Bài văn phân tích cái tôi độc đáo của Tản Đà trong bài "Hầu trời" số 8

Nam Cao đã từng nói: “Văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp được những người biết đào sâu, biết tìm tòi, khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có” chính điều đó làm nên cái tôi cá nhân có dấu ấn riêng biệt của mỗi tác giả. Tản Đà là một nhà văn có cái tôi ngông khác người nên thơ văn ông để lại một nét đặc sắc không thể lẫn với bất kì nhà văn nhà thơ nào. Đặc biệt cái tôi ngông ấy được thể hiện xuất sắc trong bài thơ “Hầu trời” với lối viết phóng khoáng, tự do khẳng định tài năng của bản thân.


Khái niệm “ngông” trong dùng để chỉ thái độ ứng xử xã hội và nghệ thuật khác thường với mọi người của các nhà văn, nhà thơ có ý thức cao về tài năng và phẩm chất cá nhân. Trong văn học trung đại ta đã từng bắt gặp cái tôi ngông của Nguyễn Công Trứ trong “Bài ca ngất ngưởng” hay Cao Bá Quát nay ta lại gặp Tản Đà dù không phải là cái ngông duy nhất nhưng vẫn có những điểm đặc thù do quy định thời đại thi sĩ sống là lúc giao thời Đông Tây, Hán học suy tàn và Tây học bắt đầu phát triển. Thơ văn Tản Đà được coi là dấu gạch nối giữa hai thế kỉ: trung đại và hiện đại.


Trong bài thơ “Hầu trời” cái tôi ngông được thể hiện ngay ở nhan đề tác phẩm. Trời ở tận trên cao xa có ai lên đến được với trời để hầu vậy mà Tản Đà lại hầu trời bằng văn thơ. Không chỉ vậy cái ngông ấy còn được thể hiện ở những nội sau.Tác giả tự cho rằng văn thơ mình hay khi “Tiếng ngâm vang cả sông Ngân Hà” nên khiến Trời mất ngủ đành phải cho hai cô tiên xuống mời thi sĩ lên đọc thơ. Ông tự tin khẳng định cái tôi cá nhân của mình bằng cách “Đọc hết văn vần sang văn xuôi/ Hết văn lí thuyết lại văn chơi”, ông liệt kê những áng văn của mình như: khối tình, khối tình con, thần tiên, giấc mộng, đài gương, lên sáu, đàn bà Tàu, lên tám. Nhà trời nghe xong gật gù khen: “Văn đã giàu thay, lại lắm lối”/ “Trời nghe, Trời cũng lấy làm hay”, các chư tiên cũng tấm tắc ngợi ca: “Tâm như nở dạ, Cơ lè lưỡi/ Hằng Nga, Chức Nữ chau đôi mày/ Song Thành, Tiểu Ngọc lắng tai đứng/ Đọc xong mỗi bài cũng vỗ tay”. Thi sĩ đã mượn lời của Trời để khẳng định tài năng văn chương bản thân đặc biệt là câu thơ: “Trời lại phê cho: Văn thật tuyệt/ Văn trần được thế chắc có ít/...”. Ta từng bắt gặp lời tự ý thức tài năng bản thân trong thơ ông như: “Sông Đà núi Tản đúc nên ai/ Trần thế xưa nay được mấy người”. Tản Đà rất tự tin thể hiện mình bằng tất cả vốn văn chương có được, ông khẳng định có mấy người được như ông.


Cái tôi ngông được thể hiện khi được Trời hỏi danh tính ông đã tự tin xưng tên họ đầy đủ. “Con tên Khắc Hiếu họ là Nguyễn/ Quê ở Á Châu về Địa cầu/ Sông Đà núi Tản nước Nam Việt”. Trong thơ ca trung đại với đặc trưng cái tôi cá nhân bị lu mờ nhưng cũng có không ít trường hợp không ngần ngại xưng danh như Hồ Xuân Hương “Quả cau nho nhỏ, miếng trầu hôi/ Này của Xuân Hương đã quệt rồi” hay Nguyễn Công Trứ với câu thơ “Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”. Cái ngông của Tản Đà cũng lặp lại điểm giống tuy nhiên cách nói của thi nhân đặc biệt hơn các nhà thơ trước. Ông công khai lí lịch rõ ràng và rất hiện đại có đầy đủ họ tên, quê quán, quốc tịch, châu lục, hành tinh. Qua đó ta có thể thấy được con người tài năng và phẩm chất đáng quý của ông. Thi sĩ ý thức tài năng văn chương bản thân và tự tin bộc lộ bản ngã cá nhân không chút ngần ngại không những vậy ta còn thấy được tấm lòng yêu nước sâu sắc của bậc trí thức công khai mình ở “Sông Đà núi Tản nước Nam Việt” trong hoàn cảnh chủ quyền đất nước bị xâm lăng, nền độc lập dân tộc bị đe dọa. Chính điều đó khẳng định tinh thần tự tôn dân tộc của thi sĩ. Đúng như lời nhận xét của Xuân Diệu: “Tản Đà là người thi sĩ đầu tiên mở đầu cho thơ Việt Nam hiện đại. Tản Đà là người thứ nhất đã có can đảm làm thi sĩ, đã làm thi sĩ một cách đường hoàng bạo dạn, dám giữ một bản ngã, dám giữ một cái tôi”


Cái tôi ngông Tản Đà còn được thể hiện khi ông tự coi mình là một vị tiên trên trời bị đày xuống hạ giới vì tội ngông. Ông cũng tự nhận mình là người nhà Trời được sai xuống hạ giới để thực hiện sứ mệnh cao cả: “Là việc thiên lương của nhân loại/ Cho con xuống thuật cùng đời hay”. Ông tự bịa chuyện lên hầu trời bằng tài năng văn chương cá nhân cũng là để thể hiện sự đối lập nhân cách, lối sống với giai cấp phong kiến, Tản Đà tự thấy mình là người không có ai là kẻ tri âm tri kỉ với mình. Chưa bao giờ ta thấy một cái tôi ngông bạo dạn như thế. Nếu các tác giả trước tự khẳng định mình về con đường công danh, kinh bang tế thế còn Tản Đà lại thể hiện tài văn chương hơn người hơn đời. Một nét đặc biệt cái ngông Tản Đà có điểm đặc thù do sự quy định của thời đại ông sống trong thời điểm giao thời loạn lạc, chế độ phong kiến suy tàn, Nho học nhường lối cho chữ quốc ngữ và văn chương hiện đại nên ông không đề cao “Nghĩa vua tôi cho vẹn đạo sơ trung” như Nguyễn Công Trứ. Ông tự do sống đúng với bản ngã cá nhân mới mẻ phù hợp với thời đại lúc bấy giờ.


Như vậy cái tôi ngông của Tản Đà đã làm nên một dấu ấn cá nhân riêng biệt trong nền văn học dân tộc khiến cho ai đọc thơ ông không thể quên được cái ngông ngạo nghễ với đời thật xác đáng với lời nhận xét của Lê Thanh: “Ông Tản Đà là người thứ nhất và là người độc nhất của thế hệ ông đã làm sống lại cái hồn thơ Việt Nam đang hấp hối, tôi không muốn nói đến đã chết rồi. Ông ra đời đem cho chúng ta một thi sĩ thành thực dám ca hát cái đời sống của lòng; ông đã mơ mộng, đã chán đời, yêu đời, thiết tha với đời một cách tự do, ông đã dám ngông, dám có một bản ngã, dám công nhiên để cho cái chữ tình mê man của mình rãi trong văn thơ”.

Ảnh minh họa (Nguồn internet)
Ảnh minh họa (Nguồn internet)

xoivotv | 90phut | mitom tv1 | xem lại bóng đá | banthang | Xoilac tv | xem lại bóng đá | thevang tv | bong da truc tiep | bongdatructuyen | xemlai |