Bài văn phân tích đoạn trích “Nỗi sầu oán của người cung nữ” số 3
Thời xưa đàn ông năm thê bảy thiếp là chuyện thường. Các bậc vua chúa thì còn nhiều gấp vạn lần như vậy bởi năm nào họ cũng tuyển hàng trăm cung nữ vào cung. Đó toàn là những thiếu nữ trẻ đẹp với tuổi đời còn rất trẻ. Một khi đã bước vào cung là coi như đoạn tuyệt với gia đình, không còn cơ hội gặp gỡ người thân, thậm chí là cả cha mẹ. Cuộc sống lúc này loanh quanh trong cung cấm, không biết ở bên ngoài bức tường thành kia có những chuyện gì đang diễn ra. Số phận đáng thương ấy đã làm lay động nhiều nhà văn, nhà thơ trong số đó có Nguyễn Gia Thiều. Tác phẩm Cung oán ngâm khúc được đánh giá là có tiếng nói tố cáo sâu sắc nhất tập tuyển cung nữ của vua chúa thời bấy giờ.
Người cung nữ trong Cung oán ngâm khúc lúc đầu được vua yêu chuộng nhưng không lâu sau lại bị vua bỏ rơi. Tuổi thanh xuân chôn vùi nơi cung cấm. Cùng với đó là nỗi cô đơn, hờn tủi mỗi ngày một lớn dần lên. Nó dày vò nàng khiến cho nàng héo mòn. Nàng oán trách nhà vua phụ bạc rồi xót thương cho thân phận của mình. Đoạn trích Nỗi sầu oán của người cung nữ đã diễn tả một cách rõ nét nhất tâm trạng của nàng. Bị thất sủng, sống cô đơn nên nàng sầu oán. Hình ảnh cô đơn của người cung nữ hiện lên ngay từ những câu thơ mở đầu:
Trong cung quế ảm thầm chiếc bóng
Đêm năm canh trông ngóng lần lần
Ở giữa chốn xa hoa lẽ ra người ta phải vui vẻ, hạnh phúc ấy vậy mà người cung nữ lại sống trong cảnh tối tăm, u uất. Nàng như một cái bóng vật vờ chẳng ai thèm để ý đến. Lời tâm sự diễn ra trong đêm tối càng làm nổi bật hơn bóng dáng bé nhỏ và sự cô đơn của người cung nữ. Đêm xuống là lúc các cung nữ ngóng trông nhà vua, nhưng với nàng lúc này càng ngóng trông lại càng vô vọng. Nàng biết mình đang ở trong hoàn cảnh nào, biết ai là kẻ gây ra cho mình nỗi bất hạnh này. Cuộc sống của nàng lúc này chẳng khác nào đã chết bởi nàng bị giam hãm trong 4 bức tường thành, sống trong cảnh chăn gối lẻ loi. Hình ảnh nhà vua hiện lên qua lời oán trách của cung nữ chẳng khác nào một kẻ bạc tình:
Khoảnh làm chi bấy chúa xuân
Chơi hoa cho rữa nhụy dần lại thôi
Cách dùng từ của tác giả thật sâu sắc. Nhà vua mà lại chơi khăm, chơi ác. Lại ác với chính cung nữ từng kề cận với mình thì tàn nhẫn quá. Người phụ nữ vốn mỏng manh, yếu đuối đang được hạnh phúc bỗng bị đẩy đi như tội đồ. Nàng như một món đồ chơi hỏng bị vứt đi rồi bị lãng quên. Để khắc họa rõ nét hơn nỗi cô đơn của người cung nữ, tác giả còn thêm vào khung cảnh tráng lệ của cung cấm:
Lầu đãi nguyệt đứng ngồi dạ vũ
Gác tựa lương thức ngủ thu phong
Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng
Gương loan bẻ nửa dải đổng xẻ đôi
Mặc dù sống trong tự tiện nghi nhưng đối với nàng những điều ấy chẳng có ý nghĩa gì. Nhìn nó, nàng chỉ khổ tâm hơn mà thôi. Thất vọng vì cuộc đời, nàng không còn cách nào khác là thở than, oán trách. Nàng oán trách một cách gay gắt:
Chiều ủ dột giấc mai khuya sớm
Vẻ bâng khuâng hồn bướm vẩn vơ
Thâm khuê vắng ngắt nhu tờ
Của châu gió lọt rèm ngà sương gieo
Ngấn phượng liễn chòm rêu lỗ chỗ
Dấu dương xa đám cỏ quanh co
Lầu Tẩn chiều nhạt vẻ thu
Gối oan tuyết đóng chăn cù giá đúng
Qua câu thơ, người đọc thấy được nỗi mong ngóng đến héo mòn của người cung nữ. Nó khiến cho nàng ngày ngày u uất, bức bối đến nghẹt thở:
Lạnh lùng thay giấc cô miên
Mùi hương tịch mịch bóng đèn thâm u
Nếu cuộc đời chưa từng có lấy một ngày vui thì có lẽ con người ta cũng quen với hoàn cảnh. Nhưng nếu như cuộc đời đã từng hưởng hạnh phúc mà sau đó lại bị vùi dập thì con người ta rất dễ chán chường. Người cung nữ trong bài thơ này đang rơi vào hoàn cảnh như vậy. Đêm xuống là lúc mà nàng càng cô đơn hơn, đáng thương hơn. Trong phòng ấm áp, thơm tho nhưng tịch mịch, vắng lặng. Thứ ánh sáng leo lét từ ngọn nến chẳng đủ xua tan bóng đêm và tăm tối trong tâm hồn của nàng. Đêm nào nàng cũng mong chờ như vậy nhưng đáp lại nàng chỉ là cái bóng của chính mình:
Tranh biếng ngắm trong đó tố nữ
Mặt buồn trông trên cửa nghiễm lâu
Một mình đứng tủi ngồi sầu
Đã than với nguyệt lại rầu với hoa
Hình ảnh bóng dáng cô độc của người thiếu nữ cứ lặp đi lặp lại càng làm tăng thêm vẻ đáng thương của nàng. Nàng kiệt quệ cả về thể xác lẫn tâm hồn. Nàng không chỉ buồn mà nàng còn oán hận:
Buồn mọi nỗi lòng đà khắc khoải
Ngán trâm chiểu, bước lại ngẩn ngơ
Hoa này bướm nỡ thờ ơ
Để gầy bông thắm, đổ xơ nhụy vàng
Trong cung cấm, người ta giết nhau bằng nỗi u sầu. Người cung nữ đay nghiến cuộc đời:
Giết nhau chẳng cái lưu cầu
Giết nhau bằng cái u sầu độc chưa
Trong câu thơ chứa đựng sự căm phẫn mà qua đó người đọc cũng thấy được sự tàn ác của chế độ đa thê. Chính cái quyền tự cho mình được có nhiều cung nữ của vua chúa đã cướp đi quyền tự do của biết bao cô gái. Cái hạnh phúc mà họ có thể có được cũng quá ngắn ngủi để rồi họ phải căm hận suốt quãng đời về sau. Họ vẫn sống ở trong cung cấm nhưng không có niềm vui. Tâm hồn của họ bị hủy hoại mỗi ngày. Họ không chết nhưng sống không ra sống. Như người cung nữ trong bài thơ, nàng cũng muốn bứt mình ra khỏi cuộc sống đọa đày này. Tuổi xuân mỗi ngày cứ thế trôi qua trong tuyệt vọng thì hỏi không oán trách sao được. Tác giả Nguyễn Gia Thiều đã đồng cảm với số phân của người cung nữ. Ông vừa thể hiện được cái khát khao của người cung nữ lại vừa thể hiện được nỗi uất hận của nàng:
Tay nguyệt lão chẳng xe thì chớ
Xe thế này có dở dang không
Dang tay muốn dứt tơ hồng
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra
Đoạn trích đã làm nổi bật lên 2 cảm xúc trái ngược nhau: một bên là buồn chán, một bên là khát khao hạnh phúc. Tất cả đã tạo nên một làn sóng trữ tình dào dạt. Nàng như đang cố gắng vùng vẫy để thoát ra khỏi nỗi cô đơn của mình nhưng càng cố gắng thì chỉ càng thất vọng. Cung cấm đâu vào là nơi dễ dàng ra vào như mong muốn. Tác giả không chỉ nói lên được nỗi khổ của người cung nữ mà còn tố cáo tội ác của vua chúa thời phong kiến. Qua đây, người đọc thấy được tấm lòng nhân đạo của ông. Nội dung đoạn trích là tiếng nói thiết tha đòi quyền sống, quyền hạnh phúc của người phụ nữ.