Bài văn phân tích đoạn trích "Vào phủ chúa Trịnh" số 6

Kí là thể loại văn xuôi tự sự dùng để ghi chép những sự việc có thật và bộc lộ tình cảm, tư tưởng của người viết phản ánh hiện thực cuộc sống theo cách riêng của mình. Nhắc đến thể kí không thể không nhắc đến Lê Hữu Trác một danh y nổi tiếng với bộ Hải Thượng y tông lĩnh_cuốn bách khoa toàn thư về y học, đồng thời cũng là một nhà văn với tác phẩm “Thượng kinh kí sự” được nhiều người biết đến. Tác phẩm đánh dấu sự trưởng thành của thể kí với nội dung kể về cuộc sống xa hoa cùng với quyền uy thế lực trong phủ chúa. Tiêu biểu là đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh” nằm ở phần đầu đã ghi chép trung thực về sự giàu sang, thâm nghiêm trong Trịnh phủ, qua đó cho thấy nhân cách và tâm hồn của một nhà y học, nhà văn học.


Mở đầu đoạn trích là sự kiện được ghi chép lại “Mồng 1 tháng 2” có thánh chỉ triệu tác giả vào phủ chữa bệnh cho Đông Cung Thế tử Trịnh Cán. Mặc dù là con nhà quan vốn “sinh trưởng ở chỗ phồn hoa” chỗ nào trong cấm thành cũng đã từng biết nhưng đây là lần đầu tiên ông được vào phủ chúa.


Quang cảnh Trịnh phủ tráng lệ, nguy nga được tác giả quan sát và cảm nhận qua cái nhìn đầu tiên “Đâu đâu cũng là cây cối um tùm, chim kêu ríu rít, danh hoa đua thắm, gió đưa thoang thoảng mùi hương” cảnh vật nơi đây như chốn bồng lai tiên cảnh, thơ mộng, hữu tình làm đắm say lòng người. Tiếp đó là “Dãy hành lang quanh co nối nhau liên tiếp” những người giữ cửa truyền báo rộn ràng, người có việc quan thì qua lại như cửi. Một cái nhìn bao quát từ cận cảnh đến viễn cảnh đâu đâu cũng thể hiện sự giàu sang đến ngỡ ngàng. Tác giả như bất ngờ mà thốt lên những vần thơ ghi lại cảm xúc của mình trước cái đẹp lộng lẫy:


“Lính nghìn cửa gác đòng nghiêm ngặt

Cả trời Nam sang nhất là đây

Lầu từng gác vẽ tung mây

Rèm châu, hiên ngọc, bóng mai ánh vào

Hoa cung thảng ngạt đưa tới

Vườn ngự nghe vẹt nói đòi phen”


Vốn là một con người “lánh đục tìm trong” nhưng đứng trước cảnh đẹp nơi đây tác giả không hề miệt thị mà ngược lại còn ngợi ca, còn rung động trước non nước hữu tình tuy nhiên cái ngợi ca ấy không được trọn vẹn. Dường như còn ẩn chứa một tâm trạng u hoài


“Quê mùa cung cấm chưa quen

Khác gì ngư phủ đào nguyên thuở nào”


Điển cố Đào Uyên Minh đã được tác giả sử dụng thật tài tình. Ông tự coi mình là người quê mùa chẳng quen chốn cung cấm xa hoa, nhộn nhịp cũng giống như Đào Tiềm ngày ấy lạc vào chốn thần tiên. Cảnh đẹp thì đẹp nhưng lòng người lại không ham. Sự nguy nga, hoành tráng nơi Trịnh phủ được tác giả miêu tả chi tiết, tỉ mỉ qua từng bước đi, từng cái nhìn ấy là “Đi mấy trăm bước, qua mấy lần cửa đi đến cái điếm hậu mã quân túc trực” rồi những cái cây, những hòn đá lạ… mọi thứ cứ dần dần hiện ra trước mắt đến choáng ngợp nhưng Lê Hữu Trác không hề tỏ ra thảng thốt, bất ngờ đến tột cùng mà vẫn giữ cho mình sự điềm tĩnh, trầm ngâm của một ẩn sĩ.


Đồ dùng vật dụng mọi thứ rất sang trọng “Đồ nghi trượng đều được sơn son thếp vàng”, rồi cả những cái “sập thếp vàng” những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy, cột cũng được sơn son thếp vàng. Cái màu vàng chủ đạo ấy cho thấy sự xa hoa, tráng lệ nơi Trịnh phủ nó đối lập hoàn toàn với cuộc sống cơ cực, bần hàn của những người dân nghèo, cũng chính công trình kiến trúc ấy được xây dựng bằng mồ hôi, công sức, tiền của của nhân dân.


Sự sang trọng nơi đây còn được thể hiện ở tên gọi nào nhà “Đại đường”, “Quyền bồng” rồi “Phòng trà”, mọi người ở trong đó đều là các quan Chánh đường người nhà vua nhà chúa. Ai muốn vào phải có thẻ lính canh nghiêm ngặt vô cùng. Bữa cơm trong ấy là “mâm vàng, chén bạc, đồ ăn toàn là của ngon vật lạ” lần đầu tiên tác giả được nhìn, được biết đến cái phong vị của nhà đại gia. Tuy nhiên chẳng phải cái giàu sang, cái của ngon vật lạ ấy làm cho con người ta khỏe mạnh, hưng cường mà ngược lại khiến cho Thế tử là con trời lại thành con bệnh.


Thế tử là “một người ngồi trên sập độ năm, sáu tuổi mạc cái áo lụa đỏ” muốn vào được đến đây ông đã phải đi qua độ năm, sáu lần. Trước khi vào bắt mạch, khám bệnh cho thế tử ông phải hành lễ lạy tạ. Gian phòng của thế tử được tác giả quan sát miêu tả thật kĩ lưỡng “một cây nến to cắm trên một cái giá bằng đồng. Bên sập đặt một cái chiếu rồng sơn son thếp vàng, trên ghế bày nệm gấm… xung quanh lấp lánh hương hoa ngào ngạt.” Chính không khí ngào ngạt mùi hương nhưng tù đọng, bí bách là nguyên nhân dẫn đến căn bệnh của thế tử chữa trị mãi mà không khỏi với biết bao thầy y và những vị thuốc. Ở phủ chúa tác giả không quen với những khuôn phép, luật lệ thâm nghiêm như có phần e ngại, mất tự nhiên khi thì chỉ dám “ngước mắt nhìn rồi lại cúi đầu”, khi thì nín thở rồi lại khúm núm.


Lê Hữu Trác là một vị danh y nổi tiếng, bằng tài năng y thuật và con mắt tinh tường ông đã sớm nhận ra khuyết tật nơi phủ chúa đồng thời cũng bắt trúng bệnh của thế tử. Khoảnh khắc kê đơn cắt thuốc là lúc mà ông do dự, đắn đo cuộc đấu tranh nội tâm diễn ra cam go, quyết liệt. “Nếu mình làm có kết quả ngay thì sẽ bị danh lợi nó ràng buộc, không làm sao về núi được nữa. Chi bằng ta dùng thữ phương thuốc hòa hoãn, nếu không trúng thì cũng không sai bao nhiêu”. Xưa nay ta chỉ thấy con người ta hám danh hám lợi, vì tiền bạc, danh vọng mà sẵn sàng chà đạp, chém giết lẫn nhau để mong được như ý muốn. Nhưng Lê Hữu Trác kế thừa tư tưởng của các vị tiền nhân như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm:


“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ

Người khôn người đến chốn lao xao”


một lòng giữ khí tiết trong sạch không màng danh lợi. Tuy nhiên ông không thể vì bản thân mà lại quên đi chữ “trung” “cha ông mình đời đời chịu ơn của nước, ta phải dốc hết cả lòng thành để nối tiếp cái trung của cha ông mình mới được”. Chính điều đó đã thôi thúc ông làm tròn chữ “đức” của một vị lương y cho xứng danh“lương y như từ mẫu”. Mặc dù sống trong thời loạn lạc, vua lúa là những kẻ chỉ biết hưởng thụ với cuộc sống xa hoa nhưng ông không đã bỏ qua tất cả để làm tròn trách nhiệm của người thầy thuốc “Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp”. Tác giả phải là một con người có tâm có tầm có nhân cách cao đẹp mới có thể làm được điều đó.


Nơi Trịnh phủ được quan sát thật tỉ mỉ, được miêu tả thật sinh động, trung thực bởi con mắt tinh tế, nhạy bén với những chi tiết đặc sắc của một cây bút kí tài năng, sắc sảo_Lê Hữu Trác đã cho người nghe, người đọc thấy được cảnh vật tráng lệ , nguy nga nơi phủ chúa đồng thời cho thấy hiện thực xã hội phong kiến thối nát lúc bấy giờ. Cách viết của ông thật hấp dẫn độc giả vừa miêu tả vừa đan xen cảm xúc, suy nghĩ tâm trạng của một cái tôi cá nhân. Nếu như đặc trưng của văn học trung đại là con người cá nhân bị lu mờ, ít thấy tác giả xuất hiện trực tiếp do người trung đại không coi mình là trung tâm mà chỉ là một bộ phận trong chỉnh thể lớn.Nhưng ở đây tác giả đã tự tin thể hiện cái tôi của mình bằng cách sử dụng ngôi kể thứ nhất xưng tôi mang đậm dấu ấn cá nhân.


Qua đoạn trích “Vào phủ chúa Trịnh” giàu tính hiện thực một mặt phê phán lối sống vinh hoa, quyền quý nơi phủ chúa một mặt ngợi ca nhân cách y đức của tác giả. Lê Hữu Trác vừa để lại một kiến thức về y học cổ truyền cho dân tộc vừa là tấm gương sáng về đạo đức người thầy thuốc cho hậu thế muôn đời.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |