây dựng một bức tượng đài bất diệt về hình ảnh người lính trong kháng chiến chống Pháp, họ mang vẻ đẹp giản dị, mộc mạc, cùng chung lí tưởng chiến đấu và cùng sẻ chia gian khó trong những ngày tháng chiến đấu hào hùng của dân tộc. Nhờ có các anh, những người chiến sĩ vô danh đã thầm lặng hi sinh để đất nước hôm nay được thanh bình, phát triển.
Bài thơ sử dụng các ngôn từ mộc mạc, hình ảnh giản dị nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về hình ảnh những người lính trong kháng chiến chống Pháp. Nhờ có các anh, những người chiến sĩ vô danh đã thầm lặng hi sinh để đem lại bình yên cho dân tộc hôm nay.