Bài văn phân tích đoạn trích "Con chó Bấc" số 10
Viết về loài vật bằng cả trái tim yêu thương G. Lân- đơn đã thể hiện cảm động tình cảm giữa chú chó Bấc với người chủ Giôn Thooc- tơn của mình. Dù chỉ là một loài vật nuôi nhưng ở Bấc luôn có sự trung thành cùng những tình cảm thương yêu, kính trọng với ông chủ của mình. Qua việc miêu tả con chó Bấc, Lân- đơn đã thể hiện được những tình cảm đáng quý ở những loài vật nuôi, trong cái nhìn của Lân- đơn thì chúng không phải là những con vật vô tri, vô giác mà ngược lại chúng có cảm xúc, tình cảm như ở con người vậy, phải có sự thương yêu đối với con vật Lân- đơn mới có thể miêu tả con chó Bấc trong những trang văn của mình thành công và chân thực đến vậy.
Trích đoạn “Con chó bấc” là một đoạn trích trong tác phẩm “Tiếng gọi hoang dã” của nhà văn Lân- đơn. Qua tác phẩm này, nhà văn đã tái hiện một cách sinh động không khí của vùng Bắc cực lạnh giá với những cánh đồng tuyết mênh mông, hiện lên trên đó là những con người với quyết tâm tìm kiếm kho báu của Bắc cực, đó là những mỏ vàng. Nhưng điều đặc biệt nhất trong tác phẩm này không phải là hành trình tìm kiếm vàng, cũng không chỉ đơn thuần miêu tả không gian của vùng Bắc cực mênh mông, rộng lớn mà đó chính là những trang văn viết về con chó Bấc, cũng như mối quan hệ gắn bó giữa Bấc với người chủ của mình. Ở trong tác phẩm này, Bấc không chỉ miêu tả nó như một loài động vật thông thường mà đi sâu vào khám phá, khai thác thế giới nội tâm của nó, nhìn nhận nó ở những khía cạnh rất nhân văn, rất con người.
Những trang văn viết về chú chó Bấc cũng là những trang văn ngọt ngào, cảm động đầy chất trữ tình mà Lân – đơn đã kì công miêu tả, khắc họa. Con chó Bấc là một con chó bị bắt cóc lên vùng núi Bắc cực để làm kéo xe, làm những công việc nặng nhọc nhằm phục vụ cho mục đích tham lam của những người chủ. Bấc đã trải qua rất nhiều đời chủ, nhưng những người chủ đó cũng chỉ coi nó là một công cụ để tìm kiếm vàng, là một con vật không hơn, không kém. Hàng ngày Bấc phải kéo những xe tuyết nặng nhọc, phải đương đầu với cái lạnh buốt của thời tiết ở Bắc cực, vốn những công việc nặng nhọc này đâu có phải dành cho một chú chó như nó. Nhưng vì lòng tham thì những người chủ vẫn nhẫn tâm ép buộc nó làm những công việc vốn không phải dành cho mình này.
Vì là một chú chó có tình cảm, cảm xúc nên Bấc có thể nhận thức được mọi việc cũng như nhận biết được sự đối xử của những ông chủ này với mình là bất công, là tàn nhẫn. Bởi tuy là người giúp họ vận chuyển, là người bạn đồng hành nhưng họ đâu coi nó là vật nuôi, không dành cho nó một chút tình cảm nào mà ngược lại coi nó là một công cụ biết đi không hơn, không kém. Hàng ngày nó phải làm việc cực nhọc để có được miếng ăn, miếng ăn của nó cũng đánh đổi bằng những hàng hóa nặng nhọc, bằng những trận đòn roi của người chủ, việc nuôi nó cũng chỉ là trách nhiệm cũng chỉ là sự bố thí của những người chủ đang lợi dụng nó để thực hiện lòng tham của mình. Vì bị đối xử bất công, tàn nhẫn nên có cũng thấm thía được thế nào là tình người, cũng có lẽ vì vậy mà khi gặp Giôn Thooc- tơn, một người chủ thực sự , được sống những ngày tháng tươi đẹp nhất.
Chó Bấc được Giôn- thooc tơn cứu sống và đối xử vô cùng ân cần, dịu dàng với nó, khác hẳn với những người chủ trước đây, từ khi gặp và sống bên Thooc- tơn, Bấc cảm thấy hạnh phúc, cảm nhận được cuộc sống ý nghĩa hơn “Một tình yêu thương thực sự và nồng nàn, lần đầu tiên phát sinh ra bên trong nó”. Nếu như trong gia đình của Thẩm phán mi- lơ, Bấc chỉ là một con chó săn, một con vật giữa nhà và là một vật để làm cảnh. Nhưng với ông chủ Giôn Thooc- tơn thì không như vậy. Vì ông chủ mới này không chỉ là một người chủ tốt bụng mà còn là một người bạn tri kỉ của nó, người đầu tiên cũng là duy nhất có thể khơi dậy, nhen nhóm lên trong lòng của Bấc những tình cảm yêu thương, kính trọng mà trước nay chưa từng có, đó là thứ tình cảm “…sôi nổi, nồng cháy, thương yêu đến mức tôn thờ, thương yêu đến mức cuồng nhiệt… “
Nếu với những người chủ khác, quan hệ của Bấc với họ là công cụ để họ thực hiện lòng tham của mình, tức cũng là xuất phát từ mục đích thực dụng, dùng Bấc để làm chó săn, kéo xe trượt tuyết để tìm kiếm vàng thì với Thooc- tơn, ông coi Bấc như con, như cái. Không chỉ là người cứu Bấc mà còn là “ông chủ lí tưởng” nhất trong lòng Bấc. Như vậy sự biến chuyển tình cảm trong lòng Bấc có sự thay đổi rõ rệt, nó đã gặp được người chủ thật sự của mình. Giây phút Bấc cảm thấy hạnh phúc nhất, thích thú, cảm động nhất chính là lúc được ông chủ vuốt ve.
Giôn Thooc- tơn có thói quen “…túm chặt lấy đầu của Bấc rồi dựa đầu anh vào đầu của nó, hoặc lắc nó đẩy tới đẩy lui, vừa lắc vừa khe khẽ thốt lên những tiếng rủa mà đối với Bấc là những lời nói nựng âu yếm”. Khi ấy, chú chó Bấc cảm thấy không gì hạnh phúc hơn “không có gì vui sướng bằng cái ôm ghì mạnh mẽ”, sự vui mừng, hạnh phúc của Bấc cũng như tình cảm gắn bó của Bấc với ông chủ khiến cho người đọc cảm thấy đồng cảm, mừng thay cho Bấc, vì cuối cùng sau bao nhiêu gian khổ, thăng trầm thì Bấc đã tìm được một người chủ thực sự tốt bụng, một người xứng đáng để chú trung thành, yêu thương.
Như vậy, trong đoạn trích Con chó Bấc, nhà văn Lân- đơn đã thể hiện một cách cảm động tình cảm của chú chó Bấc đối với người chủ tốt bụng của mình Giôn Thooc- tơn. Đó cũng là tình cảm thật đẹp giữa con người và những loài vật nuôi. Qua tác phẩm nhà văn Lân- đơn như muốn truyền tải những thông điệp nhân văn, đó là những loài động vật cũng có những tình cảm, cảm xúc, và những xúc cảm ấy cũng rất đáng được tôn trọng, và nhân vật ông chủ Giôn Thooc- tơn cũng là nhân vật tư tưởng để nhà văn kí thác những quan điểm đó, ông biết yêu thương, quý trọng với những con vật, những người bạn đồng hành của mình.