Bài văn phân tích hình tượng người lính số 8
Thơ ca cách mạng là một chủ đề lớn trong kho tàng thơ ca Việt Nam. Những bài thơ, ca khúc đã đi sâu vào trái tim của triệu triệu đồng bào về một thời khói lửa chiến tranh. Hình ảnh những người lính bước vào trang thơ cũng rất tự nhiên và gần gũi, là một đề tài quen thuộc trong thơ cách mạng. Nhà thơ Quang Dũng cũng góp vào kho tàng ấy một tiếng thơ đẹp Tây Tiến về hình ảnh người lính xuất thân là những người thanh niên trí thức Hà thành. Bài thơ đã khắc họa thành công hình tượng người lính Tây Tiến với vẻ đẹp hào hoa, lãng mạn và cũng rất dũng cảm, ngàng tàng cùng vẻ đẹp bi tráng.
Hình ảnh người lính Tây Tiến hiện lên trong trang thơ trước tiên là sự hào hoa lãng mạn. Bởi họ là những người học sinh, sinh viên trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường, ra đi theo tiếng gọi thiêng liêng của tổ quốc, nên tâm hồn tinh tế, hào hoa cũng là một điều rất đỗi thường tình, dễ hiểu. Điều đó được thể hiện ban đầu ở cái nhìn háo hức, say mê với cảnh sắc đẹp đẽ của thiên nhiên và con người Tây Bắc:
“Mường Lát hoa về trong đêm hơi”
“Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi”
Cái vẻ đẹp huyền ảo của núi rừng Tây Bắc trong tâm hồn người lính trẻ là những bông “hoa về trong đêm hơi” của xứ Mường, là hình ảnh của những làn khói nghi ngút từ bát cơm thơm dẻo, từ những “mùa em” – mùa của những cánh đồng bậc thang vàng óng, trĩu hạt cùng hương thơm lúa nếp cho bát xôi thơm dẻo. Những người lính xuất thân từ Hà thành cũng háo hức và say mê vẻ đẹp của buổi chiều lãng đãng mây bay:
“Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
..........
Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”
Người lính Tây Tiến hòa mình vào làn sương chập chờn bên núi của buổi “chiều sương ấy”, vào những “hồn lau” đang phất phơ theo chiều gió nơi bến bờ. Và cái nhìn lãng mạn của các anh còn thấy được vẻ đẹp trong từng bông hoa rừng rực rỡ như hoa mai, hoa mận, hoa ban… đang “đong đưa” bên “dòng nước lũ”. Hẳn là phải tinh thế, tâm hồn thơ mộng lắm mới nhận thấy những vẻ đẹp bình dị như thế.
Không chỉ say sưa vẻ đẹp sông núi, mà người lính trẻ tuổi còn yêu cả vẻ đẹp con người nơi đây. Đó là vẻ đẹp của “dáng người trên độc mộc” của những cô gái miền sơn cước trong bộ xiêm áo rực rỡ trong đêm lửa trại ấm tình quân dân:
“Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
..............
Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ”
Chính vẻ đẹp dịu dàng, e ấp, vẻ đẹp của những ngọn đuốc hoa rực rỡ, lung linh cùng tiếng khèn, điệu nhạc khiến cho tâm hồn lãng mạn của người chiến sĩ nảy nở, chắp cánh cho những vần thơ tuyệt vời. Tâm hồn thơ ca của những người lính Tây Tiến quả là một nét độc đáo, tài hoa. Vẻ đẹp hào hoa lãng mạn cũng thể hiện trong nỗi nhớ của các anh với quê hương và con người nơi các anh gắn bó. Để rồi khi đêm về, những giấc mơ về Hà Nội thương nhớ, về người con gái Hà thành thanh lịch nền nã lại dội về trong nỗi nhớ “đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.
Người lính Tây Tiến hiện lên không chỉ đẹp bởi sự hào hoa, mà còn mang một vẻ đẹp dũng cảm, kiên cường. Dù chiến đấu trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ các anh vẫn luôn cố gắng vượt qua. Nơi các anh hành quân là những dãy núi cao chót vót “khúc khuỷu” tới “ngàn thước”, là những dốc núi cheo leo “thăm thẳm” “heo hút” đến "rợn ngợp”.
“Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm,
................
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống”
Không chỉ có vậy, nơi núi rừng hoang vu, sương muối ấy, người lính còn phải đề phòng những loài thú dữ đáng sợ đầy nguy hiểm:
“Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người”
Đâu chỉ có núi rừng hoang sơ, hoang dại hiện lên thật dữ dội và ghê rợn, người lính Tây Tiến còn đối mặt với những trận sốt rét, dịch bệnh khiến tóc không thể mọc, làn da héo hon, xanh xao như tàu lá “đoàn binh không mọc tóc”, “quân xanh màu lá”.
Thế nhưng, dù khó khăn, gian khổ và thiếu thốn đến đâu, các anh chiến sĩ vẫn cứ dũng cảm vượt qua, hiên ngang và khỏe khoắn. Sau khi vượt qua những đỉnh núi cao chót vót, đứng trên đỉnh núi cao chạm tới mây trời, người lính vẫn vô tư, hiên ngang ví von “súng ngửi trời”. Dù đối chọi với ốm đau bệnh tật, người lính vẫn ngang tàng:
“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc
..............
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới”
Người lính ví von “đoàn binh không mọc tóc” như thể tóc cũng không thèm mọc. Cách nói cho thấy sự bình thường hóa việc không mọc tóc, không mọc tóc thì có hề chi. Với các anh, dù da có xanh thì lại càng oai phong, hiên ngang, “dữ oai hùm” như thể hiện một ý chí sắt đá, hiên ngang, giữ vững ý chí và tinh thần chiến đấu. Điều đó khẳng định tinh thần và ý chí quật cường của những người lính trẻ, mang theo khát vọng mãnh liệt, nhiệt huyết sục sôi của tuổi trẻ vì một đất nước độc lập, tự do. Hình tượng người lính Tây Tiến hiện lên đặc sắc nhất là vẻ đẹp bi tráng, hào hùng:
“Rải rác biên cương mồ viễn xứ
.................
Sông Mã gầm lên khúc độc hành”
Nhà thơ đã nhìn thẳng vào sự thật mà không hề né tránh cái chết, cái sự thật không thể tránh khỏi của chiến tranh khốc liệt. Nhưng sự hi sinh ấy hiện lên đậm chất bi tráng, sử thi như những tráng sĩ ngày xưa tòng quân ra trận. Hình ảnh những nấm mồ nơi biên ải xa xôi hiện lên đau thương nhưng không hề bi lụy, mà rất bi tráng. Cùng với chiếc “áo bào” uy nghiêm đưa các anh về với đất mẹ thiêng liêng là “khúc độc hành” tráng ca hùng hồn đưa tiễn người chiến sĩ. Màu sắc cổ kính hiện lên trong những vần thơ thật độc đáo, đẹp đẽ. Nó giúp xây lên một bức tượng đài sừng sững về những người lính Tây Tiến ra đi một cách oai nghiêm, trang trọng, bi tráng.
Đọc bài thơ Tây Tiến của nhà thơ Quang Dũng, người đọc cảm nhận được vẻ đẹp người lính Tây Tiến thật hào hoa, lãng mạn cùng sự gan dạ, can trường, hiên ngang và đặc biệt là vẻ đẹp bi tráng, hào hùng. Bài thơ là một khúc tráng ca tuyệt vời còn vang mãi tới lớp lớp thế hệ trẻ ngày nay để luôn ghi nhớ công lao to lớn của những người đã ngã xuống cho đất nước hòa bình, ấm no và hạnh phúc.