Bài văn phân tích đoạn trích "Lục Vân Tiên gặp nạn" số 7
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà thơ lớn của Việt Nam thời kì trung đại với những tác phẩm có giá trị nhân văn cao cả. Truyên Lục Vân Tiên là tác phẩm tiêu biểu cho tư tưởng nhân đạo của nhà thơ. Đoạn trích “Lục Vân Tiên gặp nạn” nằm ở phần hai của tác phẩm thể hiện sự đối lập giữa cái thiện và cái ác, giữa nhân cách cao cả và những toan tính thấp hèn qua đó tác giả bày tỏ tấm lòng ngợi ca đối với những con người nghèo khổ nhưng có nhân cách, tâm hồn thanh cao.
Cái ác trong đoạn trích được tác giả xây dựng thông qua nhân vật Trịnh Hâm với những mưu mô, xảo quyệt, những toan tính thấp hèn, sự bất nhân bất nghĩa. Điều đó thể hiện qua hành động Trịnh Hâm hãm hại chính người bạn của mình là Lục Vân Tiên. Lúc này, Lục Vân Tiên đã rơi vào đường cùng nơi đất khách. Mẹ ở quê nhà thì mất, mắt thì bị mù, tiền lại bị cướp hết. Những tưởng sẽ được bạn giúp đỡ, nhưng không kẻ tiểu nhân ấy không những không giúp Vân Tiên mà còn mưu mô, toan tính hãm hại chàng:
“Đêm khuya lặng lẽ như tờ
…Đều thương họ Lục xót xa tấm lòng”
Vì sao Trịnh Hâm lại ra tay sát hại bạn mình trong lúc bạn đang cơn hoạn nạn như thế? Tất cả là vì lòng ganh ghét, đó kị với tài năng của Vân Tiên. Hắn đã chọn một thời điểm mà “người không biết, quỷ không hay” để hãm hại Vân Tiên. Đó là vào lúc “đêm khuya lặng lẽ như tờ”, khi mọi người đã chìm sâu trong giấc ngủ.
Không gian hoang vắng lặn im lại còn mờ ảo “mịt mờ sương bay”. Cả thời gian và không gian đều thích hợp để hắn thực hiện âm mưu của mình. Hành động của Trinh Hâm rất dứt khoát “xô ngay xuống vời” khiến Vân Tiên bất ngờ không kịp kêu cứu. Lúc này bản chất bất giả nhân nghĩa của Trịnh Hâm lại được bộc lộ khi hắn “giả tiếng kêu trời” như để hợp thức hóa hành động của mình.
Chỉ với tám dòng thơ ngăn ngủi nhưng tác giả đã bóc trần tâm địa độc ác, bất nhân bất nghĩa, mưu mô xảo quyệt của Trịnh Hâm. Với ngôn ngữ chân thực, tự nhiên, giàu sức biểu cảm đoạn thơ như một câu chuyện với đầy đủ nhân vật, diễn biến và tình huống. Người đọc càng thương Vân Tiên bao nhiêu thì lại càng thêm căm ghét tên Trịnh Hâm nham hiểm bấy nhiêu.
Đối lập với cái ác của Trịnh Hâm là cái thiện của ông Ngư và gia đình ông. Cái Thiện được biểu hiện ngời sáng qua việc làm, lời nói và nhân cách cao cả của ông Ngư. Khi thấy Vân Tiên bị nạn ông đã chẳng mảy may suy nghĩ ra tay cứu giúp, sau đó:
“Hối con vầy lửa một giờ
Ông hơ bụng dạ, mụ hơ mặt mày”
Những hành động gấp gáp, khẩn trương. Việc làm của gia đình ông Ngư xuất phát tấm lòng nhân nghĩa dù không biết người gặp nạn là ai. Sau khi nghe Vân Tiên kể về hoàn cảnh của mình, ông Ngư thương chàng và sẵn sàng mời chàng ở lại cùng gia đình dù cuộc sống của gia đình ông cũng chẳng khá giả gì. Trái tim của ông Ngư thật nhân hậu biết bao!
Được gia đình ông Ngư cứu giúp, Vân Tiên cảm động và không biết lấy gì đền đáp thì câu nói của ông Ngư một lần nữa cho thấy nhân cách cao cả của ông:
“Ngư rằng: Lòng lão chẳng mơ
Dốc lòng nhân nghĩa há chờ trả ơn”
Câu thơ thể hiện một quan điểm, một triết lí sống đẹp của ông Ngư: làm việc nhân nghĩa ở đời thì không mong được trả ơn. Cái thiện ở đây còn được biểu hiện qua cuộc sống thanh bần của ông Ngư:
“Nước trong rửa ruột sạch trơn
…Tắm mưa trải gió trong vời Hàn Giang”
Một cuộc sống tự do, tự tại, hòa hợp với thiên nhiên, sông, nước, gió, trăng của một người lao động nghèo. Ông Ngư đã từ bỏ mọi danh lợi viển vông để tìm về với cuộc sống an nhàn, để gắn bó với thiên nhiên bao la, đất trời rộng lớn. Cuộc sống của ông Ngư ngoài vòng danh lợi, chính vì thế mà tấm lòng ông Ngư trong sáng như sao.
Hình ảnh chiếc thuyền nan nhỏ bế, mỏng manh trôi nổi giữa dòng nước bao la mà không sợ đắm chìm. Cuộc đời của ông Ngư cũng giống như chiếc thuyền nan ấy. Nhân cách thanh cao của ông sẽ chẳng thể nào bị vấy bẩn bởi cái vòng danh lợi cuộc đời.
Qua đoạn trích “ Lục Vân Tiên gặp nạn” tác giả thể hiện sự đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Tác giả bày tỏ sự căm ghét với con người nham hiểm, độc ác như Trịnh Hâm và ca ngợi tấm lòng cao đẹp, nhân cách thanh cao của những người lao động nghèo như ông Ngư. Đoạn trích cũng cho thấy sự tinh tế trong việc xây dựng cốt truyện, nhân vật, tình huống của Nguyễn Đình Chiểu.