Bài văn phân tích đoạn trích "Nỗi oan hại chồng" số 5
Thân phận người phụ nữ luôn là đề tài được các nhà văn, nhà thơ hướng tới cho những tác phẩm của mình, người phụ nữ được nhắc đến với số phận không mấy tốt đẹp, phải chịu đựng nhiều áp bức và không được đấu tranh cho quyền lợi của bản thân. Đoạn trích “Nỗi oan hại chồng” là minh chứng cho điều đó, đoạn trích kể về nhân vật Thị Kính phải mang nỗi oan giết chồng gây nên nhiều đau khổ và hiểu lầm trong chính gia đình của mình.
Hiện lên trước mắt người đọc là hình ảnh Thị Kính đoan trang, phúc hậu, nết na, luôn chăm lo cho gia đình của mình, một con người chịu thương chịu khó biết cách gây dựng tổ ấm của gia đình. Một hình ảnh một con người với những nét đẹp như thế thường gắn liền với những nốt bất hạnh khi sống trong xã hội xưa mục nát. Rồi việc gì đến cũng đến, nỗi oan mà Thị Kính vướng phải chính là từ sợi râu mọc ngược của chồng mình, từ việc râu mọc ngược mang ý nghĩa xấu, suy nghĩ cho chồng, cho gia đình mà định cắt sợi râu đó đi, ai ngờ hành động đó của cô khiến chồng cô và cả gia đình, đặc biệt là Sùng bà nghi ngờ cô muốn hại chồng mình. Trong xã hội xưa thì đó là hành động không thể tha thứ, một trong những tội lớn nhất mà xã hội đề ra.
Đối với Thị Kính không thể thanh minh hay giải oan cho bản thân mình bởi lẽ đối với Sùng bà thì cô như là cái gai trong mắt, Sùng bà đã có ác cảm với cô từ rất lâu thế nên nay có cơ hội này Sùng bà có được cái cớ để nhục mạ cô, có những lúc Sùng ông đã lắng nghe những lời nói của cô nhưng cũng chỉ dừng lại ở mức lắng nghe chứ không dám dùng hành động để căn ngăn, hay dùng lời nói để giải thích giúp cô bởi chính Sùng ông cũng rất sợ Sùng bà. Xã hội xưa là một xã hội “Trọng nam khinh nữ” nhưng đối với Sùng ông thì lại khác, ông không hề có quyền hành gì ở trong nhà cả, tất cả mọi thứ đều dưới sự chỉ đạo của Sùng bà. Cùng một gia đình như thế nhưng đối với Thị Kính lại đối lập hoàn toàn, cô chịu sự chi phối của chồng, của gia đình mà không hề có một chút tiếng nói nào trong gia đình, điều này đã làm nổi lên mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu gay gắt vô cùng, hơn thế nữa là sự mâu thuẫn giữa những giai cấp trong xã hội, nhiều khi thân phận nam hay nữ không mấy quyết định đến số phận của họ, mà phần lớn là giá trị mà con người có được trong xã hội đó. Sự phân cấp giai cấp rõ nét được thể hiện, Sùng bà đại diện cho giai cấp thống trị còn Thị Kính đại diện cho giai cấp bị trị, cùng là thân phận người phụ nữ nhưng mỗi người sống với một vai trò khác nhau, sự áp bức, khinh miệt mà Sùng bà dành cho Thị Kính là minh chứng rõ nhất cho điều đó.
Đối với Thị Kính nỗi oan mà khiến cô đau đớn nhất không phải là nỗi oan giết chồng, cũng chẳng phải những nỗi oan mà Sùng bà làm nhục cô mà chính là nỗi oan từ sự thờ ơ lạnh nhạt của chồng, nỗi oan từ chính người mà cô thương yêu, lo lắng cho nhất, người mà cô dành cả cuộc đời của mình để nương tựa, dựa dẫm thì chính là người đem đến sự tủi nhục, oan uất cho cô. Những lời la mắng cay nghiệt của mẹ chồng, cùng với những đòn roi mà mẹ chồng đem lại không đau bằng thái độ mà người chồng mình dành cho mình, cuối cùng cái cô nhận được là tan vỡ hạnh phúc gia đình, bị đuổi ra khỏi nhà với nỗi oan cả đời không rửa sạch được.
Đoạn trích đã khắc họa thành công hình ảnh người phụ nữ trong xã hội xưa, không được sống là chính mình, không có tiếng nói riêng, không được đem lại hạnh phúc cho bản thân, sống dựa vào người khác, mang những nỗi oan, nỗi ấm ức không thể thanh minh do chính xã hội đem lại.