Bài văn phân tích ca dao "Thân em như tấm lụa đào" (Ngữ văn 10) số 2
Trong xã hội xưa người phụ nữ luôn là những người bé cổ thấp họng phải chịu nhiều thiệt thòi. Họ không dám cất lên tiếng nói đòi quyền sống, quyền đấu tranh. Thân phận người phụ nữ đã đi vào văn học dân gian xưa qua những bài ca dao quen thuộc:
“Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai”
Ca dao là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian rất phổ biến, đúc kết trong đó nhiều tình cảm và cũng là lời than thân trách phận. Các tác giả dân gian có lẽ đã thấu suốt được nỗi đau đó, thông cảm với thân phận người phụ nữ. Bài ca dao mở đầu bằng công thứ quen thuộc “thân em” tựa như những khúc tự hát buồn. Ta còn bắt gặp ở trong rất nhiều bài ca dao khác, trở thành tiếng nói thân phận chung của người phụ nữ xuất hiên trong xã hội xưa. Bài ca dao là sự tự ý thức về thân phận mình giữa cuộc đời người phụ nữ tự ví mình với những vật nhỏ bé “ tấm lụa đào” gợi vẻ dịu dàng, duyên dáng. Lụa là thứ vải quý qua đó cho thấy vẻ đẹp duyên dáng, trẻ trung nữ tính của người phụ nữ. Người phụ nữ rất có ý thức về giá trị của mình, tự khẳng định bản thân. Hai câu ca dao tưởng đây là lời ca ngợi vẻ đẹp của người phụ nữ, tuy nhiên dải lụa đào đẹp. sang trọng, kiêu hãnh như thế lại bị đặt vào giữa chợ, trở thành đối tượng sở hữu của nhiều người có nhu cầu mua bán. Hình ảnh khiến người đọc thấm thía số phận lệ thuộc, bị định đoạt, nổi trôi, mong manh của người phụ nữ. Thân phận của người phụ nữ đã được văn học thành văn nhắc đến. Hồ Xuân Hương thì đồng cảm với phận bảy nổi ba chìm của thân em vừa trắng lại vừa tròn. Nguyễn Du thương xót thốt lên: “ Đau đớn thay phận đàn bà” và Tú Xương cũng thổn thức khi viết về bà Tú: “Lặn lội thân cò khi quãng vắng.”
Đặc biệt câu hỏi tu từ “ biết vào tay ai” đã diễn tả nỗi xót xa, lo âu về số phận không thể định đoạt. Người phụ nữ không chỉ khổ về cái nghèo, cơ cực mà còn khổ về những dày vò trong tâm hồn. Chính xã hội phong kiến với hủ tục hà khắc ràng buộc lễ nghi đã đẩy họ chìm vào nỗi khổ không thể thoát ra. Và cùng là nỗi đau xót nhất là nhân vật trữ tình trong lời than thân khi người con gái ở trong lứa tuổi đẹp nhất của cuộc đời thì nỗi lo âu về thân phận lại ập ngay đến với họ. Sự đối lập giữa hai dòng thơ cho ta thấm thía nỗi lo và nỗi đau về thân phận người phụ nữ giữa cuộc đời. Câu hỏi mà cũng là lời than, lời mong trước cuộc đời đầy bất trắc là biểu hiện của trạng thái sống lo âu, bị động xét đến cùng là tiếng than thân. Câu hỏi như tiếng vọng bi ai, vang mãi đến thời đại sau này, khiến ta thương cảm xót xa trước sự cam chịu của người phụ nữ, những giọt nước mắt chảy vào trong đúc kết lại thành bài ca dao lưu giữ muôn đời.
Bài ca dao với việc sử dụng khéo léo những hình ảnh so sánh, ví von ẩn dụ từ nhguwx sự vật quen thuộc hàng ngày đãtruyền tải sâu sắc thấm thía nỗi niềm của người phụ nữ trong xã hội xưa.