Bài văn phân tích đoạn trích “Nỗi sầu oán của người cung nữ” số 4
Thời phong kiến có tục tuyển cung nữ cho vua chúa trong cung. Tục lệ này được kéo dài hàng trăm năm trong chế độ phong kiến của nước ta thật sự là một tội ác với người phụ nữ trong xã hội cũ, bởi số phận của họ khi sinh ra chỉ là một người mua vui cho những vua chúa.
Nếu may mắn được vua để ý sủng hạnh thì được người khác hầu hạ nếu không thì họ sẽ phải chịu cảnh ghẻ lạnh sống trong cung vua cho tới khi già thì đưa về quê để chờ chết. Số phận bất hạnh của những người con gái đó đã làm động lòng nhiều tác giả có cái nhìn nhân văn, nhân đạo với những số phận con người bị cuộc đời ghẻ lạnh như tác giả Nguyễn Gia Thiều. Tác phẩm “Cung oán ngâm” của tác giả Nguyễn Gia Thiều chính là để tố cáo tội ác của những vua chúa thời Lê, Trịnh, một xã hội tàn nhẫn chà đạp lên số phận của những người phụ nữ khốn khổ, để họ phải chôn vùi tuổi xuân của mình trong bốn bức tường cung cấm lạnh lẽo, hết ngày này tới ngày khác.
Trong đó trích đoạn “Nỗi sau oán của người cung nữ” chính là đoạn trích nói lên sự ai oán, nghẹn ngào uất hận của người cung nữ tài sắc nhưng chẳng được hưởng hạnh phúc bao lâu đã bị cuộc đời, bị nhà vua bỏ rơi giữa cung vua lạnh lẽo trong khi tuổi xuân vẫn đang phơi phới. Tâm trạng buồn chán, xót xa cho số phận của mình và oán than cho cuộc đời nhiều phụ bạc, nhiều cay đắng được tác giả thể hiện qua những câu thơ nhiều cay đắng. Qua tác phẩm tác giả phản ánh tâm buồn tủi, người con gái sống trong những ngày tháng chờ đợi mòn mỏi, càng chờ càng cảm thấy tuyệt vọng bế tắc trong cuộc sống. Nàng sống cô đơn, u ám quanh bốn bức tường lạnh tựa băng tuyết, tuyệt vọng cho số phận mình hẩm hiu, tuyệt vọng cho thói đời bạc bẽo.
Khoảnh làm chi bấy chúa xuân!
Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi.
“Khoảnh” có nghĩa chỉ sự chơi ác, thể hiện sự trớ trêu của số phận khi nỗi cô đơn dày vò người thiếu nữ. Người con gái nhớ lại những ngày tháng còn được nhà vua sủng hạnh, còn giờ đây nàng như bông hoa đã bị hút hết hương thơm bị bỏ lại một mình cho thân tàn, nhụy héo. Nơi nàng sống là một lầu son có nhiều tiện nghi nhưng lại thiếu hơi người, tất cả đều nhìn quanh một mình nàng khiến cho nỗi sầu trong lòng nàng càng thêm xót xa, ai oán.
Trong những câu thơ tiếp theo tác giả Nguyễn Gia Thiều đã nói lên sự thất vọng, bất lực của người con gái, những lời than thở một mình như đứt từng khúc ruột, nỗi buồn bủa vây không gian hiu quanh thể hiện sự tàn úa trong tâm trạng người con gái bị vua thất sủng.
“Chiều ủ dột giấc mai khuya sớm,
Vẻ bâng khuâng hồn bướm vẩn vơ.
Thâm khuê vắng ngắt như tờ,
Cửa châu gió lọt, rèm ngà sương gieo.
Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ,
Dấu dương xa đám cỏ quanh co.
Lầu Tần, chiều nhạt vẻ thu,
Gối loan tuyết đóng, chăn cù giá đông.
”Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” trong tâm trạng chán chường cực độ người con gái nhìn đâu cũng thấy hình bóng mình cô liêu một mình nên tâm trạng càng thêm u uất, mệt mỏi. Cô gái nhìn xung quanh quạnh quẽ gối chăn đóng băng giá lạnh thiếu hơi ấm của người đàn ông đầu ấp má kề. Nàng cảm thấy sự bạc bẽo của con người thật đáng khinh bỉ, mới hôm qua còn thề non hẹn biển còn đầu ấp má kề, nhưng hôm nay người ta đã vui vẻ với người mới bỏ lại nàng một mình cô đơn một bóng, vò võ sống kiếp lạnh lùng hết ngày này qua tháng khác. Cuộc chiến chốn hậu cung là một cuộc chiến vô cùng tàn nhẫn và khốc liệt “Chém cha cái kiếp chồng chung. Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”. Tình yêu khi phải chung chạ, thì nó thật sự là một tấm chăn hẹp nếu người này kéo thì người kia sẽ bị lạnh. Không thể cùng hạnh phúc cho tất cả mọi người được.
Trên trướng gấm thấu hay chăng nhẽ?
mà đay nghiến, uất ức, hằn học:
Giết nhau chẳng cái Lưu cầu,
Giết nhau bằng cái u sầu, độc chưa!
Trong sự cay đắng tủi hờn người con gái đã buông lời oán trách, chì chiết kẻ đàn ông bạc tình kia rằng giết nhau bằng cái u sầu. Một cái giết không gươm đao, không thuốc độc nhưng lại khiến con người ta buồn mà chết, chết tàn chết héo trong chốn lạnh lẽo u uất này. Đó chính là tội ác của chế độ phong kiến khi chỉ phục vụ vua chúa mà cướp đi hạnh phúc của rất nhiều cô gái trẻ. Những câu thơ cũng tố cáo tội ác ăn chơi sa đọa của những vua chúa thời xưa, chỉ biết hưởng thụ vinh hoa phú quý, nhục dục xác thịt mà không biết rằng những người dân khốn khổ nghèo đói, biết bao người phụ nữ, lầm than, héo hắt hoa tàn nhị héo trong cung cấm.
Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ!
Xe thế này có dở dang không?
Dang tay muốn dứt tơ hồng,
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra!
Trong khổ thơ này thể hiện những trái ngược trong cảm xúc. Một là cảm xúc nặng nề chán nản cuộc sống bị ghẻ lạnh, bị lãng quên của người con gái nơi hậu cung lạnh lẽo. Hai là cảm xúc khát khao muốn có hạnh phúc đời thường của người con gái đang tuổi xuân sắc. “Nguyệt lão” chính là người làm mai mối trong nhân gian với những đôi uyên ương đã xe duyên cho người con gái nhưng lại khiến nàng dở dang một đời. Nàng oán hận số phận oán hận người xe duyên, oán hận kẻ bạc tình, đã quất ngựa truy phong vui bên duyên mới quên nàng nơi đây lạnh lẽo.
Hình ảnh muốn dứt tơ hồng thể hiện sự vùng vẫy của người con gái muốn chấm dứt cuộc sống bi ai, uất hận này nhưng chế độ xã hội quyền lực của xã hội phong kiến không cho nàng được làm thế. Nàng mãi mãi bị kìm kẹt cho tới chết ở chốn cung vua này. Tác giả Nguyễn Gia Thiều bằng ngòi bút tinh tế, sâu sắc của mình đã lột tả được bộ mặt thật của xã hội phong kiến, tố cáo tội ác của vua chúa ngày xưa ăn chơi xa đọa, khiến nhiều người phụ nữ chịu cảnh ghẻ lạnh, bạc bẽo nơi hậu cung.
Bài thơ này còn tố cáo kiếp đa thê của xã hội phong kiến, khiến nhiều người phụ nữ xưa phải chia sẻ chồng mình với người khác. Đoạn trích cũng thể hiện giá trị nhân văn cao cả của tác giả dành cho số phận của những người phụ nữ trong xã hội cũ.