Bài văn phân tích chất thơ trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" số 8

“Vợ chồng A Phủ” là truyện ngắn đặc sắc nhất trong tập “Truyện Tây Bắc”, cũng là một trong những truyện ngắn Việt Nam xuất sắc trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp. Tác phẩm là bức tranh chân thực về cuộc sống và con người vùng Tây Bắc, tái hiện số phận đau khổ của những người nông dân nghèo miền núi;đồng thời ngợi ca sức sống và khát vọng tự do của người miền núi, là hình ảnh con đường giải phóng và cuộc đổi đời của họ trong cách mạng.


Nói về truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, có nhận định cho rằng: “Có một chất thơ ngọt ngào, dịu dàng lan tỏa trong cảnh sắc, trong dòng hồi ức của Mị và trong nhịp điệu câu văn, trong lời bài hát, trong những từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm”. Đoạn văn miêu tả đêm tình mùa xuân trên núi cao tiêu biểu cho phong cách văn chương dạt dào chất thơ của Tô Hoài trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.


Quả thực “Chất thơ” trong tác phẩm văn xuôi có thể hiểu là vẻ đẹp lãng mạn được tạo ra từ sự hoà quyện giữa vẻ đẹp của cảm xúc, tâm trạng, tình cảm với vẻ đẹp của cách biểu hiện nó để có thể khơi gợi những rung động thẩm mĩ và tình cảm nhân văn. Nó là vẻ đẹp bay bổng thơ mộng thoát lên từ đời sống hiện thực. Nó tương phản với đời sống hiện thực nhưng lại trong một thể thống nhất.Nếu hiện thực là môi trường của những cái vốn có, hiện có thì vẻ đẹp lãng mạn là ước mơ, là lí tưởng để nâng đỡ con ngươi vượt qua đờ sống hiện thực vốn trần trụi.


Chất thơ trong truyện ngắn đã được tạo nên khi nhà văn chú ý khai thác và biểu hiện một cách tinh tế cái mạch cảm xúc, tâm trạng, tình cảm của nhân vật hoặc của chính mình trước thế giới bằng những chi tiết, hình ảnh đầy gợi cảm và một lối văn trong sáng, truyền cảm, phù hợp với nhịp điệu riêng của cảm xúc, tâm hồn


Tô Hoài đã vẽ nên bức tranh về quang cảnh Tết đầy khác biệt trên núi cao. Tết không về theo lời hẹn trước, không nhất nhất phải đồng hành cùng tháng ấy, ngày ấy trên tấm lịch... Trái lại, người dân vùng núi miền Tây “cứ ăn Tết khi gặt hái vừa xong, không kể ngày tháng nào. Ăn Tết như thế cho kịp lúc mưa xuân xuống thì đi vỡ nương mới”. Đó một phong tục rất đẹp, rất thơ của đồng bào vùng cao, cách tính ngày Tết rất độc đáo thể hiện thuần túy tư duy nông nghiệp. Họ ăn tết khi ngô lúa đã gặt xong, mùa xuân có niềm vui thu hoạch mùa màng. Nhịp sống của con người “hoà thuận” một cách hồn nhiên, tự nhiên cùng nhịp điệu của thiên nhiên, vũ trụ như thuở sơ khai.


Nhà văn đã có những câu văn thật hay nêu bật được hình ảnh đặc trưng về thiên nhiên Tây Bắc những ngày giáp Tết. Khi “các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho”, người được an nhàn, thư thái thì vui chơi đón Tết. Có phải vì thế mà Tô Hoài tả cảnh Tết đến vào lúc “gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội”, nhưng vẫn gợi được cái không khí náo nức, tươi tắn của mùa xuân? Và dù cái Tết năm ấy đến Hồng Ngài “giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội” cũng không ngăn được niềm vui đang trỗi dậy trong tâm hồn những người dân ở đây, đặc biệt là ở những đôi trai gái yêu nhau. Hình ảnh những chiếc váy hoa “đem ra phơi trên mỏm đá xoè như con bướm sặc sỡ” trong các làng Mèo Đỏ và tiếng sáo gọi bạn đi chơi “lấp ló ngoài đầu núi” mang hương vị độc đáo của mùa xuân Tây Bắc. Hình ảnh tết ở đây gắn liền với những đêm tình nồng nàn, mê đắm: “trai gái đánh pao, đánh quay rồi đêm đêm rủ nhau đi chơi. Suốt đêm, con trai đến nhà người mình yêu, đứng thổi sáo xung quanh vách”. Có cả bữa cơm Tết cúng ma, bữa rượu bên bếp lửa, rồi “người nhảy đồng, người hát”...Bằng lối “điểm xuyết” như thế, Tô Hoài dần xoá đi khoảng cách thời gian và không gian, đưa người đọc nhập vào nhịp sống riêng của miền đất này.


Từ dòng hồi ức của Mị, có thể cảm nhận được cái chất thơ vút lên từ cuộc sống của những con người bị vùi dập trong đau khổ, bất hạnh nhưng chưa bao giờ lụi tắt khát vọng sống, khát vọng tình yêu và tự do. Trong đêm hội mùa xuân ở Hồng Ngài, lúc đó, kiếp con dâu gạt nợ ở nhà thống lí đã biến Mị từ một cô gái trẻ trung, tài hoa, mạnh mẽ... thành người đàn bà nhẫn nhục, chai sạn trước đau khổ.


Nhưng bất chấp số phận cay đắng, nghiệt ngã, trái tim Mị vẫn âm thầm gìn giữ niềm khao khát tình yêu, hạnh phúc. Khi đau khổ xoá mờ kí ức, Mị vẫn không quên giai điệu ngọt ngào, tha thiết của tiếng sáo gọi bạn tình. Nó quấn quýt, vương vấn, thức tỉnh, nâng đỡ, chắp cánh cho tâm hồn Mị: “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bổi hổi [...] Tai Mị văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng [...] Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường [...] Trong đầu Mị đang rập rờn tiếng sáo...”. Tiếng vẫy gọi của tình yêu đã làm sống dậy những cảm xúc và kỉ niệm Mị từng chôn vùi, quên lãng. Người đàn bà câm lặng suốt bao năm tháng giờ đây đang ngồi “nhẩm thầm bài hát” của người thổi sáo. Từng câu hát nồng nàn, tình tứ gọi về trong tâm tưởng những tháng ngày hạnh phúc, tươi sáng nhất: “Mùa xuân này, Mị uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mị uốn chiếc lá trên môi, thổi lácũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mị”. Trong khoảnh khắc, Mị vượt qua mọi khoảng cách của thời gian, không gian, băng qua ranh giới của quá khứ và hiện tại để trở về sống trọn với tuổi thanh xuân tươi đẹp. Chất thơ toả sáng từ tâm hồn Mị - người con gái dẫu đi qua chốn địa ngục trần gian vẫn ấp ủ trong lòng bao xúc cảm đẹp đẽ và nồng ấm tình người. Mị dù qua bao bị đày đoạ đến chết đi sống lại nhưng luôn tiềm tàng sức sống và khát khao hạnh phúc mãnh liệt.


Tô Hoài cũng sáng tạo nhiều kiểu câu văn giàu nhịp điệu “như biết co duỗi nhịp nhàng” (Nguyễn Tuân). Có kiểu câu với cấu trúc tầng lớp, trùng điệp các vế, thường được dùng để miêu tả các sự kiện kéo dài, lặp lại, triền miên, nặng nề; có kiểu câu ngắn, dồn dập, diễn tả những biến động bất ngờ. Những cấu trúc mới lạ, phong phú đan xen, phối hợp với nhau một cách linh hoạt mang dến cho lời vãn tính đa thanh, phức điệu. Tất cả làm nên chất thơ của “Vợ chồng A Phủ” không thể không nhắc đến ngôn ngữ nghệ thuật của nhà văn với hàng loạt các âm thanh, các hình ảnh gợi hình, gợi cảm rất nên thơ và đậm màu sắc. Ngôn ngữ văn xuôi của Tô Hoài ngoài cái ý nghĩa cụ thể trong từng câu chữ còn có một cái vô hình khó chỉ ra nhưng hoàn toàn có thể cảm thấy, đó chính là giọng điệu, là âm điệu câu văn cùng tiết tấu nhịp nhàng của nó. Tiết tấu đó chính là sự thể hiện những điệu tâm hồn, những cung bậc khác nhau trong tình cảm của nhà văn.


Khi viết về những ngày tết ở Hồng Ngài, nhà văn Tô Hoài cũng rất chú ý miêu tả tiếng sáo. Sáo H’Mông có khả năng diễn tả ngôn ngữ của người H’Mông, thay họ nói lên tình cảm trong lòng: “Mày có con trai con gái rồi, Mày đi là nương. Ta chưa có con trai con gái, Ta đi tìm người yêu”. Đó là phương tiện giao duyên hữu hiệu của các chàng trai đối với con gái trong bản làng.


Ngôn ngữ văn xuôi của Tô Hoài giàu chất thơ, chất hoạ. Không thiếu những đoạn văn, đọc lên, ngỡ như mình đang đứng trước một bức tranh hay đang xem một trường đoạn phim với góc quay thật rộng: “Trên đầu núi, các nương ngô, nương lúa gặt xong, ngô lúa đã xếp yên đầy các nhà kho. Trẻ em đi hái bí đỏ, tinh nghịch, đã đốt những lều canh nương để sưởi lửa… Hồng Ngài năm ấy ăn Tết giữa lúc gió thổi vào cỏ gianh vàng ửng, gió và rét rất dữ dội”. Gần rồi xa, cao và thấp, đậm xen nhạt, khi thì sắc nét như ở ngay trước mặt, lúc lại thấp thoáng mơ hồ như ở ngoài tầm mắt; vừa trải rộng với những nét vẽ sông, suối mềm mại, đã lại sừng sững thu về trong dáng núi gân guốc, hùng vĩ... của núi rừng Tây Bắc.


Nói về truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”, Tô Hoài từng tâm sự: “Thiên nhiên và con người miền Tây đã để thương để nhớ cho tôi nhiều quá, tôi không bao giờ quên”.Chính những năm tháng không bao giờ quên ấy đã cho Tô Hoài chất liệu thấm đẫm chất thơ khi miêu tả thiên nhiên và con người Tây Bắc. Với sự gắn bó sâu nặng của mình với mảnh đất này, Tô Hoài đã truyền cho người đọc những rung cảm sâu xa với cảnh, với người bằng lối văn xuôi thấm đẫm chất thơ ngọt ngào, dịu dàng lan tỏa trong cảnh sắc, trong dòng hồi ức của Mị và trong nhịp điệu câu văn, trong lời bài hát, trong những từ ngữ giàu sắc thái biểu cảm. Đoạn văn miêu tả đêm tình mùa xuân trên núi cao tiêu biểu cho ngôn ngữ văn chương thấm đẫm chất thơ của Tô Hoài trong truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.

Bài văn phân tích chất thơ trong truyện ngắn
Bài văn phân tích chất thơ trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" số 8
Bài văn phân tích chất thơ trong truyện ngắn
Bài văn phân tích chất thơ trong truyện ngắn "Vợ chồng A Phủ" số 8

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |