Bài văn phân tích đoạn kịch "Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục" số 4
Mô-li-e (1622 - 1673) sinh trưởng ở Pa-ri, trong một gia đình buôn bán giàu có. Cha là một thương gia nổi tiếng, sau được phong một chức quan nhỏ hầu cận nhà vua. Người cha muốn con trai kế tục chức vị của mình nhưng Mô-li-e từ chối và hăm hở bước vào lĩnh vực nghệ thuật sân khấu. Sau này, ông trở thành nhà biên kịch lớn của châu Âu thế kỉ XVII và là người sáng lập ra nền hài kịch cổ điển Pháp.
Hài kịch là "Thể loại kịch trong đó có tính cách, tình huống và hành động được thể hiện dưới dạng buồn cười hoặc ẩn chứa cái hài nhằm giễu cợt, phê phán cái xấu, cáo lố bịch, cái lỗi thời để tống tiễn nó một cách vui vẻ ra khỏi đời sống xã hội. Hài kịch cho đến thế kỉ XVII được coi như là thể loại đối lập với bi kịch, và tác phẩm của nó kết thúc nhất thiết phải có hậu.
Hài kịch, như trên đã nói, hướng vào sự cười nhạo cái xấu xa, lố bịch đối lập với lí tưởng xã hội hoặc chuẩn mực đạo đức. Nhân vật của hài kịch thường không có sự tương xứng giữa thực chất bên trong với danh nghĩa bên ngoài của mình nên đã trở thành lố bịch. Cái tính cách trong hài kịch thường được mô tả một cách đậm nét, cận cảnh và ở trạng thái tỉnh, nhất là những nét gây cười. Phạm vi phản ánh của hài kịch hết sức rộng lớn: từ những vấn đề chính trị xã hội đến những thói xấu trong sinh hoạt hàng ngày. Trong hài kịch cũng có thể mô tả nỗi đau khổ của con người, song chỉ có thể cho phép ở một mức độ nhất định cho nỗi đau không lấn át cái cười để từ đó hài kịch chuyển thành chính kịch.
Ông Giuốc-đanh mặc lễ phục trích trong vở kịch 5 hồi Trưởng giả học làm sang (1670) và là lớp kịch kết thúc hồi II. Lớp kịch này được xây dựng hết sức sinh động, khắc họa tài tình tích cách lố lăng của một tay trưởng tỉa muốn học đòi làm sang gây nên tiếng cười sảng khoái cho khán giả.
Lớp kịch này được chia làm hai cảnh, dấu hiệu nhận biết trên văn bản là đoạn chỉ dẫn sân khấu "Bốn tay thợ phụ bước vào…". Cả hai cảnh này đều diễn ra trong không gian phòng khách nhà ông Giuốc-đanh – nhân vật chính. Không khí kịch càng về sau càng sôi động, cho đến cuối cảnh sau thì không khí hài kịch thực sự náo nhiệt. Trên văn bản, ta thấy ở cảnh trước gồm những lời thoại của hai nhân vật: ông Giuốc-đanh và bác phó may; cảnh sau là những lời đối thoại của ông Giuốc-đanh và tay thợ phụ.
Cảnh trước, trên sân khấu xuất hiện bốn nhân vật (ông Giuốc-đanh và một gia nhân, bác phó may và tay thợ phụ mang bộ lễ phục). Cảnh sau, xuất hiện thêm bốn tay thợ phụ nữa. Cảnh trước, ông Giuốc-đanh và bác phó may đối thoại với nhau. Cảnh sau, ông Giuốc-đanh nói với một tay thợ phụ "mang lễ phục”, xuất hiện từ cảnh trước nhưng xung quanh ông là cả bốn tay thợ phụ đến sau đang xúm vào để giúp ông thử lễ phục mới nên như là nói với cả bọn. Thêm nữa, cảnh trước cử chỉ, động tác của các nhân vật ít hơn (chỉ là những cử chỉ, động tác kèm theo đối thoại của hai nhân vật), đến đoạn sau các thợ phụ nhộn nhịp cởi quần áo cũ, mặc lễ phục mới cho ông Giuốc-đanh… Thêm nữa, khi ông Giuốc-đanh mặc lễ phục còn có cả nhảy múa và âm nhạc!
Cảnh trước chủ yếu là những lời đối thoại giữa ông Giuốc-đanh và bác phó may. Nội dung của cảnh này xoay quanh một số việc như bộ lễ phục, đôi bít tất, đôi giày, bộ tóc giả và lông đính mũ, nhưng chủ yếu vẫn là bộ lễ phục. Ai cũng biết rằng khi may áo, hoa phải hướng lên trên. Không biết bác phó may dốt, do sơ suất hay cố ý may thành những bông hoa ngược? Chỉ biết rằng chính ông Giuốc-đanh phát hiện ra sự cố này. Khổ một cái, cái bác phó may với tay nghề khó hiểu này lại bảo rằng người quý tộc người ta vẫn mặc vậy. Mà ông Giuốc-đanh thì đang học đòi làm sang. Thế là ông hoàn toàn bị khuất phục bởi sự láu cá của bác phó may. Kịch tính được đẩy lên khi bác phó may liên tiếp ra đòn: "Nếu ngài muốn thì tôi sẽ xin may hoa xuôi lại thôi mà", "xin ngài cứ việc bảo". Sợ cơ hội làm sang sẽ tuột mất, ông Giuốc-đanh cứ chối đây đẩy: "Không, không", "tôi đã bảo không mà".
Rồi lại chính ông Giuốc-đanh phát hiện ra bác phó may ăn bớt vải của mình. Song bác phó may đã nắm chắc điểm yếu của đối phương, chỉ cần bác lảng sang chuyện thử bộ lễ phục mới là ông Giuốc-đanh chẳng còn để ý đến chuyện ăn bớt vải nữa. Chẳng thế mà bác phó may lại quá tự tin khi mặc đúng cái áo may bằng vải ăn bớt của ông Giuốc-đanh đến nhà ông Giuốc-đanh. Nước cờ này của ông phó may quả thật là cao tay vì nó đã đánh trúng tâm lí ông Giuốc-đanh đang muốn học đòi làm sang.
Tác giả chuyển tiếp từ cảnh trước sang cảnh sau một cách tự nhiên và khéo léo. Khi ông Giuốc-đanh vừa mặc xong lễ phục thì được tay thợ phụ tôn xưng là "ông lớn" ngay, lại đúng vào lúc ông đang mặc lễ phục và say sưa với cảm giác trở thành quý phái. Thế là y được thưởng vì tiếng "ông lớn" sang trọng ấy. Tay thợ phụ ranh ma này nắm thóp được ông Giuốc-đanh thì liên tiếp tung ra những câu nịnh hót để moi tiền. Và y đã rất thành công. Những tiếng "cụ lớn", rồi "đức ông" đều đem lại cho y tiền thưởng. Không phải ông Giuốc-đanh không nghĩ gì đến túi tiền của mình (Nó như thế là phải chăng, nếu không ta không mất tong cả tiền cho nó thôi) mà là tại vì cái mộng quý phái còn lớn hơn cả sự tiếc tiền! Như vậy cũng đủ thấy tính cách học đòi làm sang của ông Giuốc-đanh mạnh đến mức nào.
Đoạn này còn hé ra nét tính cách của một gã trọc phú giàu có và keo kiệt. Ngay trong giây phút ngất ngây hạnh phúc, ông Giuốc-đanh vẫn tỉnh táo nghĩ đến túi tiền của mình. Khi tay thợ phụ không tung hô thêm nữa, ông nghĩ: "Nó như thế là phải chăng, nếu không ta đế mất tong cả tiền cho nó thôi". Mô-li-e là nhà soạn kịch tài ba, tên tuổi ông sáng chói trong lịch sử sân khấu thế giới. Ông đã xây dựng thành công nhiều nhân vật điển hình, tiêu biểu cho tầng lớp giàu có thừa tiền rửng mỡ, học đòi làm sang.
Có thể nói thái độ châm biếm, đả kích của Mô-li-e đối với giai cấp tư sản hãnh tiến được thể hiện rất rõ trong vở hài kịch xuất sắc này. Tính cách lố lăng, rởm đời của Giuốc-đanh vừa có đặc điểm riêng, vừa mang tính xã hội rất cao. Nhân vật này đã vượt khỏi giới hạn là tác phầm của một thời (thế kỉ XVII) trong nền văn chương Pháp để trở thành hình tượng nghệ thuật độc đáo, mang tính khái quát muôn đời.