Bài văn phân tích "Cây tre Việt Nam" (Ngữ văn 7 - SGK Cánh diều) số 8

Cây tre đã gắn bó với dân tộc Việt Nam từ bao đời nay. Tre có mặt trong cuộc sống con người mọi lúc. Cây tre là biểu tượng cho con người, dân tộc Việt Nam. Viết về vẻ đẹp mộc mạc, giản dị của cây tre chúng ta có thể kể đến bài Tre Việt Nam của nhà thơ Nguyễn Duy và không thể không nhắc đến tác phẩm Cây tre Việt Nam của nhà văn Thép Mới. Tác phẩm được viết làm lời bình cho một bộ phim điện ảnh Ba Lan. Thông qua hình ảnh cây tre, tác phẩm đã cho thấy vẻ đẹp của con người, đất nước Việt Nam, đồng thời ca ngợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta.


Không sử dụng ngôn từ hoa mỹ, giọng văn trong "Cây tre Việt Nam" tự nhiên, mộc mạc và ngay thẳng như tre. Ngay từ những câu văn mở đầu tác giả đã khẳng định tre là người “bạn thân của nông dân Việt Nam, của nhân dân Việt Nam”. Câu văn ấy là lời khẳng định về mối quan hệ gắn bó lâu dài, bền chặt của tre với con người. Đặt tre trong muôn ngàn cây cối khác nhau, Théo Mới đã làm nổi bật lên vai trò, ý nghĩa của nó: “Nước Việt Nam xanh muôn ngàn cây lá khác nhau. Cây nào cũng đẹp, cây nào cũng quý, nhưng thân thuộc nhất vẫn là tre nứa” . Cũng bởi vậy mà tre có mặt ở khắp mọi nơi: “Tre Đồng Nai, nứa Việt Bắc, tre ngút ngàn Điện Biên Phủ, lũy tre thân mật làng tôi,… đâu đâu ta cũng có nứa tre làm bạn” . Câu văn nhịp nhàng kết hợp với biện pháp liệt kê đã cho thấy sự thân thuộc, gần gũi của tre với đời sống con người.


Tiếp ngay sau đó, Thép Mới khẳng định những vẻ đẹp phẩm chất của tre: mọc thẳng, ở đâu tre cũng xanh tốt, dáng tre mộc mạc, màu tre nhũn nhặn, cứng cáp, dẻo dai, vững chắc,… Và vẻ đẹp, khí chất của tre được tác giả so sánh: “Tre trông thanh cao, giản dị, chí khí như người”. Câu văn không đơn thuần là một phép so sánh, mà còn là một lời ngầm khẳng định cây tre chính là biểu tượng cho con người Việt Nam, những vẻ đẹp, khí chất của tre cũng chính là phẩm chất cao quý của dân tộc ta. Tất cả những điều ấy được diễn tả bằng lời văn nhịp nhàng, cân đối như lời hát.


Không chỉ mang những phẩm chất đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam, tre còn gắn liền với đời sống dân tộc Việt. Tác giả bắt đầu sự gắn bó đó bằng việc trích dẫn câu thơ của Tố Hữu: “Bóng tre trùm mát rượi”, đây là cầu nối, khơi gợi sự gắn bó khăng khít giữa người và tre. Tre bao bọc, che chở con người, dưới bóng tre xanh dân ta vỡ ruộng, khai hoang, làm ăn sinh sống. Điệp ngữ “bóng tre” “dưới bóng tre” được điệp đi điệp lại càng khẳng định hơn nữa sự gắn bó thủy chung của tre với con người. Tre cứ thế gắn bó trong lao động, trong đời sống văn hóa, tâm linh của dân tộc Việt. Với người dân Việt Nam, tre như người bạn muôn đời thủy chung và gần gũi. Tre ở mọi nơi, mạnh mẽ và kiên cường sống, đồng hành với con người từ thuở lọt lòng cho đến khi nhắm mắt xuôi tay trở về nguồn cội. Ấy là chiếc nôi tre ru giấc ngủ nồng say ngày còn thơ ấu, là tiếng sáo diều vút cao mỗi chiều chăn trâu cắt cỏ, là điếu thuốc lào hàn huyên bên chén chè xanh,...


Không chỉ vỗ về con người Việt Nam trong những ngày tháng êm đềm, tre còn kề vai sát cánh với người trong những năm chiến tranh thảm khốc nhất. Tre bao bọc xóm láng, ôm lấy người, vừa là khiên chắn, vừa là vũ khí. Cảm hứng chính của đoạn văn được khơi dậy từ hình ảnh: “Như tre mọc thẳng, con người không chịu khuất”. Hình ảnh gọn ghẽ, mang tính hình tượng cao, tô đậm đặc điểm của tre đông thời ca ngợi ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc ta. Trước mưa bom, bão đạn của kẻ thù, cả tre và người không chịu khuất phục, tre giúp sức người: gậy tre, chông tre chống lại sắt thép quân thù. Trong đoạn văn tác giả đã sử dụng hàng loạt biện pháp nhân hóa: tre là đồng chí, tre giữ làng, tre hi sinh,… vừa tôn vinh giá trị của tre vừa làm sống dậy những năm tháng chiến tranh ác liệt mà hào hùng của dân tộc.


Kết lại bài viết, là hình ảnh tre của hiện tại, khi cuộc sống con người đã trở nên hiện đại hơn, sắt thép xi măng đã dần thay thế cho tre. Nhưng không vì thế mà tre mất đi vị thế của mình. Tre vẫn xuất hiện trên phù hiệu ở ngực thiếu nhi, được tác giả diễn đạt thật tinh tế qua hình ảnh “măng mọc”, tiếng sáo diều vi vút,… Lời kết vút lên như một lần nữa ca ngợi sự gắn bó thủy chung, son sắt của tre với con người. Dù đất nước có phát triển hơn nữa, cuộc sống con người hiện đại ra sao, tre Việt Nam, con người Việt Nam vẫn sẽ hiên ngang bất khuất, mãi không đổi thay giữa thăng trầm lịch sử.


Bài kí sử dụng lớp ngôn ngữ giàu chất thơ với nhịp điệu phong phú, biến hóa linh hoạt, phù hợp với nội dung bài viết. Hệ thống điệp từ, điệp ngữ, chia làm nhiều câu văn ngắn tạo nên không khí sục sôi, hào hùng trong những năm tháng kháng chiến chống Pháp. Giọng điệu dịu dàng kết hợp với các câu văn trữ tình hòa quyện với nhau tựa như một khúc hát ru tha thiết. Những thủ pháp nghệ thuật ấy làm nên một bài kí với âm điệu và dáng hình đẹp như một bài thơ, khắc họa trọn vẹn hình ảnh tre Việt Nam.


"Cây tre Việt Nam" là một trong những bài kí xuất sắc của tác giả Thép Mới với những chi tiết, hình ảnh được chọn lọc kĩ càng, giọng điệu tha thiết khẳng định sự gắn bó, thủy chung của cây tre với đời sống người dân Việt Nam. Dù hôm nay hay mãi mãi về sau, tre sẽ luôn là người bạn, người đồng hành bên dáng hình Việt Nam ngàn đời.

Bài văn phân tích
Bài văn phân tích "Cây tre Việt Nam" (Ngữ văn 7 - SGK Cánh diều) số 8

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |