Bài văn phân tích cảm hứng nhân đạo trong "Truyện Kiều" của Nguyễn Du số 3
Nếu như cảm hứng hiện thực trong Truyện Kiều của Nguyễn Du khiến người đọc nhận ra được xã hội phong kiến suy tàn, thối nát, con người bị chà đạp cả thể xác và tinh thần thì cảm hứng nhân đạo gieo vào lòng người đọc niềm xót thương vô hạn. Cảm hứng nhân đạo của Truyện Kiều là cảm hứng xuyên suốt từng nhân vật, từng câu chữ, ngấm vào tim của tác giả và của người đọc.
Có thể nói chính cảm hứng nhân đạo trong Truyện Kiều đã có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những người yêu truyện Kiều và thương cho số phận hồng nhan tài hoa bạc mệnh. Trước hết chúng ta có thể thấy được cảm hứng nhân đạo mà Nguyễn Du gửi gắm qua tác phẩm xuất phát từ hiện thực nhiều cay nghiệt, oan trái trong xã hội phong kiến bấy giờ.
Là một người tràn đầy tình yêu và lòng trắc ẩn đối với những phận người tài hoa nhưng nổi trôi trong xã hội như Thúy Kiều; Nguyễn Du bằng trái tim, bằng nước mắt khắc họa thành công nhân vật Thúy Kiều. Kỳ thực Thúy Kiều không phải được dựng lên bằng ngôn ngữ tài hoa bậc thầy của Nguyễn Du mà được tạo nên từ chính tình cảm yêu thương mãnh liệt của ông.
Tinh thần nhân đạo chạy dọc suốt hơn 3000 câu thơ, từ nhân phẩm, tính cách của nhân vật đến những cơ cực mà họ mang đến khát khao vươn tới hạnh phúc. Đó đều là những giá trị đáng trân trọng của một con người. Thúy Kiều vì gia đình sa cơ lỡ bước mà cuộc đời cô phải trải qua 15 năm lưu lạc. Hẳn người đọc còn nhớ đến gia cảnh của Nguyễn Du, ông cũng đã từng trải qua 15 năm lưu lạc ở quê vợ với cuộc sống cùng cực. Có thể nói cảm hứng của truyện Kiều chính là từ cuộc đời của Nguyễn Du. Thấu hiểu được nỗi khổ của cảnh sống trôi nổi Nguyễn Du đã thổi hồn, thổi chữ tâm vào nhân vật Thúy Kiều.
Thúy Kiều đã trải qua bao nhiêu sóng gió, qua tay bao nhiêu kẻ, chịu nhiều nỗi nhục nhã, ê chề nhưng nàng vẫn kiên cường, mạnh mẽ chống chọi tất cả. Hơn hết Thúy Kiều vượt lên số phận, luôn khát khao yêu thương, khát khao hạnh phúc, khát khao được đoàn tụ. Đây đều là những khát vọng bình dị nhưng lại vô cùng lớn lao đối với số kiếp tài hoa bạc mệnh như Thúy Kiều.
Nỗi cay đắng, cùng cực mà Thúy Kiều mang nặng suốt 15 năm chính là số mệnh mà cô phải hứng chịu. Người con gái ấy mạnh mẽ bao nhiêu thì càng bị vùi dập bấy nhiêu. Thực sự người đọc rơi nước mắt trước cảnh một người con gái tuyệt sắc giai nhân nhưng bị chà đạp cả thể xác và nhân phẩm.
Thúy Kiều rơi vào cảnh này cũng xuất phát từ tấm lòng hiếu thảo với mẹ cha, nàng lựa chọn chữ “hiếu” thay vì chữ "tình". Bởi hai chữ đó có bao giờ được vẹn nguyên, sự lựa chọn nghiệt ngã, đầy nước mắt ấy chính là con đường gian khổ mà Thúy Kiều phải chịu dày vò.
Qua việc xây dựng hình tượng Thúy Kiều đẹp đẽ, đầy sức sống, đầy khát khao và tình yêu Nguyễn Du đã gửi gắm đến người đọc thông điệp về khát vọng sống, khát vọng vươn tới hạnh phúc. Khi tình yêu lớn hơn sự khắc nghiệt của hiện tại thì nó sẽ chiến thắng.
Người đọc không khỏi xúc động, nghẹn ngào thương cho cuộc đời của Thúy Kiều, thương cho những người con gái bạc mệnh trong xã hội phong kiến. Qua đó bộc lộ thái độ căm phẫn đến tột độ xã hội thối nát đẩy con người đến bước đường cùng.
Như vậy “Truyện Kiều” của Nguyễn Du thực sự là một tác phẩm mang nặng cảm hứng nhân đạo và tình yêu thương con người sâu sắc. Đây là điều mà Nguyễn Du muốn hướng tới, muốn gửi gắm đến mọi người.